Nhưng sự thực, cô vẫn là một thiếu nữ còn trong trắng và lao động chân chính để tìm lại ước mơ của mình.
N.N.H sinh năm 1994 ở một làng quê nghèo của đất học Bắc Ninh. Năm 2012, H cũng như bao nhiêu bạn học trò đồng lứa, cắp balô lên Hà Nội dự thi đại học. Cô nuôi hy vọng đỗ vào trường Đại học Ngoại thương để có thể sau này trở thành một nhà ngoại giao giỏi nhưng đời không như mơ. Sự tiếc nuối, buồn bã hiện rõ trên khuôn mặt của em, H kể: “Khi biết số điểm dự thi và kết quả không đỗ em đã khóc rất nhiều, một thời gian ngắn em không về nhà mà cứ ở bên nhà bà ngoại, thui thủi một mình trong phòng. Em sợ đối mặt với bố mẹ, với bạn bè vì trước đây em biết đến là một người học giỏi, vậy mà…”. Nói đến đây, H cười khì và gạt đi nỗi buồn của mình.
H chuyển câu chuyện với tôi bằng một câu hỏi mà khi nghe đến, bất cứ người đàn ông nào cũng phải đỏ mặt và đánh trống lảng. “Anh biết ai là cave không, người làm nghề cave như thế nào nhỉ? Anh tả cho em được không?”. Không đợi tôi trả lời, H cười nhẹ và tiếp lời: “Em biết đấy, hình như là em, ở đây người ta gọi em là cave anh ạ”.
H nhìn chằm chằm vào tôi rồi bật cười nói to: “Đấy là người ta nói chứ em có làm nghề đó đâu anh”, rồi H lui về phía góc tường, khép mình ôm lấy thân và kể những câu chuyện đã làm bùng lên tin đồn em làm nghề bán thân.
N.N.H luôn sống trong bóng tối nhưng tâm hồn vẫn trong sáng và hướng về ước mơ, tương lai. (Ảnh minh họa).
Khi thi trượt đại học, H khăn gói xuống Hà Nội để đi kiếm việc làm nuôi sống bản thân và mong gửi được chút đồng tiền về cho bố mẹ ở quê nghèo. Để tiết kiệm tiền, H đã thuê một phòng trọ giá rẻ. Bên cạnh việc bán quần áo ban ngày, buổi tối, làm PG (nhân viên quảng cáo, tiếp thị - PV) cho các hãng mỹ phẩm, thời trang, thuốc lá…
H cho biết: “Từ lúc làm thêm nghề này, em có thêm thu nhập, số tiền em gửi về nhà cũng nhiều hơn. Nhưng cũng từ lúc em chuyển về cái phòng ẩm thấp và làm nghề này em bị mang tiếng là “cave”, là điếm, đi đâu người ta cũng rèm pha, chỉ trỏ, vì suốt ngày người ta thấy em ăn mặc hở hang, lại ở trong “nhà nghỉ”. Em cũng tủi thân. Em vẫn còn trinh mà người ta gọi em là cave”.
Khi nghe em nói ở nhà nghỉ, tôi liền hỏi em nhà nghỉ đó ở đâu, H cười to và mắng vui tôi, “Anh hâm à! Nhà nghỉ là cái phòng ổ chuột đây này, vì trước hẻm nhà em có cái biển nhà nghỉ to tướng của nhà bên cạnh lấn sang, nên người ta cứ nghĩ cái hẻm nhà em là nhà nghỉ đèn mờ”.
Giờ thì tôi mới hiểu vì sao em bị hiểu nhầm là gái bán thân. Việc làm nghề PG ăn mặc sexy, đi sớm về muộn và ở trong con hẻm nhỏ có gắn mác “nhà nghỉ” trên con đường có tiếng Phạm Văn Đồng đã khiến em bị gọi là “cave” thì cũng không thể tránh khỏi. Nhưng, điều đáng nói là cái cách mà cô bé vùng quê N.N.H vượt qua mọi rào cản, tai tiếng để sống tốt, tiếp tục lao động chăm chỉ và nuôi hy vọng nắm lại ước mơ của mình.
N.N.H chia sẻ: "Từ khi em chuyển vào phòng trọ này, bị nghi ngờ là gái bán dâm, mọi người ai cũng xa lánh, mắng chửi, có khi là hắt nước vào phòng em khi gây sự. Nhiều khi ức chế nhưng không làm được gì nên cứ lặng yên như vậy".
Em nhớ nhất kỉ niệm, có lần em đi làm quảng cáo về muộn, nhờ anh T trong công ty chở về phòng trọ, thấy em và người lạ đứng trước hẻm, mấy người trong xóm buông lời thô thiển và chế giễu bọn em, cứ gọi em là “cave”. Mấy thanh niên còn chờ em vào hẻm rồi cầm đá ném anh T đến chảy máu đầu. Hôm sau, em nhờ công an qua giải quyết và mọi người trong xóm mới biết là em làm nghề PG chứ không phải là “cave” như họ nghĩ.
PG là một nghề lao động chân chính nhưng nhiều người vẫn còn chưa nhận định đúng. (Ảnh minh họa)
Trong lúc nghe H kể thì bên ngoài có tiếng gõ cửa, quay đầu lại thì thấy một cô gái cũng mặc quần áo khá sexy, xinh xắn. H giới thiệu đây là L bạn cùng làm nghề PG cùng mình, qua đây để chuẩn bị ca tối làm quảng cáo cho một hãng mỹ phẩm. L nhanh nhẹn chào tôi và tiếp lời: “Lúc em vào đây, anh xe ôm cũng tưởng em là cave vào nhà nghỉ, cũng xấu hổ lắm”.
H và L cười vang vì câu chuyện trớ trêu của mình, tiếng cười ấy vẫn hồn nhiên, vẫn lạc quan và không nghi ngại về bản thân. Hai cô gái trẻ vẫn sống theo đúng con người của mình, sống vui, sống vì ước mơ và sống cho gia đình.
Khi tôi hỏi H về dự định sau này, H bùi ngùi: “Em đang ôn thi để năm sau thi lại đại học. Em hy vọng sẽ thi đỗ và nắm lại ước mơ của em”.
Thiên Tuấn