Có hay không cái “bắt tay”?
Việc chính quyền TP.Long Xuyên ra thông báo số 79, kí bởi Phó Chủ tịch UBND thành phố Đào Ngọc buộc di dời các hộ tiểu thương đang trực tiếp kinh doanh nông sản, dạng bán sỉ (rau củ, quả và trái cây) tại chợ Long Xuyên trên địa bàn phường Mỹ Long (TP.Long Xuyên, An Giang) về chợ đầu mối nông sản kết hợp một phần thủy hải sản thuộc khu dự án thương mại của Công ty TNHH đầu tư và chế biến lương thực Thiên Ngọc (Công ty Thiên Ngọc) làm chủ đầu tư, vấp phải sự phản ứng gay gắt của các tiểu thương.
Sự ép buộc từ chính quyền TP.Long Xuyên đã xuất hiện những dấu hiệu thiếu minh bạch và lợi ích nhóm khi hé lộ sự “bắt tay” với Công ty Thiên Ngọc.
Trước đó, vào ngày 20/10, đại diện UBND TP.Long Xuyên, An Giang đã tổ chức họp mặt tiểu thương để bàn và đối thoại về việc di dời hơn 200 hộ kinh doanh về chợ mới. Các tiểu thương liên quan đều có mặt tham gia và yêu cầu được giải bày những nỗi thấp thỏm lo âu nhiều ngày gần đấy khiến cho cuộc sống của họ phải lao đao.
>> Tiểu thương kêu trời vì bị ép qua chợ vắng như "chùa bà đanh" (1)
>> Tiểu thương bị ép di dời qua chợ tư nhân: Lợi ích nhóm (2)
Tất cả mọi người kinh doanh tại đây đều muốn ở lại với chợ Long Xuyên, không di dời qua khu chợ tư nhân mới xây. Trong đó, nhiều tiểu thương gay gắt cho rằng thành phố quá ưu ái cho Công ty Thiên Ngọc vì chỉ muốn làm lợi cho doanh nghiệp này mà không xem đến lợi ích của tiểu thương, cuộc sống của bà con. Bởi “chiêu” đầu tư xây dựng khu dân cư, gắn luôn chợ vào đấy nhằm thu hút cư dân, làm tăng giá trị các khu đất để bán là quá rõ. Hành vi này đang được các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh bất động sản sử dụng và lan rộng cả nước và “di sản” để lại là các ngôi chợ bỏ hoang.
Rất nhiều câu hỏi như nguyên nhân dẫn đến việc di dời chợ. Nếu di dời, thì khu chợ bị giải tỏa sau này sẽ được dùng làm những dự án gì? Tại sao lại buộc tiểu thương phải dời đi trong khi chợ mới hoạt động được 16 tháng kể từ khi hoàn thành cho đến nay. Đây có phải là hành vi gây hoang phí hàng chục tỉ đồng khi chính quyền TP.Long Xuyên đã lấy từ ngân sách ra để xây dựng chợ Long Xuyên?
Trước những bức xúc gay gắt của các hộ tiểu thương ông Phạm Thành Thái - Bí thư Thành ủy TP.Long Xuyên đã phải chấp thuận cho các hộ tiểu thương ở lại bán nhưng cần sắp xếp lại để đảm bảo trật tự. Muốn bán sỉ ở đâu là tùy ý kiến của tiểu thương.
Tuy nhiên, ông Thái vẫn giao UBND TP.Long Xuyên lên kế hoạch sắp xếp phân lô và lấy ý kiến góp ý của bà con tiểu thương trước 31/10 (tức ngày lên kế hoạch tất cả các hộ kinh doanh rau củ, quả sĩ ở chợ Long Xuyên phải về chợ mới kinh doanh), ngoài ra phải xem xét lại giấy phép kinh doanh, thời gian hợp đồng theo quy định pháp luật. Như vậy, kết quả đã rõ. Cuối cùng, chính quyền thành phố này vẫn quyết tâm để ép dân phải di dời.
