Thông tin trên được đưa ra trong một tư liệu của Ủy ban châu Âu (EC). Theo đó, khoản viện trợ cho các công ty châu Âu bị tổn thương do các lệnh trừng phạt mà phương Tây áp đặt lên Nga liên quan tới tình hình Ukraine có thể tăng 25% lên 500.000 euro (504.050 USD), nhằm giúp họ đối phó với tác động của sự kiện trên cũng như cuộc khủng hoảng năng lượng sau đó.
EC cho biết họ sẽ đón nhận phản hồi từ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) về đề xuất trên trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, Ủy ban không đưa ra các số liệu cụ thể nào trong tài liệu.
Hồi tháng 3, EC đã nới lỏng các quy định về viện trợ nhà nước để cho phép các quốc gia EU đưa ra những biện pháp hỗ trợ lên tới 400.000 euro và 30% chi phí năng lượng cho các doanh nghiệp.
Tài liệu cho biết hiện EC muốn tăng số tiền trên lên 500.000 euro. Trong đó, viện trợ của nhà nước có thể là viện trợ trực tiếp không hoàn lại, ưu đãi thuế và thanh toán, hoặc các hình thức khác như tạm ứng, bảo lãnh, cho vay có thể hoàn trả.
Các công ty nông nghiệp có thể được nhận hỗ trợ nhà nước lên tới 62.000 euro, trong khi các công ty trong lĩnh vực đánh bắt và nuôi trồng thủy sản được nhận tới 75.000 euro so với mức trần hiện tại là 35.000 euro.
EC cũng sẽ tạo điều kiện giúp các chính phủ EU dễ dàng đầu tư vào năng lượng tái tạo hơn, bao gồm các nguồn hydro tái tạo, khí sinh học và khí methane sinh học cùng với nhiệt từ các nguồn tái tạo. Đây là một phần của mục tiêu giảm thiểu sự phụ thuộc vào dầu mỏ và khí đốt từ Nga, đồng thời đa dạng hóa các nguồn năng lượng của khối này. Ngoài ra, các nước EU cũng sẽ được khuyến khích thiết lập các chương trình đấu thầu mới, hoặc hỗ trợ trực tiếp các dự án không đấu thầu về tăng hiệu quả sử dụng năng lượng và giúp các ngành công nghiệp khử carbon.
Tính đến nay, chỉ riêng Liên minh châu Âu (EU) đã ban bố 6 vòng trừng phạt khác nhau, nhắm vào hàng trăm cá nhân, thực thể Nga, hệ thống thương mại, tài chính và cả ngành xuất khẩu năng lượng Nga. Mục tiêu là làm suy yếu Nga nhưng các biện pháp trừng phạt này cũng là con dao hai lưỡi làm tổn hại chính nền kinh tế châu Âu vừa có dấu hiệu phục hồi sau dịch bệnh.
Bất chấp những đảm bảo ban đầu rằng lệnh trừng phạt không ảnh hưởng tới nguồn cung năng lượng toàn cầu, Mỹ đã cấm nhập dầu Nga và EU công bố kế hoạch giảm 90% dầu nhập khẩu của Nga ngay trong năm 2022.
Những động thái này đã góp phần đẩy giá năng lượng tăng cao chóng mặt ở châu Âu, trong khi nhiều bang ở Mỹ cũng ghi nhận giá xăng trung bình lên mức 5 USD/1 gallon (gần 3,8 lít).
Giá xăng tăng kéo giá cả mọi mặt hàng tăng thêm. Financial Times cho hay, tại Mỹ, lạm phát tăng 8,6%, trong khi tại Anh, lạm phát là 9,1% và ở Khu vực đồng tiền chung châu Âu là 8,1% hồi tháng 5 vừa qua.
Tại Đức, các biện pháp trừng phạt Nga mạnh tay đang gây chấn động tài chính cho nền kinh tế lớn nhất châu Âu. “Nguồn cung năng lượng ở Đức đang gặp rủi ro, chuỗi cung ứng bị phá vỡ, chúng tôi có lạm phát cao”, nhật báo Handelsblatt trích lời ông Manfred Knof, Giám đốc điều hành Commerzbank (ngân hàng thương mại lớn thứ 2 của Đức).
Theo vị giám đốc, gần 1/3 hoạt động ngoại thương của Đức đã bị ảnh hưởng, buộc các công ty phải giải quyết các vấn đề phức tạp với khách hàng, bao gồm giá hàng hóa tăng cao và tắc nghẽn chuỗi cung ứng.
Knof nói: “Chúng ta không nên tự huyễn hoặc mình: Số lượng các vụ vỡ nợ trên thị trường của chúng ta có thể sẽ tăng lên và các ngân hàng phải dự phòng rủi ro”.
Theo một cuộc khảo sát của Viện Ifo có trụ sở ở Munich, các ngành công nghiệp của Đức đang vật lộn để thay thế hàng nhập khẩu của Nga. Kết quả khảo sát cho thấy gần 14% công ty công nghiệp của Đức “không thể" thay thế nguồn cung cấp từ Nga, Belarus và Ukraina, hơn 16% công ty công nghiệp khác “không khả thi về mặt kinh tế” để thay thế nguồn cung.
Các công ty công nghiệp của Đức đang nhận thấy rằng “không thể” hoặc “không hiệu quả về mặt kinh tế” và “chỉ có thể một phần” để thay thế hàng nhập khẩu từ Nga, Belarus và Ukraina, vốn đã bị dừng lại do xung đột ở Ukraina và việc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế khắc nghiệt đối với Moscow và Minsk, theo kết quả thăm dò của Viện Ifo.
Giới quan sát nhận định, khi Mỹ và phương Tây tuyên bố cấm vận Nga, họ không hề nêu thời điểm dỡ bỏ chúng, khiến Nga có ít động lực đối thoại hơn. Ở thời điểm hiện tại, phương Tây còn rất ít lựa chọn cấm vận Nga, nhất là khi họ đang hứng chịu áp lực kinh tế khổng lồ từ các biện pháp đã áp đặt.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Lao Động, Công an nhân dân)