Gian nan hành trình chế tạo máy bay
Nhắc đến kỳ nhân chế tạo máy bay trực thăng ở Tây Ninh thì không ai là không biết đến anh Trần Quốc Hải (SN 1960, ngụ ấp 2, xã Suối Dây, huyện Tân Châu, tỉnh Tây Ninh). Nhiều năm nay, anh Hải không chỉ là niềm tự hào của người dân Tây Ninh nói riêng, cả nước nói chung, mà còn là niềm vinh dự của người dân thế giới trong lĩnh vực sáng chế máy móc. Thế nhưng, nếu không tận mắt chứng kiến thì mấy ai biết được để có được những thành tựu danh tiếng ấy, bản thân “hai lúa” Tây Ninh đã trải qua rất nhiều khó khăn, vất vả.
Trao đổi với PV về cái duyên đến với nghề chế tạo máy bay, anh Hải nói trong tiếng cười: “Mặc dù tốt nghiệp trường Đại học TDTT TP.HCM, nhưng tôi không gắn bó với nghề mà đi theo tiếng gọi của niềm đam mê. Đúng là nghề chọn người, chứ người không thể chọn nghề. Chế tạo máy móc là niềm đam mê chảy trong máu của tôi từ thời còn thơ ấu. Niềm đam mê ấy cứ cháy bỏng và lớn dần theo năm tháng. Tuy nhiên, tôi cũng không ngờ mình lại có thể bắt tay và thực hiện được niềm đam mê ấy trong điều kiện có quá nhiều khó khăn, thiếu thốn như thế”.
Anh Hải chụp hình chung với các chiến sỹ quân đội Campuchia.
Để có thể thực hiện niềm đam mê của mình, anh Hải đã tiêu tốn không biết bao nhiêu thời gian, công sức và cả những lần thất bại. Từ thời còn là cậu sinh viên trường đại học, anh Hải đã tự đi tìm cho mình những tài liệu nói về việc chế tạo máy móc nói chung và máy bay nói riêng. Giải thích về vấn đề này, anh Hải cho hay: “Mặc dù là sinh viên TDTT, nhưng mỗi lần vào nhà sách chẳng hiểu sao tôi không bao giờ tìm những cuốn sách chuyên ngành để đọc mà phải tìm cho bằng được sách dạy chế tạo cơ khí, trong đó có máy bay. Hơn nữa, lúc bấy giờ chưa có một trường lớp nào ở Việt Nam giảng dạy về việc chế tạo máy bay, thậm chí cũng không có bất kỳ một bảo tàng nào trưng bày, mổ xẻ về vấn đề này nên hành trình đi đến ước mơ của tôi càng gặp nhiều khó khăn hơn”.
Ngoài việc đi tìm kiếm tài liệu, sách vở, anh Hải còn phải tự nghiên cứu, đi tìm những nguyên vật liệu phù hợp với từng bộ phận của chiếc máy bay trực thăng. Anh Hải lý giải: “Sau khi thu thập cho mình tất cả những kiến thức, tôi phải đi tìm cho mình câu trả lời: Máy bay gồm những bộ phận gì? Và máy bay tại sao bay? Năm 2003, sau 7 năm vất vả, “kỳ nhân” Tây Ninh vượt qua vô vàn khó khăn, thất bại và đã chế tạo thành công chiếc máy bay đầu tiên trong niềm vui khôn xiết. Chiếc máy bay dài 7m, với trọng lượng 680kg và có thể cẩu thêm 820kg. Với khả năng ấy, chiếc máy bay có thể dùng trong quân sự hoặc dùng để xịt thuốc... trong nông nghiệp”.
Nhưng anh Hải trở nên hụt hẫng khi chính chiếc máy bay chế tạo bằng trí tuệ, mồ hôi công sức của anh không được bay. Anh Hải tâm sự: “Ngay sau khi chế tạo thành công chiếc máy bay trực thăng đầu tiên, tôi đã trình đơn lên quân khu 7 về sản phẩm của mình. Tuy nhiên, một thời gian ngắn sau đó, tôi rất buồn vì Bộ Quốc phòng cho biết: “Máy bay trực thăng của tôi không đủ điều kiện bay. Mặc dù vậy, “kỳ nhân” Tây Ninh vẫn không chùn bước mà vẫn tiếp tục thực hiện việc sáng chế ra chiếc máy bay trực thăng thứ 2 chỉ trong vòng 6 tháng sau đó. Hiện hai chiếc máy bay trực thăng “made in Việt Nam” do anh Hải sản xuất đã được xuất khẩu ra nước ngoài để phục vụ cho công tác trưng bày. Chiếc đầu tiên có mặt tại Viện Bảo tàng New York (Mỹ), chiếc thứ 2 bán cho Viện bảo tàng Nghệ thuật Đương đại Busan (Hàn Quốc).
Bằng công nhận sáng chế được Úc trao cho anh Hải. Ảnh T.T.
