Căng thẳng leo thang giữa Nga và Ukraina đã làm dấy lên những lo ngại về sự gián đoạn dòng khí đốt của Nga đến châu Âu. Điều này khiến EU phải xem xét các kế hoạch dự phòng nhằm ứng phó với các cú sốc nguồn cung, tìm kiếm các nguồn cung thay thế.
Bà Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, cho biết EU có thể đối phó được với sự gián đoạn một phần nguồn cung nhập khẩu khí đốt từ Nga. Bà Von der Leyen chia sẻ với các phóng viên hôm thứ Ba (15/2) rằng: “Các mô hình hiện cho thấy nếu Tập đoàn Gazprom của Nga bị gián đoạn một phần hoặc sụt giảm hơn nữa trong việc cung cấp khí đốt, chúng tôi vẫn đang ở phía an toàn hơn”.
Hiện châu Âu đang nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga. Giá khí đốt châu Âu đã tăng vọt vào năm ngoái do nguồn cung thắt chặt, nhu cầu cao khi các nền kinh tế hồi phục từ đại dịch Covid-19 và lượng nhập khẩu từ Nga thấp hơn dự kiến.
Bà Ursula von der Leyen cho biết EU đã bàn luận với Mỹ, Qatar, Ai Cập, Azerbaijan, Nigeria và Hàn Quốc về việc tăng cường cung cấp khí đốt và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG), thông qua các chuyến hàng bổ sung hoặc hoán đổi hợp đồng. Bà nói: “Chúng tôi cũng đã bàn luận với các nhà cung cấp LNG để xem liệu chúng tôi có thể hoán đổi hợp đồng theo hướng có lợi cho EU hay không”. Bà cho biết thêm rằng Nhật Bản sẵn sàng làm điều này.
Nhật Bản tuần trước cho biết họ sẽ chuyển một số hàng LNG sang châu Âu để đáp ứng nhu cầu của EU và Mỹ. Nhập khẩu LNG của châu Âu đã đạt mức cao kỷ lục khoảng 11 tỷ mét khối trong tháng 1 vừa qua.
Tác động tiềm ẩn trong ngắn hạn của việc gián đoạn nguồn cung khí đốt từ Nga đã dịu bớt khi châu Âu bước sang mùa xuân. Khi đó, nhu cầu về hệ thống sưởi bằng nhiên liệu thường giảm.
Bà Von der Leyen cho biết sự phát triển cơ sở hạ tầng vào những năm gần đây đã giúp châu Âu trang bị tốt hơn trong việc phân phối khí đốt và năng lượng giữa các quốc gia. Tuy nhiên, châu Âu vẫn cần các biện pháp bổ sung nếu Nga ngừng cung cấp khí đốt.
Quy định của EU yêu cầu các quốc gia phải có kế hoạch ứng phó với tình trạng khan hiếm nguồn cung cấp khí đốt, bao gồm các biện pháp can thiệp của chính phủ như giảm hoạt động của cơ sở công nghiệp để ưu tiên cung cấp khí đốt cho hộ gia đình.
Các thành viên EU có chính sách năng lượng riêng và mức độ phụ thuộc vào khí đốt là khác nhau. Ví dụ, nguồn điện chính tại Đan Mạch là gió, trong khi sản xuất điện tại Hungary chủ yếu từ hạt nhân và khí đốt.
Bà Von der Leyen cho biết việc Nga tập trung quân đội gần biên giới Ukraine đã cho thấy châu Âu cần giảm sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt từ Nga. Điều này sẽ thúc đẩy chuyển dịch sang năng lượng tái tạo theo kế hoạch.
Phạm Hà Thanh (theo Japan Times, Reuters)