Edward Joseph Snowden là một cựu nhân viên kỹ thuật hợp đồng của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) và cựu nhân viên chính thức của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).
Trong thời gian làm việc tại NSA, Snowden đã nhận thấy sự vượt quá giới hạn riêng tư của chương trình giám sát người dân hàng ngày thuộc cơ quan này. Snowden bắt đầu sao chép các tài liệu tuyệt mật của NSA, xây dựng một hồ sơ với tập hợp các bằng chứng tố cáo sự xâm phạm quyền công dân.
Tờ The Guardian sau đó đã đăng một loạt bài phơi bày sự thật dựa trên những tiết lộ của Snowden vào tháng 6 năm 2013. Các báo cáo cho thấy NSA đã thu thập thông tin viễn thông của hàng chục triệu người dân Mỹ.
Theo những thông tin được đăng tải trên Washington Post và The Guardian cho biết, NSA đã khai thác trực tiếp vào các máy chủ của 9 hãng internet lớn nhất thế giới, bao gồm Facebook, Google, Microsoft và Yahoo, để theo dõi các thông tin liên lạc trực tuyến trong khuôn khổ chương trình giám sát được gọi là PRISM.
Vụ bê bối được khơi ra bởi Snowden đã gây chấn động toàn cầu khi công chúng nhận ra rằng mọi hoạt động của người dùng viễn thông và internet đều hoàn toàn bị chính phủ Mỹ, Anh nắm giữ, kiểm soát. Thậm chí các cơ quan tình báo của hai nước này còn bị cáo buộc sử dụng các thông tin riêng tư của người dân trái phép để phục vụ cho mục đích riêng của mình.
Vào ngày 14/6/2013, các công tố viên liên bang của Mỹ đã đệ một đơn kiện buộc tội Snowden trộm cắp tài sản chính phủ, truyền tin trái phép về thông tin quốc phòng, và cố ý tiết lộ tin tình báo mật cho những người không có quyền hạn tiếp cận.
Snowden đã ẩn náu trong khoảng hơn một tháng tại Hong Kong. Sau đó cựu mật vụ dự định chuyển nơi ở đến Ecuador để xin tị nạn, nhưng bị mắc kẹt tại một một sân bay ở Nga. Moscow ngay lập tức đã đồng ý tiếp nhận tị nạn chính trị và từ chối yêu cầu dẫn độ Snowden từ phía Mỹ.
Những tiết lộ của Snowden được đánh giá là một trong những lỗ hổng nghiêm trọng nhất trong lịch sử của NSA. Matthew M. Aid, một sử gia về tình báo ở Washington cho rằng những tiết lộ của Snowden đã "xác nhận mối ngờ vực bấy lâu nay rằng sự theo dõi của NSA trên đất nước này thâm nhập xa hơn những gì chúng ta biết”.
Snowden từng nói về hành động của mình một cách không hối tiếc: "Tôi không muốn sống trong một thế giới mà tất cả mọi thứ tôi nói, tất cả mọi thứ tôi làm, tất cả mọi người tôi trò chuyện cùng, mọi biểu hiện của sự sáng tạo, tình yêu hay tình bạn đều bị ghi lại."
Ngày 13/9/2016, Edward Snowden nói trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Guardian rằng anh đang tìm kiếm một lệnh ân xá từ Tổng thống Obama. "Sự tha thứ vẫn tồn tại cho các trường hợp ngoại lệ, cho những điều mà có thể có vẻ bất hợp pháp nhưng trong đó ẩn chứa những giá trị đạo đức”, Snowden cho biết.
Tuy nhiên ước muốn của cựu mật vụ này đã bị chặn lại sau khi Ủy ban Tình báo Hạ viện Mỹ đưa ra một bản tóm tắt quá trình điều tra trong hai năm qua về Snowden. Trong bản tóm tắt, Snowden được mô tả như một "nhân viên bất mãn, người có những mâu thuẫn thường xuyên với cấp trên", một kẻ “tệ hại” và “dối trá trong khai báo lý lịch cá nhân và trong quá trình thi tuyển vào NSA”.
Cơ quan này phản bác lại rằng, Snowden đã gây ra thiệt hại to lớn đối với an ninh quốc gia, và phần lớn các tài liệu rò rỉ không liên quan đến các chương trình của NSA xâm phạm quyền riêng tư cá nhân, thay vào đó là thông tin các chương trình quân sự, quốc phòng và tình báo mang lại lợi ích cho kẻ thù nước Mỹ. Các thành viên của Ủy ban cũng gây sức ép để không có một lệnh ân xá nào dành cho Snowden.
Mặc dù trở thành một cái gai trong mắt của chính phủ Mỹ, Snowden vẫn có không ít người ủng hộ khi gần đây đã có 160.000 người ký vào một bản kiến nghị trực tuyến gây sức ép yêu cầu Tổng thống Obama bằng quyền lực của mình ra lệnh ân xá cho Snowden trước khi ông kết thúc nhiệm kỳ.
Ngoài ra, cựu mật vụ Mỹ cũng tiếp tục dẫn đầu danh sách đề cử cho giải Nobel Hòa Bình năm nay sau khi đã có cho mình một đề cử vào năm 2013.
Giáo sư xã hội học danh tiếng Stephen Svallfors thuộc Đại học Umea, Thụy Điển đánh giá "nhờ những nỗ lực đầy can đảm của Snowden, người chấp nhận sự thiệt thòi của bản thân, mà hoạt động theo dõi thông tin điện tử quy mô do chính phủ Mỹ thực hiện đã bị đưa ra ánh sáng. Edward Snowden làm cho thế giới trở nên tốt hơn và an toàn hơn một chút".
Bình luận viên Jon Evans của trang chuyên trang công nghệ nổi tiếng TechCrunch cũng thừa nhận, đã đến lúc "không chỉ ân xá cho Snowden, chúng ta phải trao tặng cho anh ấy một huân chương".
Câu chuyện kịch tính của cựu mật vụ Mỹ Edward Snowden sau này đã được ghi lại qua bộ phim tài liệu Citzenfour của đạo diễn Poitras và giành một giải Oscar vào năm 2015. Một bộ phim tiểu sử về Snowden cũng vừa ra mắt vào tháng 9/2016 của đạo diễn nổi tiếng Oliver Stone đã gây tiếng vang lớn tại các liên hoan phim quốc tế.
Timothy H. Edgar, cựu giám đốc chương trình quyền riêng tư và tự do dân sự của Cơ quan Tình báo Quốc gia cũng đánh giá đã đến lúc chính phủ Mỹ nên ân xá cho Snowden: “Các hoạt động của NSA là rất cần thiết đối với an ninh quốc gia và ổn định quốc tế, nhưng rất khó để dung hòa chúng với các giá trị của một xã hội tự do. Snowden buộc NSA phải trở nên minh bạch hơn, có trách nhiệm hơn, bảo vệ nhiều hơn sự riêng tư của người dân và làm chúng hiệu quả hơn. Hôm nay, các hoạt động giám sát của NSA đã phải thay đổi vì công chúng”.
“Chính phủ Mỹ đã đến lúc có đủ lý do để nói: Cảm ơn bạn, Edward Snowden”.
Quốc Vinh