Các cường quốc phương Tây vẫn đang tìm mọi cách có thể để ngăn Moscow vô hiệu hóa biện pháp giới hạn giá mà liên minh do G7 và Liên minh châu Âu (EU) dẫn đầu đã áp đặt lên dầu Nga từ 11 tháng trước.
Theo một kế hoạch mới của EU, Đan Mạch sẽ được giao nhiệm vụ kiểm tra và nếu cần thì ngăn chặn các tàu chở dầu của Nga đi qua vùng biển nước này, tờ Financial Times đưa tin hôm 15/11.
Theo nguồn tin của tờ báo Anh về các cuộc đàm phán ở Brussels, Đan Mạch sẽ nhắm mục tiêu vào các tàu chở dầu đi qua Eo biển Đan Mạch mà không có bảo hiểm của phương Tây, trong khuôn khổ những luật cho phép các quốc gia kiểm tra các tàu mà họ lo ngại sẽ gây ra các mối đe dọa môi trường.
Tất cả dầu của Nga được vận chuyển qua Biển Baltic – tương đương khoảng 60% tổng lượng dầu xuất khẩu bằng đường biển của gã khổng lồ Á-Âu – đều đi qua eo biển hẹp của Đan Mạch trên đường đến thị trường quốc tế.
Đề xuất này được đưa ra khi các quan chức phương Tây thừa nhận rằng hầu như không có thùng dầu thô xuất khẩu nào của Nga được bán dưới mức trần 60 USD/thùng vào tháng trước.
Cách đây 11 tháng, vào ngày 5/12 năm ngoái, biện pháp giới hạn giá đối với dầu vận chuyển bằng đường biển của Nga có hiệu lực. Trần giá được thiết kế nhằm hạn chế khả năng thu lợi của Điện Kremlin từ mặt hàng xuất khẩu có giá trị nhất của họ mà không hạn chế nguồn cung dầu thô sang các nước ngoài phương Tây, do lo ngại rằng lệnh cấm vận hoàn toàn sẽ tạo ra những vấn đề lớn cho thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Nhưng giá dầu toàn cầu tăng trong năm nay đã khiến biện pháp này bị vô hiệu hóa. Ngoài ra, ngày càng nhiều tàu chở dầu thô của Nga bị nghi ngờ ra khơi với báo cáo tài chính giả mạo hoặc bảo hiểm không phải của phương Tây.
EU lo ngại rằng các chính sách bảo hiểm ngoài phương Tây có thể không hiệu quả trong trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu.
Khối lượng dầu Nga đi qua Eo biển Đan Mạch mỗi ngày tương đương với khoảng 2 triệu thùng dầu thô, hay 3 tàu Aframax – một loại tàu thông thường được sử dụng để xuất khẩu của Nga.
“Điều quan trọng là thực thi các quy định về bảo hiểm”, nguồn tin của Financial Times cho biết. “Việc này hiện đang được thực hiện rất chắp vá… các quốc gia ven biển có quyền xem bằng chứng”.
Các quan chức nói với Financial Times rằng việc yêu cầu bảo hiểm thích hợp từ các công ty có uy tín là hợp lý vì nhiều mẻ dầu của Nga đang được vận chuyển bằng “hạm đội bóng tối”, bao gồm các tàu cũ kỹ, có nguy cơ hỏng hóc hoặc tràn dầu cao hơn, gây ra thảm họa môi trường lớn.
Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, điều chỉnh giao thông hàng hải, bao gồm các điều khoản cho phép các quốc gia “tiến hành các thủ tục tố tụng, bao gồm cả việc bắt giữ một con tàu” khi đưa ra “bằng chứng khách quan rõ ràng” rằng con tàu đó gây ra mối đe dọa lớn cho vùng ven biển.
Nhưng các quan chức thông báo về kế hoạch mới này cũng nói rằng nó phụ thuộc vào khả năng của Hải quân Đan Mạch trong việc ngăn chặn và kiểm tra các tàu chở dầu, đồng thời đặt ra câu hỏi Copenhagen sẽ làm gì nếu một con tàu từ chối dừng lại.
“Các cuộc thảo luận dường như tập trung vào việc khiến chuyện làm ăn của Nga và những khách hàng mua dầu của nước này trở nên phức tạp hơn”, ông Henning Gloystein, chuyên gia tại Eurasia Group, cho biết. “Nếu các vị có thể làm cho rủi ro liên quan đến giao dịch dầu Nga trở nên nặng nề hơn thì có khả năng khách hàng sẽ lại bắt đầu yêu cầu giảm giá lớn hơn để bù đắp cho những rắc rối họ gặp phải”.
“Nói tóm lại, chúng tôi không kiểm tra giấy tờ hoặc các tàu đi qua eo biển, trừ khi việc đó liên quan đến an toàn trên biển”, một phát ngôn viên của Bộ Tư lệnh Phòng thủ Đan Mạch nói với Financial Times. Chính phủ Đan Mạch từ chối bình luận.
Ủy ban châu Âu (EC) từ chối bình luận về các biện pháp được đề xuất, nhưng lưu ý rằng Chủ tịch EC Ursula von der Leyen đã cam kết áp dụng thêm “các hành động để thắt chặt giới hạn giá dầu”.
Các biện pháp khác đang được EU cân nhắc như một phần của gói trừng phạt mới sẽ được các nước thành viên thảo luận chính thức trong tuần này. Chúng bao gồm việc nhắm mục tiêu vào các công ty vận tải biển bán tàu cũ của họ cho “hạm đội bóng tối” của Nga và các quốc gia cho phép các tàu này treo cờ của họ.
Minh Đức (Theo Financial Times, Reuters)