Doanh nghiệp mía đường bị "đẩy vào chân tường"?
Vừa qua, tại cuộc họp bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn tiêu thụ đường tồn kho, có ý kiến cho rằng việc Bộ Công Thương luôn giấu kín số liệu cho phép nhập khẩu đường khiến doanh nghiệp bị thiệt hại, thêm phần khó khăn.
Theo dự báo của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, trong niên vụ 2013/2014, sau khi cung ứng cho thị trường thì lượng đường dư thừa của các nhà máy là 500-600 ngàn tấn (chưa kể đường lậu tham gia thị trường). Điều này cũng đồng nghĩa với việc doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với khó khăn về nạn đường nhập lậu và gian lận thương mại chưa ngăn chặn được; tiêu thụ kém, giá đường thấp (sẽ khó giữ được giá mía nguyên liệu cho nông dân) và lượng tồn kho cao.
Trong khi đó, theo cam kết của Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), hằng năm nước ta phải cho phép nhập khẩu một lượng đường của các nước. Lượng đường nhập khẩu này sẽ ưu tiên cho doanh nghiệp sản xuất có nhu cầu. Trong niên vụ đường 2012 - 2013, hạn ngạch nhập khẩu mà doanh nghiệp được phép nhập là 70.000 tấn đường.
Tuy nhiên, tại cuộc họp báo vừa qua của Hiệp hội Mía đường, ông Nguyễn Thành Long, chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng, thực hiện các cam kết khi gia nhập WTO là đúng nhưng nhà nước cần điều tiết chênh lệch giá theo hướng có lợi cho toàn ngành chứ không chỉ một vài doanh nghiệp. "Bí mật về số liệu nhập khẩu đường là quyền của Bộ Công Thương, nhưng hiệp hội cũng cần có tiếng nói để số liệu này được công khai, nhằm tránh cơ chế xin cho", ông Long nói.
Ảnh minh họa
Được biết hiện nay, có hai nguồn đường tham gia vào thị trường Việt Nam là đường sản xuất từ mía của nông dân khoảng 1,5 triệu tấn và khoảng 70.000 tấn đường nhập khẩu chính ngạch do gia nhập WTO. Đó là chưa kể lượng đường nhập lậu, đường gian lận thương mại tại thị trường nội địa gây nên nguồn cung dư rất lớn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ trong nước khoảng 1,3 - 1,35 triệu tấn. Hầu hết doanh nghiệp đều cho rằng hiện họ đang bị đẩy vào chân tường vì đường sản xuất ra không tiêu thụ được, trong khi hằng tháng phải trả nợ ngân hàng với lãi suất cao. Do quản lý không tốt nên năm qua có khoảng 500 ngàn tấn đường vào Việt Nam theo con đường nhập lậu và tạm nhập tái xuất (nhưng không xuất - PV), chủ yếu từ Thái Lan, đã khiến doanh nghiệp trong nước cạnh tranh không lại.
Câu chuyện của ngành mía đường "tố" Bộ Công Thương "ém" số liệu nhập khẩu đường khiến dư luận và các doanh nghiệp băn khoăn về việc công khai các số liệu của cơ quan chức năng lâu nay.
Tạo đất sống cho việc "đi đêm"
Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, xu thế công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến kinh tế là một phần của việc công khai minh bạch trong xã hội. Cần phải truy trách nhiệm cụ thể với người đứng đầu đơn vị này nếu thực sự có chuyện "ém" thông tin gây thiệt hại cho doanh nghiệp sản xuất. "Việc nhập khẩu đường khi trong nước còn tồn kho khiến hạn chế xuất khẩu, người dân bị ảnh hưởng việc làm. Cùng với đó, việc không công khai số liệu, thông tin của cơ quan quản lý Nhà nước về số liệu nhập khẩu khiến các doanh nghiệp sản xuất trong nước không định hướng được kế hoạch sản xuất, không chủ động được biến động của thị trường. Mặc dù Việt Nam có những cam kết gia nhập nhưng việc ưu tiên sản xuất của doanh nghiệp trong nước vẫn phải đặt lên hàng đầu. Các nước khác trên thế giới họ cũng vậy.
