Các bộ trưởng năng lượng của EU cuối cùng đã vượt qua chia rẽ và đạt được thỏa thuận về việc thiết lập mức giá trần đối với khí đốt tự nhiên trong khối, bất chấp những lo ngại của một số thành viên về tác động của chính sách đối với khả năng thu hút nguồn cung khí đốt của châu Âu trên các thị trường toàn cầu cạnh tranh về giá.
Sau nhiều tháng đàm phán, mức trần giá đã được phê duyệt hôm 19/12. Đức và các quốc gia khác do dự trong việc đồng ý về mức trần đã tìm kiếm thêm các biện pháp bảo vệ để đảm bảo nó có thể bị đình chỉ nếu nó dẫn đến hậu quả tiêu cực.
Cơ chế kích hoạt giá trần
Châu Âu đã trải qua một cuộc khủng hoảng năng lượng phần lớn do nguồn cung khí đốt từ Nga suy giảm theo sau chiến dịch quân sự của Moscow ở Ukraine. Mức trần là nỗ lực mới nhất của khối 27 quốc gia EU nhằm kiềm chế đà tăng của giá khí đốt khiến người dân chật vật chi trả hóa đơn năng lượng và lạm phát lên mức cao kỷ lục trong năm nay.
Các quan chức EU và một tài liệu mà hãng tin Reuters được tiếp cận tiết lộ rằng, các Bộ trưởng EU đã đồng ý kích hoạt mức trần nếu giá khí đốt vượt quá 180 Euro (191 USD)/MWh trong 3 ngày đối với hợp đồng gần đến ngày đáo hạn tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility (TTF) ở Hà Lan - được coi là giá chuẩn của châu Âu.
Mức giới hạn giá có thể được kích hoạt bắt đầu từ ngày 15/2/2023. Sau khi được kích hoạt, trần giá sẽ ngăn các giao dịch đối với hợp đồng gần đến ngày đáo hạn tại TTF với mức giá cao hơn 35 Euro (37 USD)/MWh trên mức tham chiếu dựa trên đánh giá về giá khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) hiện có, 2 quan chức EU cho biết.
Hôm 19/12, giá khí đốt tiêu chuẩn TTF là khoảng 110 Euro/MWh. Hồi tháng 8, nó đã từng đạt mức đỉnh với hơn 340 Euro/MWh.
Mức giá trần chủ yếu ảnh hưởng đến các khách hàng lớn giao dịch tại TTF chứ không phải người tiêu dùng cuối, như trường hợp trần giá khí đốt của chính phủ Đức. Tuy nhiên, giá tiêu dùng sẽ bị ảnh hưởng gián tiếp bởi giá bán buôn khí đốt.
Các chuyên gia tin rằng có thể giá khí đốt sẽ có thể tăng trở lại lên mức hơn 200 Euro/MWh sau một mùa đông khắc nghiệt, khi các quốc gia thành viên EU phải lấp đầy các cơ sở lưu trữ khí đốt của họ vào mùa xuân.
Sau thông báo về thỏa thuận, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho rằng quyết định này là một “cuộc tấn công” vào giá cả thị trường và không thể chấp nhận được, hãng thông tấn Interfax của Nga đưa tin.
“Đây là hành vi vi phạm quy định giá thị trường, vi phạm quy trình thị trường, bất kỳ tham chiếu nào đến giới hạn giá đều không thể chấp nhận được”, ông Peskov cho biết.
Vấn đề an ninh năng lượng
Các quốc gia EU đã cùng nhau vượt qua 9 vòng trừng phạt chống Nga liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine và các biện pháp tiết kiệm năng lượng để tránh tình trạng thiếu nhiên liệu dùng để phát điện, sưởi ấm nhà cửa và vận hành các nhà máy điện.
Nhưng phải đến ngày 19/12 họ mới có thể “chốt” được một thỏa thuận về việc thiết lập mức giá trần phức tạp cho khí đốt.
Ba quan chức EU cho biết, Đức đã bỏ phiếu ủng hộ thỏa thuận, mặc dù có lo ngại về ảnh hưởng của chính sách này đối với khả năng thu hút nguồn cung khí đốt tới châu Âu trên các thị trường toàn cầu cạnh tranh về giá.
Hà Lan và Áo bỏ phiếu trắng, các quan chức cho biết thêm. Hai quốc gia này đã phản đối biện pháp giới hạn giá khí đốt trong các cuộc đàm phán trước đây do lo sợ rằng nó có thể phá vỡ thị trường năng lượng châu Âu và từ đó làm tổn hại đến an ninh năng lượng của chính châu lục này.
Khoảng 15 quốc gia, bao gồm Bỉ, Hy Lạp và Ba Lan, đã yêu cầu mức trần dưới 200 Euro (212 USD)/MWh - thấp hơn nhiều so với giới hạn 275 Euro (292 USD)/MWh ban đầu do Ủy ban châu Âu đề xuất vào tháng trước.
“Thực tế là việc các quốc gia không chắc chắn về biện pháp này, đặc biệt là người Đức, đã bỏ phiếu ủng hộ nó, cho thấy các nhà lãnh đạo EU muốn có một thỏa thuận đến mức nào”, phóng viên Dominic Kane của Al Jazeera đưa tin từ Berlin.
Bộ trưởng Năng lượng Bỉ Tinne Van der Straeten cho biết hôm 19/12: “Đây là về tương lai năng lượng của chúng ta. Đó là về an ninh năng lượng. Đó là về cách chúng ta có giá cả năng lượng phải chăng, và tránh phi công nghiệp hóa”.
Minh Đức (Theo Al Jazeera, DW)