“Ông trùm” chế tạo máy nông nghiệp
Đã có “khách ngoại” đặt hàng Theo anh Hải cho biết: “Một công ty thuộc Chính phủ Hàn Quốc đang mời anh hợp tác để chế tạo máy móc nông nghiệp sản xuất tại Việt Nam. Chế tạo hoàn toàn theo công nghệ nghiên cứu của tôi, nhân công là người Việt Nam. Sau đó những chiếc máy này sẽ dán nhãn mác của Hàn Quốc và bán ra thị trường Việt Nam...”. |
Nhắc đến những sáng chế độc quyền của anh Hải, chúng tôi có ý khen ngợi anh nhưng anh vẫn khua tay “vì đam mê chứ không có gì giỏi hết”. Ngay từ thời còn là học sinh phổ thông, nhà anh Hải có xưởng chế tạo máy, anh em trong nhà không ai đeo đuổi nghiệp của ông bà chỉ có anh là người đam mê và đeo đuổi tới cùng. Sau khi chế máy bay thành công mà không được duyệt để bay anh Hải để ý nhiều đến ngành nông nghiệp của tỉnh nhà. Từ những công nghệ mà mình nghiên cứu được, cộng với quá trình chế tạo làm nghề đầy kinh nghiệm anh lao vào công tác chế tạo máy nông nghiệp đầy miệt mài. Thế mà cũng mất ba năm nghiên cứu cơ cực anh mới tìm ra công nghệ thay đổi hoàn toàn quá trình lao động bằng sức người. Những sáng tạo như quy trình trồng mì, máy trồng và chăm sóc thu hoạch bắp, máy trồng và chăm sóc cao su... liên tiếp ra đời phục vụ người dân.
Anh Hải cho biết: “Hàng chục năm trước, nước ngoài đã chế tạo ra nhiều loại máy móc phục vụ nông nghiệp. Đến thời điểm hiện nay, người Việt không thể thua nước ngoài được nữa. Hơn nữa việc nhập khẩu các máy móc của nước ngoài về Việt Nam bán rất đắt đỏ. Vì thế tôi quyết định đi vào sáng tạo như một cách để thể hiện trí tuệ Việt cũng là để giúp người dân bớt khổ”. Thay vì những lao động chân tay mệt nhọc từ cào cỏ, đến cuốc đất trồng hoa màu tốn bao nhiêu nhân lực và sức người thì bây giờ nó hoàn toàn được thay thế bởi sức máy. Trong đó máy trồng mì là đỉnh cao của công nghệ chế tạo hoàn toàn thay sức con người. Máy sẽ tự động đánh tung cỏ, đào rãnh, gieo cây mì, lấp đất cùng một lúc rất nhanh lẹ. Chỉ mất hai người đứng trên máy để cho cây mì vào cối trồng và một người lái xe trồng mì một ngày có thể làm được cả ha đất nhẹ nhàng.
Anh Hải bên dụng cụ chế tạo máy bay. Ảnh T.T.
Trong quá trình làm việc, có 5 người cùng nghiên cứu chế tạo theo chỉ dẫn của anh Hải. Số người còn lại sẽ làm theo những đơn đặt hàng và làm theo mẫu chế tạo. Với niềm đam mê thì thất bại chỉ là chuyện quá bình thường với anh Hải. Anh thừa nhận trong quá trình sáng tạo anh gặp vô số lần thất bại, nhưng chính những thất bại đó lại cho anh thêm một bài học. Và từ đó anh càng đam mê hơn, khó thì anh càng phải nghiên cứu và làm.
Anh lý giải chuyện thất bại rất đơn giản: “Edison chế tạo bóng đèn còn phải thất bại 2.500 lần mà vẫn không nản và đã thành công, thì không lý nào mình thất bại mà lại nản thì sẽ không bao giờ thành công được”. Sáng tạo khó khăn là thế nhưng anh không nản, chỉ đôi lần anh bị chững lại vì thiếu niềm tin. Anh Hải cho biết: “Sau khi tôi chế máy trồng mì một người bạn bảo tôi mang đi dự thi. Tôi mang xuống sở Khoa học công nghệ họ chấm sản phẩm của tôi đạt hạng ba, trong khi thế giới đánh giá máy trồng mì của tôi đứng hạng hai thế giới. Hiện tại máy trồng mì được xuất qua các nước như Lào, Campuchia, Thái Lan...”. Với quy trình trồng và chăm sóc cao su, bắp cũng thay sức người rất nhiều. Máy trồng và chăm sóc cao su sẽ thiết kế bộ phận đào lỗ, chăm sóc, cào cỏ, phun thuốc, bỏ phân rất nhanh lẹ. Máy trồng và chăm sóc bắp cũng được chế tạo với tính năng tương tự hai loại máy kia. Tất cả đều chạy bằng dầu.
Ngoài ra, anh Hải còn có khả năng cải tiến tính năng của một số loại máy trong quân sự. Anh Hải cho biết: “Tôi được Campuchia mời chế tạo thêm tính năng cho xe bọc thép. Loại máy này ngay cả nước Nga được mời qua thì cũng bó tay trong việc cải tiến, nâng cấp xe tăng của Campuchia. Ngày xưa xe này của Campuchia chạy 100km hết 200 lít xăng thì bây giờ tôi chế lại chỉ tốn 25 lít. Ngoài ra, tôi còn chế tăng thêm vũ khí như ngày xưa chỉ có 2 cây súng trên xe nhưng bây giờ tôi chế thêm 3 cây nữa. Bên cạnh đó, tôi còn đưa động cơ chạy mạnh hơn từ 80km/giờ thành 100km/giờ. Sau khi làm được một cái trong thời gian ngắn, chính phủ Campuchia đã giao cho tôi hàng loạt xe để cải tiến”.
Thơ Trịnh - Hoàng Minh