Phát biểu tại họp báo thường kỳ của EMA, người phụ trách chiến lược vắc-xin của EMA, ông Marco Cavaleri cho rằng các quy định phòng dịch kiểu “chắp vá” ở nhiều nước có thể là một phần nguyên nhân khiến số ca nhiễm tăng.
"Chúng tôi ghi nhận tỉ lệ mắc Covid-19 đang tăng trở lại ở một số nước thành viên sau khi đã giảm trong vài tuần", ông nói.
Trước đó, ngày 16/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng cảnh báo số ca Covid-19 toàn cầu đang tăng trở lại ngay cả khi mức độ xét nghiệm giảm mạnh. Trong một tuần qua, thế giới ghi nhận hơn 11 triệu ca mắc Covid-19, tăng 8% so với tuần trước đó và hơn 43.000 ca tử vong mới.
Theo ông Cavaleri, EMA đang "tiếp tục theo dõi hiệu quả của các vắc-xin ngừa Covid-19 đối với biến thể Omicron". Ông kêu gọi người dân châu Âu đi tiêm phòng đồng thời nhấn mạnh rằng tại nước có tỉ lệ tiêm phòng cao thì tỉ lệ nhập viện và tử vong thấp hơn đáng kể.
Tuy nhiên, chuyên gia của EMA tái khẳng định, "chưa có đủ bằng chứng để đưa ra khuyến nghị tiêm đại trà mũi tăng cường thứ hai".
Trong khi đó, ngày 15/3, Pfizer và BioNTech đã yêu cầu Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ cho phép tiêm mũi vắc-xin thứ 4 của họ đối với những người từ 65 tuổi trở lên. Để cho phép tiêm mũi thứ 4, FDA Mỹ sẽ xem xét các dấu hiệu đáng lo ngại cho thấy khả năng miễn dịch do vắc-xin cung cấp đang suy yếu, điều này có thể khiến mọi người dễ bị ảnh hưởng hơn bởi các tác động nghiêm trọng của Covid-19.
Dữ liệu gần đây do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ công bố cho thấy, khả năng ngăn ngừa nhập viện do Covid-19 đã suy giảm ngay cả sau khi tiêm mũi tăng cường của Pfizer-BioNTech hoặc Moderna.
Từ tháng 8/2021 đến tháng 1/2022, khoảng thời gian xảy ra các đợt bùng phát của cả biến thể Delta và biến thể Omicron, mũi vắc-xin tăng cường ngăn ngừa khả năng nhập viện 91% trong 2 tháng đầu tiên sau tiêm, nhưng giảm xuống còn 78% trong 4 tháng sau tiêm.
“Chúng tôi không biết khả năng ngăn ngừa nhập viện sẽ là bao nhiêu trong 6 tháng, 7 tháng hoặc 8 tháng sau khi tiêm mũi thứ 3. Liệu 78% có giảm xuống 60%, 50% hay 40% không?”, Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia Mỹ, nói.
“Vì lý do đó, chúng ta cần xem xét nghiêm túc về việc tiêm mũi thứ tư cho người cao tuổi và những người có một số bệnh nền nhất định”, ông Fauci nêu rõ.
CDC đã khuyến nghị liều vắc-xin mRNA thứ 4 cho những người có suy giảm hệ miễn dịch, bao gồm bệnh nhân cấy ghép và đang điều trị ung thư.
Trong những tháng gần đây, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, việc sử dụng liệu trình vắc-xin chính, thay vì mũi tăng cường, nên được ưu tiên. Bên cạnh đó, WHO cũng khuyến nghị tiêm mũi tăng cường cho những người có vấn đề về sức khỏe.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, VOV)