Diễn viên Bá Anh thuộc thế hệ diễn viên tài năng cùng lứa với những gương mặt nghệ sĩ nổi tiếng, quen thuộc với công chúng cả nước nhiều năm qua như Vân Dung, Đức Khuê, Nguyệt Hằng, Anh Tuấn… của Nhà hát Tuổi trẻ.
Bá Anh vốn quen mặt với khán giả truyền hình qua nhiều bộ phim như Sóng ở đáy sông, Ngã ba thời gian, Đừng đùa với tình yêu, Hà Nội mùa đông năm 46... Đặc biệt, vai Văn "nghiện" của anh trong Những ngọn nến trong đêm khiến khán giả vẫn nhớ sau nhiều năm, được xem là bước ngoặt quan trọng đối với Bá Anh. Mới đây, anh vào vai cậu Vượng trong phim Thương ngày nắng về trên VTV. Anh đã có những chia sẻ chân thành với Người Đưa Tin nhân dịp Tết đến xuân về…
Người Đưa Tin (NĐT): Chào diễn viên Bá Anh, năm 2021 là một năm khá may mắn với anh khi anh dành Huy chương vàng trong vai Quyết của vở diễn Ngược chiều gió tại Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc 2021 và tham gia và một số dự án phim của VTV, phim hài Tết?
Diễn viên Bá Anh: Năm nay là một năm khó khăn của mọi ngành, và sân khấu cũng không phải ngoại lệ. Gần như nửa năm 2021 khi dịch Covid-19 bùng phát là chúng tôi không diễn được, sau đó dịch có đỡ hơn thì chúng tôi mới tập vở, nhất là cuối năm có Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc, chúng tôi đã dồn toàn bộ sức lực để tập và tham gia. Nhà hát Tuổi trẻ có nhiều nghệ sĩ giỏi và chúng tôi cũng noi gương để tiếp nối truyền thống đó. NSƯT Sĩ Tiến khi dựng vở Ngược chiều gió có bàn với tôi, chị Nguyệt Hằng, Quang Trọng… làm thế nào để tốt cho vở nhất. Chúng tôi tập rất chăm chỉ, vất vả. May mắn là khi đi Liên hoan, vở được đánh giá cao và tôi cũng đạt được Huy chương vàng.
Bên cạnh đó, tôi cũng tham gia phim Trở về giữa yêu thương cùng NSND Hoàng Dũng, và phim Thương ngày nắng về với NSND Trung Anh. Rồi phim hài Tết tôi cũng tham gia vào phim Lộc xuân. Nói chung, tôi cũng thấy mình may mắn khi tham gia nhiều dự án và mỗi công việc, tôi đều làm hết sức mình để được khán giả đón nhận.
NĐT: Lý do khiến anh nhận lời tham gia bộ phim Thương ngày nắng về của đạo diễn Bùi Tiến Huy?
Diễn viên Bá Anh: Trước đây tôi làm nhiều dạng vai nhưng vai màu sắc như nhân vật Vượng tôi chưa làm. Vượng là em ruột của bà Nga bán bún riêu bị vợ bỏ, tính tình bộp chộp, hồn nhiên, tuổi 50 mà ngỡ như trẻ thơ. Ngờ nghệch trong cuộc sống nhưng ở Vượng lại có tấm lòng nhân hậu, yêu thương chị và các cháu. Vì ngờ nghệch nên anh ta hay bị lừa. Vượng yêu màu tím, thích sự thuỷ chung, ghét sự giả dối, rất thích văn thơ. Vượng như một chấm phá có tính trào phúng, hóm hỉnh trong tổng thể một bộ phim với mảng màu buồn, cuộc đời trầm kha của bà Nga.
Trong phim Thương ngày nắng về, tôi chỉ vào vai thứ, nhưng cũng cố gắng để diễn có màu sắc nhất để không bị hòa tan với các nhân vật khác. Đạo diễn Bùi Tiến Huy là một người làm việc khoa học, thông minh, biết khơi gợi mặt mạnh của nghệ sĩ. Khi nhận lời vào nhân vật này, tôi cũng có trao đổi với Tiến Huy phác thảo về nhân vật, tôi còn mua tóc giả về để chụp ảnh tạo hình nhân vật Vượng gửi đạo diễn, nhưng khi làm phim, các bạn hoá trang đã tìm cho tôi một bộ tóc thật hơn để tạo hình.
NĐT: Trong phim, anh tương tác thế nào với NSƯT Thanh Quý, Minh Huyền, Ngọc Huyền?
Diễn viên Bá Anh: Chị Thanh Quý và tôi từng làm việc với nhau qua bộ phim Đi qua ngày biển động của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng nên hai chị em đã biết cách làm việc của nhau. Chị Thanh Quý là một diễn viên chuyên nghiệp, diễn giỏi nên hai chị em không mất nhiều thời gian với nhau, hai chị em diễn như là không diễn nên có những đoạn diễn rất đời, rất thật.
Minh Huyền là một diễn viên thông minh, có nghề khi làm việc với Minh Huyền rất thú vị. Bạn Ngọc Huyền thì có sức trẻ, đây là phim dài đầu tiên với bạn ấy, mỗi khi có ai góp ý, Ngọc Huyền rất tiếp thu. Dàn diễn viên trẻ làm cho bộ phim có sức sống mới, nhiều kỷ niệm.
NĐT: Làm phim mùa dịch có gì khó khăn không anh?
