Từ nỗi sợ rất… con gái
Gặp Nguyễn Thảo Vân, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi đó là cô gái nhỏ bé, gầy gò, cơ thể teo tóp, nặng khoảng 20kg - nữ Tổng giám đốc công ty cổ phần Nghị Lực Sống.
Thảo Vân sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân ở xóm 7, xã Nghi Diên, huyện Nghi Lộc, Nghệ An. Gia đình có ba anh em thì hai người mắc bệnh lạ. Người có số phận không may mắn đó là anh Công Hùng và Thảo Vân. Khi mới sinh, Thảo Vân hoàn toàn bình thường như những đứa trẻ khác, nhưng càng ngày cơ thể cô càng bị biến dạng, chân tay teo tóp.
Quãng đời tuổi thơ của Thảo Vân luôn gắn liền với những tủi hổ và sợ hãi. Tủi thân vì cơ thể mình bị biến dạng, Thảo Vân rất ít nói, cô ngại giao tiếp với mọi người, không muốn bị ai làm phiền và ghét người khác nhìn mình bằng đôi mắt thương hại. Chính vì thế, Thảo Vân trở thành một trong những học trò đặc biệt nhất trường.
Cô luôn đến sớm nhất lớp và về muộn nhất trường. Mỗi buổi sáng, mẹ tranh thủ đưa Vân đến lớp rồi mới về nhà bán hàng, chiều tối khi dọn hàng xong, mẹ mới có thời gian đến đón về. Mặc dù bị bệnh tật nhưng Thảo Vân không bỏ buổi học nào. Với cô bé tàn tật này, đó là niềm đam mê, là kênh thông tin giúp cô có thể khám phá thế giới bên ngoài.
Thảo Vân trong một chương trình từ thiện
Bạn bè thường rất hay trêu Thảo Vân. Biết cô sợ sâu, nên chúng bỏ những con vật đáng sợ đó lên bàn, thậm chí cho vào cặp của cô. Thảo Vân càng sợ thì chúng càng trêu. Tình cờ đọc được một cuốn sách nói về nỗi sợ, cô biết rằng càng sợ hãi thì chúng bạn càng trêu, Thảo Vân đã nhủ mình phải vượt qua nỗi sợ bằng cách chiến thắng chính sự yếu kém trong bản thân mình. Thảo Vân rất sợ bóng tối. Khi ở phòng một mình cô phải bật điện và ti vi cả đêm. Vậy mà cô quyết định vượt qua bản thân mình bằng cách chống chọi với những nỗi sợ thường ngày đó.
Buổi tối, cô tắt hết điện, không mở ti vi nữa. Đêm đầu còn sợ, đêm thứ hai thì đỡ hơn. Hết một tuần, cô đã không còn phải bật điện, mở ti vi mà vẫn ngủ ngon lành. Để luyện cho mình mạnh mẽ hơn, Thảo Vân nói dối bố mẹ rằng có bạn đến đón đi chơi, nhưng sự thực thì cô lại nhờ mấy đứa trẻ trong làng đưa ra cánh đồng tối mịt rồi để cô ở lại một mình.
Nhờ những bài luyện tập đó, Thảo Vân đã không còn sợ nữa. Khi bạn bè dùng sâu hù dọa, cô đã dùng tay bóp nát con sâu trước ánh mắt ngạc nhiên của lũ bạn. Từ đó chẳng còn ai dám trêu ghẹo cô nữa.
Đến nữ Tổng giám đốc đa tài
Chị Thảo Vân cho hay: "Cũng nhờ lên mạng tìm hiểu, tôi đã nộp đơn cho một công ty và đã được tuyển chọn. Vậy là tôi quyết định ra Hà Nội. Biết chắc là bố mẹ sẽ không đồng ý cho con đi làm ăn xa vì lý do sức khỏe, tôi đã dối bố mẹ là có một người bạn tài trợ tiền học phí để được ra Hà Nội. Ngày ra Hà Nội, tôi cũng không xin tiền bố mẹ.
Thật may, khi tôi làm cho một công ty cũng đủ tiền để trang trải cuộc sống chật vật. Vì tàn tật, tôi không thể tự chăm sóc mình được, nên tôi đã thương lượng với một chị ở bên cạnh phòng: "Chị chăm sóc em, em sẽ lo tiền phòng và tiền chi phí hàng ngày".