Đặc biệt nhiều doanh nghiệp trong nước vừa sản xuất đường vừa được nhập khẩu đường trong khi các doanh nghiệp khác lại không được nhập khẩu thì càng cần minh bạch thông tin. Đặc biệt, khi chênh lệch giá đường nhập và trong nước cao như hiện nay liệu có trường hợp các doanh nghiệp vừa nhập khẩu, vừa sản xuất có lợi thế hơn các doanh nghiệp chỉ được sản xuất?", ông Phong băn khoăn.
Cũng theo TS. Nguyễn Minh Phong, phải có những đánh giá về hậu quả của việc số lượng nhập khẩu đường và doanh nghiệp được nhập (mà không thông báo cho các doanh nghiệp trong nước biết) để quy rõ trách nhiệm. Công khai minh bạch các số liệu là để tránh việc lợi dụng ưu thế về thông tin giữa các doanh nghiệp với nhau là điều cần thiết. Không những vậy, công khai số liệu còn tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước chủ động sản xuất, thích ứng với việc thực hiện các cam kết gia nhập WTO của Việt Nam.
Theo một luật sư thì từ lâu nay câu chuyện về trách nhiệm, việc xem xét xử lý khi công chức nhà nước trong quá trình thực hiện nhiệm vụ vi phạm gây thiệt hại ít được nói đến. Nếu như công chức ra các quyết định hoặc trong hành vi quản lý của mình gây thiệt hại cho đối tượng do mình quản lý thì phải đền bù. Đền bù này là phải bỏ tiền túi cá nhân chứ không phải của Nhà nước. Cho nên những người chịu trách nhiệm vừa phải chịu kỷ luật Nhà nước, vừa phải đền bù thiệt hại từ tiền túi cá nhân. Chỉ có điều đó mới khiến các công chức, quản lý Nhà nước chịu trách nhiệm cao hơn với các quyết định của mình.
Cũng theo ý kiến của TS. Nguyễn Minh Phong, việc không minh bạch thông tin "tạo cửa" cho cơ chế xin cho. Các doanh nghiệp thậm chí sẵn sàng "đi đêm" với cơ quan quản lý để có được quota nhập khẩu, hưởng chênh lệch giá từ thị trường trong nước. Sự nhập nhèm thông tin gây hệ quả là việc sản xuất kinh doanh không có kế hoạch, kém hiệu quả, thậm chí nó còn khiến lợi ích nhóm có đất sống.
Chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, một trong những nhiệm vụ của các cơ quan Nhà nước là cung cấp, phát triển các thông tin. Bao gồm thông tin về chính sách, hoạt động quản lý của họ. Đặc biệt, các bộ ngoài cập nhật thông tin về thị trường nước ngoài để các doanh nghiệp trong nước nắm được và xử lý số liệu, ngay như nhiệm vụ công khai thông tin nhập khẩu mà họ cũng không làm được thì chắc chắn lỗi càng lớn.
"Nhập 20.000 tấn đường, lãi ít nhất 80 tỷ đồng" do chênh lệch giá? Cùng chung quan điểm, ông Đỗ Thanh Liêm, phó chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết: "Số liệu nhập khẩu đường có phải nằm trong diện tuyệt mật hay không mà bao năm qua, Bộ Công Thương luôn giấu kín về doanh nghiệp được nhập và số lượng được nhập. Cũng cần nói rằng, một doanh nghiệp nếu được nhập 20.000 tấn đường thì ít nhất đã lãi 80 tỷ đồng do chênh lệch giá". Điều đáng chú ý, theo ông Liêm, liệu người tiêu dùng trong nước có được mua đường với giá rẻ từ việc nhập khẩu đường hay chính sách này chỉ đem lại lợi ích cho một vài doanh nghiệp nhập khẩu. |
Hoàng Mai