Diễn viên Bá Anh: Rất khó khăn, khó khăn đến nỗi buổi sáng đoàn phim đã được bác chủ nhà đồng ý cho mượn bối cảnh, nhưng đến trưa không hiểu sao, bác ấy lại thay đổi ý định, chắc vì sợ dịch bệnh Covid-19. Khi đó, tất cả các diễn viên từ vai chính đến vai phụ và toan bộ ê - kíp đều được ít nhất 2 mũi vắc – xin đầy đủ. Cả đoàn phim đều được test Covid- 19 hàng ngày, mọi người đều phải đeo khẩu trang, diễn viên chỉ khi nào diễn mới bỏ khẩu trang, còn không thì phải đeo đầy đủ và thực hiện quy tắc 5K nghiêm túc. Vì thế, đoàn phim đã lấy lại được lòng tin của mọi người và cũng được hỗ trợ nhiệt tình khi mượn bối cảnh.
NĐT: Anh anh từng tốt nghiệp Khoa Đồ họa của Trường Đại học Mỹ thuật, có bao giờ anh thấy ân hận vì mình chuyển sang nghề diễn viên không?
Diễn viên Bá Anh: Tôi tốt nghiệp lớp diễn viên của Nhà hát Tuổi trẻ năm 1994, năm 1996 tôi thi vào Khoa Đồ hoạ của trường Đại học Mỹ thuật, năm 2001 tôi tốt nghiệp, các bạn tôi đều thành danh ở mảng đồ hoạ, mỗi tôi làm diễn viên nhưng chưa bao giờ tôi hối hận vì mỗi người một sứ mệnh, nghề diễn là đam mê của tôi. Tôi quan niệm người nghệ sĩ như một hạt cát và nhiều hạt cát sẽ xây dựng được Vạn Lý Trường Thành. Mỗi người góp một chút thì mới có thành công của ngành nghề được.
NĐT: Anh có phải là người “sống được” với nghề diễn? Vì tôi thấy nhiều nghệ sĩ đi làm nghề tay trái lắm?
Diễn viên Bá Anh: Tôi không giàu, không nghèo. Tôi sống được với nghề, tôi cũng không có nhu cầu gì nhiều. Bá Anh cũng không có nghề tay trái. Chắc vì tôi sống cũng giản dị nên cuộc sống cũng không cần gì quá sang trọng. Tôi thấy đủ là được.
NĐT: Nhắc đến Bá Anh, người ta vẫn nhớ về vai diễn Văn trong Những ngọn nến trong đêm, 19 năm qua, anh nghĩ, mình đã vượt qua “cái bóng” vai diễn này chưa?
Diễn viên Bá Anh: Vượt qua hay không là do cái nhìn của khán giả, tôi cho rằng, vai diễn đỉnh cao của tôi vẫn đang ở phía trước, nếu có cơ hội, tôi vẫn muốn thử sức với những vai diễn mới. Tôi muốn được làm nhiều dạng vai thì mới mang được nhiều cảm xúc tới khán giả.
NĐT: Anh nghĩ thế nào về sự nổi tiếng của người nghệ sĩ? Anh có phải là người nổi tiếng không?
Diễn viên Bá Anh: Tôi không nghĩ mình là người nổi tiếng, nhưng tôi tin rằng, mình có một bộ phận khán giả nhớ đến. Nổi tiếng hay không nổi tiếng thì vô cùng lắm, có những người rất giỏi, nhưng bây giờ vẫn là Nghệ sĩ ưu tú, hay như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, ông vang danh và được nhiều thế hệ yêu nhạc biết nhưng ông không cần danh hiệu gì. Nhưng cũng có người có danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân nhưng không nhiều người biết đến. Là nghệ sĩ, tôi chỉ mong mình có những vai diễn tốt, phục vụ khán giả thôi.
NĐT: Ngày Tết nhà anh diễn ra thế nào?
Diễn viên Bá Anh: Bố tôi mất rồi, nhà chỉ còn mẹ. Ngày Tết gia đình tôi và chú em cố gắng quây quần bên mẹ ăn bữa cơm tất niên. Trước đó thì trang hoàng nhà cửa, mua đào quất về trưng. Tết cổ truyền là đoàn viên, sum vầy nên ai cũng muốn không khí gia đình mình đầm ấm nhất. Đầu năm, tôi cũng hay đi chùa để tâm hồn mình thư thái, cầu mong một năm bình an.
Tôi là người yêu Tết cổ truyền, mọi năm mà chưa có Covid-19, tôi thường đưa các con đi chợ Tết mua hoa, đi chùa nhưng năm nay dịch bệnh thì tôi và người thân sẽ giữ gìn hơn. Bây giờ công nghệ thông tin hiện đại nên chúng ta có thể nói chuyện với nhau mà không giới hạn. Tôi mong rằng, dịch bệnh sẽ qua nhanh để chúng ta lại có cuộc sống bình thường như xưa.
NĐT: Anh nghĩ gì về tục lì xì hiện nay? Nhiều người nói hiện nay việc lì xì không giữ được ý nghĩa đẹp như xưa, liệu có đúng?
Diễn viên Bá Anh: Đúng là nhiều năm gần đây, tục lì xì trở nên méo mó khiến nhiều người “nhăn mặt”. Gốc lì xì là việc chúc cho trẻ em, người già một năm nhiều may mắn, hạnh phúc, trao lộc đầu xuân, nhưng bây giờ lì xì lại chạy theo mệnh giá, trẻ con nhìn mệnh giá để tỏ thái độ: Nhìn thấy tiền ít thì buồn, tiền nhiều thì thích. Chúng ta nên hướng các em đến những giá trị tốt đẹp, dù trị giá của lì xì nhiều hay ít thì đó cũng là tình cảm của người trao, các em nên trân trọng và biết ơn.
Năm mới đến, cho tôi gửi tới độc giả của Người Đưa Tin một năm mới hạnh phúc, nhiều may mắn và bình an. Chúc một năm sai tài, đắc lộc và dịch bệnh được đẩy lùi!
NĐT: Xin cảm ơn những chia sẻ của anh!