Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã thực hiện đợt tăng lãi suất lớn nhất từ trước đến nay vào ngày 8/9, tiếp nối làn sóng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương khác nhằm kiềm chế lạm phát vốn đang khiến người người tiêu dùng khốn đốn và đẩy châu Âu vào suy thoái.
Hội đồng quản lý của ngân hàng ECB đã tăng 3 loại lãi suất chính lên 0,75 điểm phần trăm đối với 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung Euro. Đây là mức tăng lãi suất chưa từng có đối với ECB, vì trước đây, ngân hàng này thường chỉ điều chỉnh 0,25 điểm phần trăm và chưa bao giờ tăng lãi suất cho vay lên 0,75 điểm kể từ khi đồng Euro ra mắt vào năm 1999.
Trong khi đó, lãi suất tái cấp vốn tăng lên 1,25% và lãi suất cho vay qua đêm lên 1,50%.
Động thái của ECB được đưa ra sau khi ngân hàng này tăng lãi suất từ -0,5% lên 0 tại một cuộc họp hồi tháng 7. ECB đã giữ tỷ giá ở mức âm kể từ năm 2014 nhằm thúc đẩy chi tiêu và kiềm chế lạm phát ở mức thấp.
Bây giờ ngân hàng này phải đối mặt với một vấn đề rất khác, đó là giá tiêu dùng trong khu vực đồng Euro tăng 9,1% trong tháng 8, lập kỷ lục tháng thứ 9 liên tiếp.
Cuộc xung đột Nga – Ukraine diễn ra từ đầu tháng 2/2022 đã làm gia tăng lạm phát ở châu Âu, với việc Nga giảm mạnh nguồn cung cấp khí đốt tự nhiên giá rẻ dùng để sưởi ấm, sản xuất điện và vận hành các nhà máy.
Giá thực phẩm, quần áo, ô tô, thiết bị gia dụng và dịch vụ cũng đang tăng dần đều do các vấn đề liên quan đến chuỗi cung ứng và tác động của các đợt nắng nóng xảy ra gần đây.
Đồng Euro giảm sau quyết định của ECB, giao dịch ở mức 0,9972 USD, gần với mức thấp nhất trong 20 năm qua.
Lạm phát chưa dừng, lãi suất còn tăng
“Chúng tôi dự kiến sẽ tăng lãi suất hơn nữa, vì lạm phát vẫn ở mức quá cao và có khả năng sẽ cao hơn mục tiêu của chúng tôi trong một thời gian dài”, theo bà Christine Lagarde, Chủ tịch ngân hàng ECB. Quyết định hôm 8/9 đã được nhất trí, bà cho biết.
“Chúng tôi sẽ còn phải tổ chức thêm vài cuộc họp nữa. Một vài nghĩa là bao nhiêu? Có thể là hơn 2 cuộc họp, bao gồm cả cuộc họp ngày hôm nay, nhưng cũng có thể sẽ ít hơn 5 cuộc họp”, bà Lagarde nói, gợi ý rằng việc tăng lãi suất có thể sẽ tiếp tục vào đầu năm 2023.
Theo các nhà kinh tế, mức lạm phát 9,1% có thể sẽ tăng lên mức 2 con số trong những tháng tới.
ECB vẫn chậm hơn một bước so với các ngân hàng trung ương khác. Các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đua nhau tăng lãi suất sau khi bị ảnh hưởng bởi lạm phát do cuộc xung đột Nga – Ukraine gây ra và đại dịch Covid-19, khiến giá năng lượng tăng cao và nguồn cung cấp linh kiện và nguyên liệu thô bị hạn chế.
“Chúng tôi không cố bắt chước bất kỳ ngân hàng trung ương nào khác”, bà Lagarde khẳng định, đồng thời chỉ ra rằng ECB đã bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ vào tháng 12, khi họ quyết định loại bỏ dần các biện pháp kích thích thông qua việc mua trái phiếu.
Một số nhà kinh tế cho rằng việc ECB tăng lãi suất, bao gồm cả mức tăng 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp hồi tháng 7, có thể làm tăng nguy cơ gây ra một cuộc suy thoái châu Âu được dự đoán xảy ra vào cuối năm nay và đầu năm 2023 do lạm phát cao hơn, khiến mọi thứ từ hàng tạp hóa đến hóa đơn điện, nước đều đắt hơn.
Theo bà Lagarde, cuộc suy thoái 2022-23 sẽ chỉ xảy ra trong trường hợp xấu nhất, khi tất cả khí đốt của Nga bị cắt, nguồn cung cấp thay thế không có sẵn và các chính phủ phải dùng đến biện pháp phân bổ năng lượng.
Nguyễn Tuyết (Theo AP, CNBC, Investing, Reuters)