Em bé đầu tiên tại Việt Nam ra đời từ mẹ bị ung thư tử cung

Em bé đầu tiên tại Việt Nam ra đời từ mẹ bị ung thư tử cung

Nguyễn Thị Lành

Nguyễn Thị Lành

Thứ 2, 13/06/2022 15:42

Bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM cho rằng, em bé ra đời từ người mẹ bị ung thư tử cung là rất hiếm.

Sự ra đời hiếm gặp

Ngày 13/5, trao đổi với Người Đưa Tin, bác sỹ chuyên khoa Nguyễn Văn Tiến khẳng định, thời gian gần đây, bệnh viện thực hiện một loạt ca phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc bảo tồn sinh sản của phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm sinh con.

Đáng nói, lần đầu tiên tại Việt Nam một đứa trẻ ra đời từ một tử cung bị ung thư, được phẫu thuật chọn lọc và tạo hình giữ lại tử cung để mang bào thai và đã sinh em bé với thai phát triển bình thường.

Đó là trường hợp mà theo các bác sỹ là rất hiếm gặp. Bệnh nhân là Nguyễn Thị T.T., 37 tuổi, ngụ Tp.HCM được chẩn đoán ung thư cổ tử cung xâm lấn giai đoạn IA1 sau khi khoét chóp với diện cắt dương tính.

Bệnh nhân được thực hiện cắt cổ tử cung tận gốc ngã bụng và nạo hạch chậu 2 bên vào tháng 2/2020. Tháng 8/2020 bệnh nhân mang thai.

Sau đó, bệnh nhân khám và theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện Từ Dũ. Trong quá trình mang thai, bệnh nhân có 2 lần dọa sinh non, được đặt thuốc và nằm nghỉ ngơi hoàn toàn.

Sức khỏe - Em bé đầu tiên tại Việt Nam ra đời từ mẹ bị ung thư tử cung

Hy hữu ca phẫu thuật cho bệnh nhân bị ung thư tử cung.

Nhằm bảo vệ sức khỏe cho mẹ và bé, đặc biệt nữa là để phòng ngừa sinh non, bệnh nhân được các bác sỹ đặt vòng nâng tử cung với vòng Hodge 2. Khi thai được 35 tuần, bệnh nhân có dấu hiệu vỡ ối nên được sanh mổ chủ động sau khi trưởng thành phổi thai nhi.

Sau một thời gian theo dõi, điều trị, ngày 4/4/2020, bệnh nhân sinh bé trai nặng 2,1 kg. Hiện tại, bé 14 tháng tuổi và phát triển bình thường.

Nhờ thăm khám và theo dõi, điều trị bởi các bác sỹ chuyên khoa, sức khỏe người mẹ đến nay, ghi nhận hoàn toan khỏe mạnh, bình thường.

Phải 3-4 giờ mới phẫu thuật xong

Bác sĩ Tiến khẳng định: “Đối với việc phẫu thuật cho những trường hợp này rất khó. Các bác sỹ phải hết sức tập trung, tốn 3-4 giờ mới thực hiện được. Điều quan trọng, bác sỹ phải cân não khi thực hiện phẫu thuật nhằm làm sao giữ lại buồng trứng, giữ lại động mạch nuôi tử cung, may tạo hình tử cung nối vào âm đạo, may vòng thắt cổ tử cung cho bệnh nhân…”

Cũng theo bác sỹ Nguyễn Văn Tiến, với loại phẫu thuật này và tỉ lệ sinh đẻ thành công sau phẫu thuật rất thấp khoảng 50% và rất ít được áp dụng tại một số nước trên thế giới .

Ung thư cổ tử cung là một trong những bệnh lý ác tính phổ biến nhất ở phụ nữ trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung là ung thư phụ khoa thường gặp nhất với mỗi năm có khoảng 4.132 trường hợp mới mắc và 2.223 ca tử vong (Theo Globocan 2018).