Bức ép người kinh doanh?
Phóng viên báo điện tử Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với ông Đào Văn Ngọc – Phó Chủ Tịch UBND TP.Long Xuyên để tìm hiểu về vấn đề trên.
Ông Ngọc cho biết, chợ Long Xuyên thực chất đã quá tải tải, phương án bố trí được 228 điểm mua bán nhưng giờ đã vượt hơn 800 điểm kinh doanh. Do quá tải vậy hộ tiểu thương đã lấn chiếm lòng đường vỉa hè để buôn bán nó không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm do nghành hàng không được bố trí theo đúng quy định, không đảm phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị vì chợ Long Xuyên nằm giữa trung tâm thành phố.
Trước tình hình đó thành phố đã có chủ trương di dời các hộ kinh doanh dạng bán sỉ về nơi mới. Hiện nay chợ Long Xuyên không có cầu tàu, không có bến đậu xe tải, không có kho chứa. Một lần vận chuyển hàng hóa có hàng trăm chiếc xe tải ra vào gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự giao thông khu vực chợ này.
Ngoài ra, ông Ngọc còn cho biết thêm, khi có quyết định di dời thành phố đã nhiều lần gặp gỡ tiêu thương và trình bày chính sách hỗ trợ của Nhà nước và chính sách hỗ trợ của doanh nghiệp đối với những hộ nào chịu di dời.
Riêng đối với Công ty Thiên Ngọc cũng hỗ trợ tiểu thương trong 1 năm tiền thuê mặt bằng, tất cả chi phí theo quy định nhà nước, những năm tiếp theo thuế cũng do Nhà nước quản lý.
Tuy nhiên, trước đó, hàng trăm tiểu thương đã ký đơn thư và trả lời báo điện tử Người Đưa Tin rằng họ chưa một lần được xem thông báo hay nghe tuyên truyền về việc di dời chợ. Khi sắp phải di dời thì mới nghe thông báo từ chính quyền.
Ngoài ra, tiểu thương còn nói rằng, trước đó Ban quản lý (BQL) chợ Long Xuyên đã xuống xin ý kiến tiểu thương và đề nghị họ ký vào phiếu kê khai những không cho biết lí do ký là gì? Nhưng đến khi tiểu thương dành được phiếu kê khai thì mới biết lí do liên quan đến việc di dời chợ.
Bất ngờ hơn, chính trong cuộc họp ngày 20/10, ông Phạm Thành Thái - Bí thư Thành ủy TP.Long Xuyên đã nói về việc tiểu thương vẫn cứ việc kinh doanh nhưng phải giữ gìn trật tự.
Thì sau đó ít ngày, UBND TP.Long Xuyên đã ra thông báo khác rằng, bắt đầu từ ngày 1/1/2017, BQL chợ long Xuyên không tiếp tục ký hợp đồng cho thuê mặt bằng với các tiểu thương đang trực tiếp kinh doanh nông sản dạng sỉ để cải tạo khu nông sản thực phẩm và sắp sếp lại trật tự mua bán tại chợ Long Xuyên”.
Sự việc trên lại một lần nữa khiến tiểu thương bức xúc, trực tiếp lên UBND TP.Long Xuyên để yêu cầu trả lời về nội dung thông báo bổ sung. Và đề nghị thu hồi lại văn bản với nội dung trên.
Nhưng, chính quyền TP.Long Xuyên vẫn im lặng, không có câu trả lời rõ ràng với các hộ tiểu thương và lại tiếp tục “đá bóng” hứa hẹn sẽ trả lời vào ngày 10/11 cho các tiểu thương.
Đón đọc lúc 13h30 (ngày 29/10), Kỳ 4: Vì sao TP.Long Xuyên quyết liệt ép tiểu thương di dời chợ? (4)
Mỹ Linh –Sao Mai