Chỉ thực hiện theo chỉ đạo
Tại phần luận tội các bị cáo trong vụ án Thao túng thị trường chứng khoán chiều ngày 26/7 bị cáo Trịnh Thị Minh Huế (em gái ông Trịnh Văn Quyết - cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC) bị đề nghị tổng mức 17-19 năm về hai tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Thao túng thị trường chứng khoán.
Đến phần bào chữa, luật sư Nguyễn Thị Hồng Nhung (Công ty Luật TNHH SMiC, đoàn Luật sư Tp.Hà Nội) cho biết, trong quá trình điều tra và ra toà, bị cáo Huế luôn thành khẩn thừa nhận hành vi phạm tội, ăn năn hối cải về vị trí, vai trò của bà Huế là người thực hiện theo chỉ đạo, không được hưởng lợi.
Bị cáo Huế không được biết, không thể biết về chủ trương niêm yết cổ phiếu ROS khi được giao và thực hiện lập danh sách cổ đông; là người thực hiện công việc theo chỉ đạo của anh trai Trịnh Văn Quyết; bị cáo thực hiện hành vi trong điều kiện, hoàn cảnh không được biết/không thể biết về các hệ quả pháp lý, rủi ro có thể phát sinh.
"Cáo trạng kết luận bị cáo "điều hành toàn bộ hoạt động nâng khống vốn góp tại Công ty Faros" là chưa thực sự phù hợp với bản chất, thực tế hành vi', luật sư nêu quan điểm.
Bà Nhung lý giải, về pháp lý và thực tế, hoạt động nâng vốn của một doanh nghiệp bao gồm chuỗi các hành vi như: Xây dựng, phê duyệt chủ trương, kế hoạch tăng vốn; xác định tổng số vốn; tài sản góp vốn; hình thức chào bán; phân công nhân sự thực hiện;..
Xét trong chuỗi các hành vi tăng vốn tại Công ty Faros, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế chỉ thực hiện một phần công việc trong chuỗi các công việc liên quan đến hoạt động góp vốn tại Công ty Faros.
Bị cáo cũng không có khả năng và thẩm quyền để thực hiện hành vi điều hành toàn bộ hoạt động nâng khống vốn Công ty Faros. Do đó, cáo trạng xác định bị cáo điều hành toàn bộ hoạt động nâng khống vốn là vượt quá so với thực tế các hành vi đã thực hiện của bị cáo.
Thực tế Huế không được hưởng lợi, không được hứa hẹn về khoản lợi ích sẽ được nhận từ việc thực hiện các hành vi theo chỉ đạo của Trịnh Văn Quyết. Bị cáo Huế chỉ là người giữ tiền, thực hiện việc thu chi đối với các khoản tiền theo chỉ đạo.
"Trong nội dung xác định hành vi phạm tội của từng bị can tại cáo trạng cũng không xác định bị cáo Huế được hưởng lợi từ việc thực hiện các hành vi vi phạm", luật sư Nhung nêu.
Có nhiều đóng góp cho quê hương
Tại phần luận tội chiều ngày 26/7, đại diện VKS cho biết, chính quyền xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc, là quê hương của bị cáo) cũng mới có đơn xin giảm cho bà Huế về những thành tích trong công tác làm từ thiện và phát triển kinh tế địa phương.
Luật sư Nhung cho biết thêm, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế bị bệnh tim bẩm sinh, sức khoẻ yếu. Tuy nhiên, trong hơn 2 năm điều tra, bị cáo vẫn giữ tinh thần lạc quan, tích cực hợp tác làm việc với cơ quan điều tra, luôn thể hiện thái độ thành khẩn trong khai báo.
Bị cáo cũng thể hiện thái độ ăn năn, hối cải và ý thức tự nguyện trong việc khắc phục hậu quả của vụ án bằng việc chủ động tác động tới gia đình nộp 100 triệu đồng tại giai đoạn truy tố và 100 triệu đồng ngay sau khi TAND Tp. có quyết định đưa vụ án ra xét xử.
Ngày 25/7/2024 (ngày xét xử thứ 5), gia đình bị cáo đã thực hiện việc nộp thêm số tiền là 100 triệu đồng để khắc phục hậu quả của vụ án.
Bên cạnh đó, vừa qua, luật sư của bị cáo Trịnh Văn Quyết đã gửi tới toà 88 đơn xin giảm nhẹ của người bị hại, 376 đơn xin giảm nhẹ (có 4.280 chữ ký) của các tổ chức, cá nhân để xin giảm nhẹ cho các bị cáo khác trong vụ án.
"Từ những căn cứ và lập luận nêu trên, chúng tôi cho rằng cáo trạng xác định bị cáo Trịnh Thị Minh Huế là "người thực hành tích cực nhất" là quá nghiêm khắc. Chúng tôi kính đề nghị HĐXX xem xét, đánh giá các tài liệu chứng cứ, hoàn cảnh phạm tội, động cơ, mục đích phạm tội của bị cáo Huế và các đồng phạm một cách khách quan, toàn diện để giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo", luật sư nêu ý kiến.
Phần bào chữa diễn ra đến chiều muộn. Sáng ngày 27/7, phiên toà sẽ tiếp tục phần bào chữa của luật sư và ý kiến phản biện của đại diện VKS.