Esports là gì?
Thể thao điện tử (eSports/e-sports, Electronic-Sports, game đối kháng, hay các pro gaming) là hình thức tổ chức cuộc thi chơi điện tử giữa nhiều người chơi, đặc biệt là giữa những tuyển thủ chuyên nghiệp. Các thể loại trò chơi video phổ biến nhất liên quan đến thể thao điện tử là cuộc chiến đấu trường trực tuyến với sự tham gia của nhiều người chơi, trò chơi chiến đấu sử dụng chiến lược thời gian thực (MOBA), và thể loại game bắn súng góc nhìn người thứ nhất (FPS), nhưng thể loại FPS chỉ được gọi là đặc trưng của E-Sport khi chưa phát triển, khi các thể loại MOBA lên ngôi thì FPS không còn nằm trong danh mục được đăng ký tham gia E-Sport.
Vốn là một phần của văn hóa trò chơi điện tử, nhưng đến tận cuối những năm 2000 và đầu năm 2010, việc tổ chức các giải đấu mới tạo nên một cơn sốt lớn. Trong khi các giải đấu diễn ra trong khoảng năm 2000 được tổ chức nghiệp dư, sự gia tăng của các cuộc thi chuyên nghiệp cùng với số lượng người xem tăng cao hiện nay đã hỗ trợ một số lượng đáng kể các tuyển thủ và các đội tuyển chuyên nghiệp. Tính cạnh tranh này đã được các nhà phát triển trò chơi điện tử hiện nay tận dụng bằng cách xây dựng thêm các tính năng cải tiến vào trò chơi của mình.
Esports phát triển như thế nào trong thời dịch bệnh Covid-19?
Trong năm 2020, nền kinh tế thế giới chịu một tác động tương đối lớn vì đại dịch Covid-19, tuy nhiên Esports đang cho thấy một hướng đi khác biệt, tất cả các giải đấu đều được tổ chức theo hình thức online, thậm chí với hình thức này việc kiếm tiền bằng các hệ thống truyền phát trực tuyến đang giúp cho Esports có một cách khác để làm kinh tế. Khi hoạt động kinh tế đi xuống trên khắp thế giới, ngành công nghiệp Esports được đẩy mạnh. Các ban tổ chức bỏ kế hoạch tổ chức các giải đấu trực tiếp và chuyển sang các trận đấu trực tuyến, nơi họ đang tìm thấy một lượng khán giả đông đảo sẵn sàng hấp thu bất cứ thể loại giải trí nào.
Lượng người xem trên các nền tảng phát trực tuyến ngày càng tăng lên trong bối cảnh các lệnh cách ly tại nhà đang được thực thi trên toàn cầu, mặc dù hầu hết các tổ chức Esports chưa tiết lộ số liệu cụ thể. Tiếp đến là các nhà quảng cáo. Với việc các môn thể thao truyền thống và các lễ hội hằng năm bị hủy bỏ cho đến nay, các thương hiệu lớn đang bắt đầu hướng sự chú ý của họ đến hệ sinh thái hiện tại của Esports và bắt đầu thực hiện các thoả thuận kinh doanh trong lĩnh vực này.
Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen đã xếp hạng LCS (Giải đấu thể thao điện tử tại Mỹ) là giải đấu thể thao chuyên nghiệp phổ biến thứ ba ở Mỹ trong số những người từ 18 đến 34 tuổi. Họ đánh giá đây là một thị trường rất béo bở cho các nhà quảng cáo, và là một dấu hiệu cho thấy Esports đã bắt đầu xuất hiện trên bản đồ thị trường của các nhà tài trợ lớn. Đại dịch Covid-19 này chỉ là chất xúc tác thúc đẩy quá trình.
Các nhãn hàng nổi tiếng hầu như đều tham gia đầu tư Esports, chúng ta có thể kể đến như Samsung, SK-Telecom, hay thậm chí là những thương hiệu thể thao lỗi lạc trên thế giới như Adidas, Nike, Puma cũng đang chi rất nhiều cho thể thao điện tử.
