Các quan chức thuộc Ủy ban châu Âu cho biết, lời đề nghị của EU được đưa ra chỉ vài ngày trước cuộc họp bộ trưởng Y tế của các quốc gia thành viên trong khối, diễn ra vào ngày 3/1.
Theo Financial Times, sáng kiến hỗ trợ vắc-xin miễn phí là một phần trong nỗ lực của Ủy viên châu Âu phụ trách vấn đề y tế Stella Kyriakides nhằm đưa ra cách thức ứng phó của châu Âu trước nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm sau khi Bắc Kinh từ bỏ chính sách "zero Covid".
Ủy viên Kyriakides cũng đã liên lạc với phía Trung Quốc để bày tỏ sự ủng hộ và tinh thần đoàn kết, trong đó bao gồm chuyên môn về sức khỏe cộng đồng và thông qua chương trình tài trợ vắc-xin của EU.
"Ủy viên Kyriakides đã liên hệ với người đồng cấp Trung Quốc nhằm bày tỏ sự cảm thông và đề nghị trợ giúp quốc gia này thông qua nhiều biện pháp khác nhau, như gửi chuyên gia về y tế cũng như cung cấp vắc-xin có khả năng chống lại nhiều biến thể Covid-19", một quan chức thuộc Ủy ban châu Âu cho biết.
Cũng theo vị quan chức này, Bắc Kinh chưa đưa ra phản ứng với đề nghị của bà Kyriakides.
Trước đó, hôm 21/12/2022, một người phát ngôn của Chính phủ Đức cho hay, nước này đã gửi lô vắc-xin phòng Covid-19 của BioNTech tới Trung Quốc. Tuy nhiên, phía Đức không nêu rõ thời gian vận chuyển và số lượng vắc-xin.
Kể từ khi Covid-19 bùng phát, Trung Quốc chủ yếu dựa vào các loại vắc-xin Sinovac và Sinopharm được sản xuất trong nước thay vì các loại vắc-xin do các quốc gia phương Tây nghiên cứu phát triển, dựa trên công nghệ mRNA.
Những người sử dụng vắc-xin do Trung Quốc sản xuất cần tiêm 3 liều để tránh gặp phải những triệu chứng nặng của Covid-19. Theo dữ liệu của WHO, 40% những người trên 80 tuổi tại Trung Quốc được tiêm 3 liều vắc-xin phòng Covid-19.
"Với nhiều đối tượng dễ bị tổn thương, công tác tiêm phòng (của Trung Quốc) cần được ưu tiên hàng đầu ở thời điểm này", bác sĩ Mike Ryan, người đứng đầu bộ phận y tế khẩn cấp của WHO, cho biết.
M.H (t/h theo Vietnam+, Zing, Dân Trí)