Dybala: Khối u tình trên "ốc đảo" Italia

Nguyễn Ngọc Trung

Nguyễn Ngọc Trung

Thứ 6, 01/07/2022 16:49

Sự bơ vơ của Dybala, người vừa hết hợp đồng với Juventus, là biểu tượng của một hệ sinh thái khác thường như thế giới cô lập của bóng đá Ý.

Bóng đá Châu Âu - Dybala: Khối u tình trên 'ốc đảo' Italia

Paulo Dybala trông không giống như đã sẵn sàng chia tay. Khi ánh đèn trên sân Allianz Stadium tại Turin, ngôi nhà của anh trong 7 năm qua, nhấp nháy tắt, và bản The Best của Tina Turner đến đoạn cao trào, anh bắt đầu khóc. Không phải khóc theo cách một giọt nước mắt thanh tao lăn dài trên má. Tiền đạo người Argentina khóc nức nở và nấc nghẹn.

Khi các CĐV đứng dậy tri ân Dybala, cộng sự lâu năm Leonardo Bonucci chạy đến và choàng tay ôm lấy anh. Đó không phải là hành động an ủi. Trung vệ kỳ cựu người Italia đang cố động viên đàn em. Đôi mắt đỏ ngầu, gương mặt thô ráp, Dybala dường như cố đứng thẳng trên đôi chân thay vì đổ gục xuống.

Dybala không muốn ra đi. Từ sâu thẳm bên trong, không hẳn như vậy. Thay vào đó, tiền đạo người Argentina bị bức ép ra đi. Như Messi cách đây 1 năm. Hợp đồng giữa anh và Juventus đã hết hạn vào ngày hôm qua, 30/6. Bà đầm già thành Turin dự định ký hợp đồng mới có thời hạn 4 năm vào tháng 10 năm ngoái nhưng kế hoạch đã bị đình lại. Đội bóng tiếp tục lên lịch đàm phán vào tháng 3, nhưng cuộc thảo luận chưa bao giờ diễn ra.

Bóng đá Châu Âu - Dybala: Khối u tình trên 'ốc đảo' Italia (Hình 2).

Mọi thứ đã thay đổi trong vài tháng trở lại đây, giám đốc điều hành Juve giải thích với người đại diện của Dybala. Hàng công của Juve sẽ được xây dựng xung quanh Dusan Vlahovic, tiền đạo người Serbia đã gia nhập đội bóng áo sọc đen trắng trong kỳ chuyển nhượng tháng Giêng. Sẽ không có chỗ cho Dybala, dù trên sân hay trong bảng lương. Thời gian dành cho tiền đạo người Argentina tại Allianz Stadium đã hết. Anh được (bị) tự do ra đi.

Khi những giọt nước mắt đã khô và lấy lại sự bình tĩnh, Dybala có thể tự vấn có phải đây là điều tồi tệ nhất xảy ra trong mùa Hè này hay không. Các đội bóng ở châu Âu vẫn đang trên đà hồi phục sau tác động tài chính của đại dịch Covid-19. Hầu hết không đủ tiền để trả những khoản phí chuyển nhượng lớn, nhưng điều đó không đẩy lùi tham vọng tăng cường lực lượng. Như mọi khi, đây là mùa Hè cho những vụ chuyển nhượng tự do.

Antonio Rudiger đã tận dụng cơ hội để chuyển từ Chelsea sang Real Madrid. Đồng đội cũ của trung vệ này tại Chelsea, Andreas Christensen cũng gia nhập Barcelona theo phương thức tương tự. Paul Pogba cũng vừa trở lại Juventus sau khi hết hạn hợp đồng với Manchester United. Tất cả đều được đảm bảo mức thu nhập nhờ đội bóng mới không mất khoản phí chuyển nhượng khổng lồ nào cho đội bóng cũ.

Bóng đá Châu Âu - Dybala: Khối u tình trên 'ốc đảo' Italia (Hình 3).

Dybala có thể kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều lời đề nghị hơn những cái tên kể trên. Anh năm nay 28 tuổi, độ tuổi đỉnh cao sự nghiệp cầu thủ bóng đá.  Trong một khoảng thời gian, anh được đánh giá là cầu thủ tài năng nhất tại một trong những đội bóng hùng mạnh nhất châu Âu. Anh đã đăng quang Serie A nhiều lần, tham dự trận chung kết Champions League, ghi 113 bàn sau 283 trận cho Juve. Theo mọi lý lẽ, anh là một tiền đạo ưu tú. Chữ ký của anh vẫn sẽ là một bom tấn.

Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như vậy. Hợp đồng giữa Dybala và Juve đã kết thúc, kỳ chuyển nhượng đã mở cửa, nhưng tiền đạo người Argentina vẫn chưa tìm được bến đỗ mới. Inter Milan, điểm đến tiềm năng nhất của Dybala trong thười gian qua bỗng nhiên nguội lạnh, khi đã lấy về được Lukaku theo dạng cho mượn. AC Milan, nhà vô địch Serie A đang trên đà hồi sinh, sẽ là sự thay thế lý tưởng, nhưng đến hiện tại vẫn chưa có đề nghị nào được đưa ra.

Điều đáng tò mò hơn là sự thờ ơ dễ thấy từ bên ngoài biên giới xứ sở hình chiếc ủng. Một cầu thủ trước đây đã chiếm lấy tâm trí MU, Tottenham, Barcelona và Real Madrid, trớ trêu thay lại chỉ nhận được duy nhất một đề nghị từ Sevilla, tên tuổi hạng B ở Tây Ban Nha, với mức lương bị giảm đáng kể. Một trong những cầu thủ xuất sắc nhất Serie A đang tự do, nhưng cả châu Âu hầu như không để ý.