Adidas đang chi cực mạnh cho CLB G2 Esports có trụ sở tại Berlin, G2 hiện đang là đội tuyển giàu thành tích bậc nhất tại giải đấu Liên minh huyền thoại châu Âu. Dưới đây là video quảng cáo có sự hợp tác từ Adidas và đội tuyển Liên minh huyền thoại châu Âu G2 Esports.
Theo thống kê của Newzoo một trang phân tích dữ liệu của Esports cho thấy tỉ lệ tăng trưởng của Esports là cực kỳ khủng khiếp, thập chí kể cả có dịch bệnh thì Esports vẫn có đà tăng trưởng cực kỳ vững chắc. Theo đó năm 2018 doanh thu của Esports ước tính là 776,4 triệu USD thế nhưng đến năm 2023 doanh thu có thể đạt mức 1556,7 triệu USD. Một trong những quốc gia đi đầu về phát triển Esports hiện nay chắc chắn vẫn là Trung Quốc, họ là một nước cực kỳ đông dân, số lượng người quan tâm đến Esports là lớn nhất thế giới.
Tại Việt Nam, Esports vẫn đang là một ngành công nghiệp hoàn toàn mới, tuy nhiên số lượng người tham gia Esports là cực kỳ lớn. Nhiều game thủ đã và đang trở thành những người tiên phong cho nền Esports tại Việt Nam. Chúng ta có thể kể đến người có thể nói là thành công bậc nhất trong ngành công nghiệp Esports, đó là Lê Quang Duy hay còn được mọi người biết đến với nickname SofM, anh chàng “Duy béo” sinh năm 1998, đến từ Cầu Giấy, Hà Nội đang chính là hình mẫu lý tưởng của các game thủ tham gia vào nền công nghiệp Esports này. SofM đang là người có những thành tích nổi bật bậc nhất tại Việt Nam, anh ta thi đấu cho đội tuyển Suning của Trung Quốc nhận mức lương theo đồn đoán lên tới 20 triệu nhân dân tệ một năm, xấp xỉ 70 tỷ vnđ/năm.
Ngoài Lê Quang Duy chúng ta có thể kể đến Đỗ Duy Khánh - Levi, tuyển thủ sinh năm 1997, quê quán tại Bắc Ninh đang thi đấu cho đội tuyển GAM Esports tại giải đấu Liên minh huyền thoại Việt Nam. Có nhiều đồn đoán rằng Levi đang là tuyển thủ có mức lương cao nhất tại giải đấu này ước tính vào khoảng 9 con số theo tiền Việt Nam.
Có thể nói các vận động viên Esports đang ngày càng được tôn trọng, họ không còn bị coi là những “con nghiện” game. Minh chứng là việc các tổ chức thể thao điện tử mọc lên ngày càng nhiều, họ tổ chức, đào tạo, ăn tập một cách bài bản, khoa học. Trước đây các game thủ phải tự đến tiệm net để luyện tập thì giờ đây họ đã có nơi luyện tập riêng của từng đội tuyển, nuôi ăn, bao ở như 1 vận động viên bóng đá chuyên nghiệp. Các game thủ đang cho thấy giá trị của bản thân bằng việc chơi game và mang lại lợi nhuận khủng từ việc này.
Viruss - Đặng Tiến Hoàng, một streamer (Người phát sóng trực tiếp khi chơi trò chơi điện tử) nổi tiếng của Việt Nam, anh ta từng là một game thủ chuyên nghiệp của bộ môn Liên minh huyền thoại một bộ môn cực "nổi" trong Esports, anh ta hiện đang có lượng người theo dõi cực khủng trên các nền tảng mạng xã hội. Hiện tại công việc chính của Viruss vẫn đang là chơi game cho các viewer (người theo dõi phát trực tiếp) của anh ta và anh chàng này cũng tham gia rất nhiều các game show trên sóng truyền hình như: Giọng ải giọng ai, Nhanh như chớp, Kỳ tài thách đấu,...Thậm chí Viruss còn là một nhạc sĩ với khá nhiều bản hit như: Yêu được không - Đức Phúc, Thằng điên - Justatee x Phương Ly, Em là lý do anh say - Bray,...