Qua trò chuyện, em cho biết khoảng hơn nửa năm nay, em cảm thấy rất khó chịu về cách đối xử của cha mẹ, không hài lòng về cách cư xử của giáo viên và cảm thấy cuộc sống chán chường vô nghĩa. Em cũng thổ lộ rằng đây không phải lần đầu tiên em uống thuốc để tự tử, 6 tháng trước em đã từng uống thuốc 1 lần nhưng với liều lượng ít hơn nên không phải nhập viện và cách đó không lâu em cũng đã tự cắt vài đường ở cổ tay.
Mẹ của em cho biết, thời gian vừa qua em rất ít nói, ít khi chia sẻ chuyện của mình, tính tình trở nên ngang bướng và sống khép kín. Đôi khi mẹ em cũng la rầy chuyện học hành của em mặc dù biết rằng em luôn học giỏi. Trong gia đình em cũng có anh trai có tiền sử bị trầm cảm.
Qua tiếp xúc với em gái, tác giả nhận thấy, trông em có vẻ lớn và chững chạc hơn rất nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Em luôn than phiền, cảm thấy dễ nổi nóng, không muốn về nhà, than phiền cha mẹ không hiểu và cư xử không phù hợp, bất mãn với cô giáo ở trường vì cô đối xử không công bằng. Em muốn chết vì cảm thấy không biết làm gì khác hơn.
Em luôn than phiền, cảm thấy dễ nổi nóng, không muốn về nhà... (Ảnh minh họa)
Những biểu hiện của em cho thấy em đã bị trầm cảm gần một năm nay nhưng vì chưa nắm bắt hết được sự thay đổi tâm lý của con trẻ trong giai đoạn này nên ba mẹ khó giao tiếp, trao đổi với em.
Qua trường hợp trên thiết nghĩ các bậc phụ huynh nên để ý đến con mình nhiều hơn khi trẻ bước vào giai đoạn vị thành nhiên. Giai đoạn này trẻ có thể có những nhu cầu mà đôi khi phụ huynh chưa thích nghi kịp vì sự thay đổi mạnh mẽ về tâm sinh lý.
Thay đổi cách trò chuyện, cách giáo dục cũng là cách tốt để trẻ tin tưởng và trao đổi về những khó khăn, những điều khó nói trong cuộc sống. Nếu thấy trẻ có những biểu hiện như ít giao tiếp, sống thu mình, hay buồn phiền, chán nản, không có hứng thú tham gia các hoạt động bên ngoài, có ý định tự tử, phụ huynh nên đưa trẻ đến những cơ sở chuyên môn để được hỗ trợ và điều trị kịp thời nhằm giúp trẻ vượt qua giai đoạn khó khăn của cuộc sống.
Chuyên viên tâm lý Trương Quốc Cường