Bóng đá Châu Âu - Dybala: Khối u tình trên 'ốc đảo' Italia (Hình 4).

Một phần nguyên do đến từ chí Dybala. Kỳ vọng về thu nhập của anh loại trừ phần lớn các CLB. Tiểu sử chấn thương của anh khiến nhiều đội bóng do dự. Phong độ của anh trong vài năm qua có chút thất thường, mặc dù anh có thể lý giải rằng Juve đang áp dụng đấu pháp không tối ưu cho những phẩm chất của anh.

Trên thực tế, đó có thể là yếu tố quan trọng nhất. Trong thời đại hầu hết các đội bóng đều sử dụng sơ đồ 3 tiền đạo - 2 tiền đạo cánh di chuyển cắt vào trong, 1 trung phong tạo khoảng trống – Dybala lại không sở hữu những thiên chất ấy.

Xu hướng và tính cách của Dybala giống một “số 10”, vị trí đã không còn tồn tại trong bóng đá hiện tại. Ngay cả Juventus, nơi mà nhiều vai trò – nhiều con số cổ điển – vẫn có trọng lượng nhất định, như giám đốc điều hành CLB tuyên bố mới đây, đang nỗ lực bãi bỏ sự cũ kỹ ấy. Bóng đá đỉnh cao hiện nay không có chỗ cho thứ mà bóng đá Ý gọi là fantasista. Dybala có lẽ là người cuối cùng trong thập kỷ này còn chơi ở vị trí như vậy.

Nhưng sự lấp lửng Dybala thấy mình trong đó cũng là một phần của xu thế lớn. Bóng đá Ý là hệ sinh thái ngày càng biệt lập, một thế giới riêng trong thế giới chung. Có một luật bất thành văn, cầu thủ Ý không nên rời khỏi quê nhà. Chỉ có 4 cầu thủ được triệu tập vào đội tuyển Italia tham dự trận Finalissima với Argentina không thi đấu tại Serie A. Tương tự là số tuyển thủ đã vô địch Euro 2020. Các HLV cũng hiếm khi xuất ngoại. Carlo Ancelotti, HLV vừa vô địch Champions League cùng Real Madrid, Antonio Conte tại Tottenham chỉ là những trường hợp ngoại lệ.

Gattuso vừa được bổ nhiệm làm HLV Valencia, theo sự kết nối của siêu cò Jorge Mendes, nhưng ông là HLV người Ý duy nhất ngoài Ancelotti và Conte đang làm việc ở 5 giải VĐQG hàng đầu châu Âu (Premier League, La Liga, Bundesliga, Ligue 1 và Serie A). Hà Lan, Bồ Đào Nha, Đức và Tây Ban Nha xuất siêu HLV, đồng nghĩa gieo mầm ý tưởng và truyền bá triết lý trên khắp thế giới. Các nhà cầm quân trưởng thành từ Coverciano, lò luyện HLV của Ý, có xu hướng làm việc gần nhà.

Bóng đá Châu Âu - Dybala: Khối u tình trên 'ốc đảo' Italia (Hình 5).

Càng ngày, Serie A càng trôi tuột khỏi vị trí trung tâm của bóng đá đỉnh cao. Theo công ty tư vấn Twenty First Group, 138 cầu thủ đã rời Ligue 1 để đến 4 giải VĐQG hàng đầu còn lại của châu Âu. Tương tự, con số này ở La Liga là 98. Serie A lại chỉ có 82, thậm chí còn ít hơn cả Premier League, cái rốn của bóng đá châu Âu đương đại.

Tất nhiên, một số thành công đáng kể: Liverpool chiêu mộ Mohamed Salah và Alisson Becker từ Roma; PSG là đội bóng chuyên nhập khẩu cầu thủ từ Ý, đã tuyển dụng các ngôi sao như Mauro Icardi, Gianluigi Donnarumma và Achraf Hakimi từ hai ông lớn thành Milan. Ngoài ra còn vài cái tên nổi bật như Leverkusen chiêu mộ Patrik Schick, Leicester City ký hợp đồng với Timothy Castagne.

Nhưng phần lớn các CLB Ý bây giờ giao dịch với nhau. Trong cùng khoảng thời gian, các CLB ở giải VĐQG Pháp, Tây Ban Nha, Đức và Anh đã bán khoảng 100 cầu thủ cho các đối thủ trong nước. Trong khi đó, con số này ở các CLB Ý là gần gấp đôi: 215 càu thủ đã rời một CLB Serie A để đến một CLB khác cũng tham dự Serie A từ năm 2017 tới nay.

Hơn bất cứ vấn đề nào khác, sự cô lập của bóng đá Ý có thể ngăn cản Dybala có được sự lựa chọn như tiền đạo người Argentina này mong đợi, sau khi bị tống tiễn khỏi Juventus. Italia không còn là thiên đường mua sắm cho các đội bóng. Một trong nững cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu vừa hết hợp đồng, và chỉ số ít đội bóng lưu tâm. Không phải vì năng lực của anh ta, hay vì những gì anh ta đã giành được, mà vì nơi anh ta đạt được thành tựu ấy, một ngôi sao toàn cầu nhưng lại phát triển rực rỡ trong thế giới bé nhỏ và cô lập của bóng đá Ý.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.