Với kinh nghiệm về đồ họa, Thảo Vân đã được nhận vào làm tại những công ty danh tiếng. Chị được tuyển làm nhân viên thiết kế đồ họa công ty thiết kế và in ấn HeartLink. Chị đã từng làm nhân viên đồ họa - chuyên xử lý ảnh kỹ thuật số tại công ty Esoftflow - công ty liên doanh giữa Việt Nam và Đại sứ quán Đan Mạch.
Chị chia sẻ: "Năm 2008, anh trai Nguyễn Công Hùng cùng một nhóm bạn mở trung tâm Nghị Lực Sống ở Hà Nội để giới thiệu, hướng nghiệp, đào tạo miễn phí cho người khuyết tật do anh Công Hùng làm giám đốc. Lĩnh vực hoạt động chủ yếu là tin học và ngoại ngữ.
Khi đó, tôi đang làm việc cho một công ty Đan Mạch, khi anh Công Hùng gọi về giúp sức quản lý và đào tạo, tôi làm chuyên viên tư vấn đồng cảnh trên website Nghilucsong.net. Công ty Nghị Lực Sống đã đào tạo việc làm cho hơn 600 học viên và hơn 600 thanh niên, tình nguyện viên đồng hành cùng website này. Khi trung tâm đang phát triển, mở rộng thì bất ngờ anh Nguyễn Công Hùng mất (31/12/2012).
Thảo Vân tâm sự: "Khi anh Hùng mất, tưởng chừng công ty sẽ khó mà tồn tại. Lúc đó, số lượng học viên cũng giảm sút do họ không thấy thần tượng của mình nữa. Do công ty của chúng tôi mở ra để giúp đỡ miễn phí cho những người khuyết tật nên chủ yếu vận hành trên sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức. Nếu không có vốn thì công ty sẽ phải giải tán. Đứng trước tình thế nguy kịch đó, tôi đã đứng ra đảm nhiệm trọng trách của anh trai. Đây quả là một trách nhiệm quá nặng nề.
Tôi phải cố gắng để công ty vận hành bình thường. Chúng tôi đã đến những đối tác thân quen để thuyết phục và ký kết với họ, đồng thời chúng tôi tiếp tục mở rộng các mối quan hệ với các đối tác khác để xin tài trợ. Việc động viên, cổ vũ tinh thần của tất cả các anh em trong công ty cũng rất quan trọng.
Chúng tôi phải cố gắng để công việc tuyển sinh đều đặn, truyền dạy kiến thức, kỹ năng sống và kinh nghiệm nghề nghiệp. Quan trọng nhất vẫn là tạo điều kiện giới thiệu việc làm cho từng học viên khi kết thúc khóa đào tạo. Chính vì vậy, chúng tôi phải liên hệ, liên kết với các công ty, tổ chức, doanh nghiệp để họ tạo điều kiện giúp đỡ".
Với bản lĩnh và tầm nhìn sắc sảo của mình, nữ Tổng giám đốc khuyết tật ấy đã tổ chức rất nhiều chương trình hoạt động từ thiện xã hội: Chương trình "Bánh chưng xanh - Xuân Mậu Tý" tham gia tặng 10 nghìn bản quyền của phần mềm diệt virus Kaspersky cho cộng đồng người khuyết tật sử dụng máy tính, tương đương với số tiền khoảng 1 tỷ đồng;… Với những đóng góp đó, chị Thảo Vân đã nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá.
Khi nói đến những dự định trong tương lai, đôi mắt Thảo Vân ánh lên niềm tin mãnh liệt: "Sắp tới, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng liên kết với các tổ chức xã hội, tiếp tục tuyên truyền, vận động nhiều thành phần xã hội cùng chung tay, chắp cánh những ước mơ để có thể giúp đỡ được nhiều người khuyết tật hơn nữa".
Cố thoát khỏi cái bóng của “hiệp sĩ” Công Hùng Chị Thảo Vân chia sẻ: Mọi người chỉ biết đến "hiệp sĩ" CNTT Nguyễn Công Hùng qua truyền hình, báo chí. Những học viên khuyết tật được tiếp thêm sức mạnh và họ tìm đến trung tâm Nghị Lực Sống. Việc xin tài trợ, ký hợp đồng với các cơ quan, tổ chức vì thế cũng thuận lợi. Khi anh Công Hùng mất, mọi chuyện trở nên khó khăn rất nhiều. Do đó, chúng tôi cần phải cố gắng nhiều hơn nữa để người khác biết đến công ty bằng những gì tập thể công ty làm được, chứ không phải là cái bóng của một cá nhân. |
Thế Hoàng