Ung thư cổ tử cung thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản và việc điều trị tiêu chuẩn đối với ung thư cổ tử cung hiện nay bao gồm phẫu thuật cắt tử cung, hóa – xạ trị triệt để đều dẫn đến hậu quả cuối cùng là bệnh nhân sau khi khỏi bệnh sẽ không còn khả năng sinh con được nữa. Rất nhiều bệnh nhân ung thư trẻ tuổi có mong muốn một lần được làm cha mẹ.

“Việc xem xét điều trị bảo tồn chức năng sinh sản là một vấn đề quan trọng phụ nữ trẻ bị ung thư cổ tử cung có thể phù hợp cho việc điều trị bảo tồn chức năng sinh sản, như cắt cổ tử cung tận gốc, khi mà hầu hết được chẩn đoán ở giai đoạn sớm với tỷ lệ sống còn trên 90%. Những nghiên cứu quan sát được công bố trong một thập kỷ qua cho thấy dự hậu tốt về ung thư và sản khoa sau cắt cổ tử cung tận gốc.

Tuy nhiên, chăm sóc thai kỳ ở bệnh nhân cắt cổ tử cung tận gốc là một thách thức lớn dành cho các nhà sản khoa, đòi hỏi phải có sự phối hợp của bác sĩ ung thư phụ khoa, bác sĩ sản khoa và bác sĩ sơ sinh. Những nguy cơ có thể xảy ra là sẩy thai ở tam cá nguyệt thứ hai, vỡ ối non, và sinh non”, bác sỹ Tiến cho biết.

Viêm âm đạo ngược dòng có thể gây ra viêm màng ối, phần lớn là do nhiễm trùng ngược dòng và vỡ ối non. Không có nút nhầy cổ tử cung bảo vệ là yếu tố góp phần gây ra tình trạng nhiễm trùng ngược dòng …

Sức khỏe - Em bé đầu tiên tại Việt Nam ra đời từ mẹ bị ung thư tử cung (Hình 2).

Bác sỹ chuyên khoa 2 Nguyễn Văn Tiến đang tư vấn cho bệnh nhân.

Nhiều phụ nữ trẻ bị ung thư cổ tử cung sớm

Theo thống kê của Bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM, từ 7/2018 đến 9/2020, đã có 12 phụ nữ trẻ được chẩn đoán ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm được phẫu thuật cắt cổ tử cung tận gốc tại Khoa Ngoại phụ khoa, Bệnh viện Ung Bướu Tp.HCM.

Tất cả bệnh nhân đều được chụp MRI bụng chậu nhằm xếp giai đoạn chính xác trước mổ. Các bệnh nhân phải có những điểm chung như: Giải phẫu bệnh là ung thư cổ tử cung và xếp giai đoạn trước mổ dựa vào lâm sàng và hình ảnh học là từ IA1-IB1 (Theo FIGO 2018); tuổi dưới 45; có mong muốn bảo tồn chức năng sinh sản; không có bằng chứng bướu lan vào cổ trong cổ tử cung; không có bằng chứng di căn hạch chậu và hạch cạnh động mạch chủ bụng; loại mô học carcinôm tế bào gai hoặc cacrcinôm tuyến.

Tất cả bệnh nhân đều được tư vấn kỹ lưỡng về phương pháp phẫu thuật và ký tên đồng ý phẫu thuật.

Các bác sỹ Bệnh viện Ung Bướu cho biết, trong thời gian tới hy vọng sẽ còn nhiều phụ nữ trong nhóm này sẽ có con, các bác sỹ đang nghiên cứu hợp tác với các hội ung thư trên thế giới sẽ điều trị bảo tồn cho những phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn muộn hơn: giai đoạn 1B2 (bướu có kích thước từ 2-4cm, sau khi hoá trị giảm kích thước bướu chúng tôi sẽ mổ cắt cổ tử cung qua ngã âm đạo và nạo hạch chậu)

Bác sỹ Tiến khuyến cáo, những phụ nữ trẻ trong độ tuổi hoạt động tình dục nên đi khám tầm soát định kỳ nếu phát hiện ra ung thư cổ tử cung giai đoạn sớm có thể phẫu thuật vừa điều trị khỏi bệnh vừa được sanh con và cuộc sống trở lại bình thường .

Nguyễn Lành

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.