Sản phụ Muskura Bibi, 23 tuổi, đã sinh đứa con đầu lòng bằng phương pháp tự nhiên tại bệnh viện Chittaranjan Deva Sadan ở Kolkata, Ấn Độ vào tuần trước.
Đáng buồn, em bé được xác định mắc hội chứng Sirenomelia hay còn gọi là “hội chứng người cá” và chỉ sống 4 giờ sau sinh. Trong suốt thời kì mang thai, bà mẹ trẻ nghèo không có đủ tiền để trả chi phí sản kiểm nên không hề biết gì về tình trạng khác lạ của thai nhi trong bụng.
Sirenomelia là một hội chứng vô cùng hiếm gặp với tỷ lệ mắc chỉ là 1/60.000-100.000 ca sinh. Giới tính của em bé cũng không xác định được do khung xương chậu chưa phát triển hết và chân dính vào nhau. Đây là ca mắc Sirenomelia đầu tiên tại bang Tây Bengal và thứ 2 tại Ấn Độ.
Trước đó trong năm 2016, một phụ nữ tại bang Uttar Pradeash ở miền bắc Ấn Độ đã sinh em bé người cá và bé chỉ sống được 10 phút sau khi chào đời.
Bác sĩ Sudip Saha, hiện đang làm việc tại Khoa nhi thuộc bệnh viện Chittaranjan Deva Sadan, cho biết nguyên nhân dẫn tới dị dạng bẩm sinh này có thể là do thai nhi không được cung cấp đủ nguồn máu nuôi dưỡng.
Bác sĩ cũng khẳng định hội chứng Sirenomelia rất nghiêm trọng; trẻ sinh ra có thể sẽ tử vong ngay trong ngày đầu tiên do suy thận và bàng quang
N.H (tổng hợp)