Vai diễn nhí đầy ấn tượng
Nền điện ảnh Việt xưa nay không thiếu những tài năng "nhí", có nhiều ngôi sao trẻ theo thời gian nay đã trở thành những cây đa cây đề trong ngành điện ảnh.
Cũng có những tài năng vì lý do nào đó không còn đi theo nghiệp diễn, và còn vô số những tài năng vẫn ươm mầm xanh và chờ đợi ngày nở rộ.
Bên cạnh đó cũng có những "bông hoa chớm nở" nhưng lại rẽ hướng khiến khán giả không khỏi tiếc nuối.
Mỗi khi nhắc đến diễn viên nhí trong bộ phim "Mẹ vắng nhà" khán giả không quên nhắc đến cái tên Vân Dung. Nữ diễn viên Vân Dung từng để lại ấn tượng sâu sắc trong thời kỳ điện ảnh cách mạng Việt Nam là con gái của đạo diễn Long Vân.
Trong bộ phim "Mẹ vắng nhà" của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư, cô bé Vân Dung được ướm vào vai chị cả Bé tháo vát vừa chăm cho các em vừa làm cô giáo dạy lũ em học chữ.
Trong khi mẹ (chị Út Tịch) đang đi chiến đấu, bé ở nhà rất tự giác lo mọi việc, thể hiện "bản lĩnh" của một người chị.
Đứa con của người mẹ miền Nam anh hùng ngay từ nhỏ đã toát lên những đức tính đáng quý. Nhìn chị cả Bé, người ta vừa thấy nét chững chạc của một cô bé sớm phải thu vén gia đình vì hoàn cảnh thời nhà binh - cả bố mẹ đều phải đi công tác chiến đấu, lại vừa thấy nét đáng yêu theo đúng lứa tuổi.
Khó có thể quên được cảnh Bé hăng hái dạy học cho các em những chữ I, T bên cạnh chiếc mẹt rách, rồi cảnh Bé trèo lên cây, ngóng mẹ về.
Cảnh cuối phim là giấc mơ của Bé khiến người xem không khỏi rơi nước mắt. Trong giấc mơ ấy có cảnh bọn trẻ tung tăng đến trường và những con chữ hóa thành đàn chim bay lượn trong một khung cảnh hòa bình.
Ước mơ rất trong sáng, trẻ thơ qua lăng kính tâm hồn của Bé đọng lại những cảm xúc còn nóng hổi đến thời đại hôm nay.
Bộ phim của đạo diễn Nguyễn Khánh Dư so với nguyên gốc truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Thi đã đặc tả nhiều hơn về những đứa con của chị Út Tịch. Vì vậy, đất diễn của "chị cả Bé" cũng nhiều hơn.
Phim đã giành giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V (1980) và giải thưởng Lọ hoa pha lê tại LHP Quốc tế Karlovy Vary (1980) một phần nhờ chính tài năng diễn xuất tự nhiên của cô bé ấy.
Trước đây, trên một chương trình, tiết lộ về thời gian đóng "Mẹ vắng nhà", Vân Dung kể lại, khi đang ở chơi ở sân thì đạo diễn Khánh Dư tới bảo: "Theo các chú đi đóng phim nhé!". Thế là cô bé 9 tuổi ấy lon ton lên nhà sắp xếp quần áo, cắt đôi bánh xà phòng Liên Xô và viết lại mẩu giấy nhắn cho bố mẹ xin phép đi đóng phim.
Trước vai diễn xúc động trong "Mẹ vắng nhà" cô bé từng tham gia nhiều vai nhí ấn tượng khác. Khi mới được 1 tuổi rưỡi, cô đã có vai diễn đầu tiên trong phim Người đôi bờ.
Đóng phim đã trở thành bản năng của cô để từ đó đem đến cho thế hệ khán giả những hình ảnh khó quên trong vai cô bé câm của phim Những đứa con, vai Sa trong Chom và Sa, vai Mai trong Cho cả ngày mai và không thể không nhắc đến hình ảnh cô bé bán báo trong "Biệt động Sài Gòn".
Tiếc rằng, sau những vai diễn nhí (chủ yếu đóng vai chính) Vân Dung đã không theo nghiệp nghệ thuật thứ bảy.
Bất ngờ rẽ hướng...
Kể từ sau bộ phim "Mẹ vắng nhà" khán giả hiếm khi thấy Vân Dung xuất hiện trên màn ảnh. Nữ diễn viên dứt hẳn với phim ảnh và là một bà nội trợ.
Theo Thương hiệu & Sản phẩm, diễn viên Vân Dung nổi tiếng với vai trò diễn viên từ bé nên mọi người đều nghĩ, lớn lên Vân Dung sẽ tiếp tục theo đuổi nghiệp diễn.
Khi tốt nghiệp lớp 12 xong, Vân Dung đã đăng ký thi và trúng tuyển vào Nhà hát kịch Việt Nam.
Một năm sau, cô theo bố chuyển vào Tp.HCM và học ở trường Cao đẳng Sân khấu Điện ảnh cùng với Lý Hùng, Diễm Hương.
Sau bộ phim "Mẹ vắng nhà" Vân Dung chỉ đóng một vai chính duy nhất sau khi ra trường là trong phim "Tình đời" của đạo diễn Trần Phương.
Cô chuyển hẳn sang nghề tiếp viên hàng không và đến nay không còn tham gia nghệ thuật nữa. Cũng từ đây, thông tin về cô rất hiếm.
Bạn bè thân tiết tiết lộ rằng, Vân Dung làm bên ngành hàng không được 8 năm cho đến khi lập gia đình và sinh con.
Tiếp đó, cô lại quyết định nghỉ hẳn nghề tiếp viên, chuyển ra Hà Nội sinh sống, dành thời gian cho gia đình. Cô có một cửa hàng kinh doanh nhỏ và làm nội trợ.
Trúc Chi (t/h)