Các quốc gia thành viên EU có thể bị cấm không được hạn chế dòng chảy của các sản phẩm và dịch vụ quan trọng nhằm bảo vệ chuỗi cung ứng trong thời gian khủng hoảng, ví dụ như cuộc chiến ở Ukraine hay đại dịch Covid-19, theo một công cụ khẩn cấp mới do Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất.
Công cụ này sẽ trao cho các cơ quan điều hành EU những quyền mới, bao gồm yêu cầu dự trữ hàng hóa quan trọng và yêu cầu các công ty ưu tiên một số đơn đặt hàng.
Công cụ mới, với tên gọi Công cụ Khẩn cấp Thị trường Đơn nhất (SMEI), nhằm đảm bảo rằng hàng hóa thiết yếu có thể lưu thông trong nội khối EU trong trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như đại dịch gần đây đã làm gián đoạn một số chuỗi cung ứng, EC cho biết hôm 19/9.
Brussels muốn tránh lặp lại tình trạng các quyết định đơn phương và hỗn loạn được thực hiện trong những tháng đầu tiên của đại dịch Covid-19, khi chính phủ các nước thành viên tranh giành khẩu trang, găng tay và máy thở để bảo vệ công dân của họ khỏi vi-rút SARS-CoV-2.
Chỉ trong vài tuần sau khi đại dịch bùng phát, thị trường nội bộ của EU, vốn dựa trên sự di chuyển tự do của con người và hàng hóa, đã bị phá vỡ và làm rối loạn bởi các cuộc kiểm tra thương mại và đóng cửa biên giới diễn ra nhanh chóng và tùy biến.
“Cuộc khủng hoảng Covid-19 cho thấy thị trường đơn nhất của chúng ta không hoàn hảo. Nó mạnh nhưng không phải là không thể phá vỡ”, bà Margrethe Vestager, Phó Chủ tịch Điều hành EC, cho biết khi công bố đề xuất.
“Việc thiếu phối hợp và minh bạch đã phá hủy nguồn cung của chúng ta và làm gia tăng sự thiếu hụt”, bà cho biết, đồng thời nhấn mạnh rằng công cụ mới “sẽ mang đến cho chúng ta một cách thức toàn diện, minh bạch và nhanh chóng để đối phó với các cuộc khủng hoảng trong tương lai”.
SMEI được đề xuất nhằm đạt được sự cân bằng giữa nhu cầu giữ cho thị trường đơn nhất hoạt động liên tục trong khi giải quyết các mối đe dọa và khủng hoảng tập thể.
Mục tiêu chung là thay thế việc ra quyết định đột xuất bằng sự phối hợp và lập kế hoạch tốt hơn để giảm thiểu sự gián đoạn cho cả người dân và các doanh nghiệp.
Công cụ này gồm 3 chế độ hoạt động khác nhau: Chế độ dự phòng, Chế độ cảnh giác và Chế độ khẩn cấp.
Khi Chế độ khẩn cấp được kích hoạt, EC có thể thay mặt tất cả 27 quốc gia mua hàng hóa - như trường hợp với vắc-xin Covid-19. Cơ quan này cũng sẽ giám sát việc phân phối các nguồn dự trữ chiến lược và đề xuất việc tái định vị các dây chuyền sản xuất nhất định.
“Đây không phải là một nền kinh tế kế hoạch hóa”, ông Thierry Breton, Ủy viên Thị trường Nội bộ EU, phát biểu bên cạnh bà Vestager hôm 19/9. “Công cụ này không phải để đóng các chuỗi cung ứng mà là để giữ cho chúng mở”.
“Cách tốt nhất để quản lý một cuộc khủng hoảng là dự đoán nó, giảm tác động của nó hoặc ngăn nó xảy ra”, ông Breton nói, và cho biết thêm rằng các quy tắc mới sẽ cho phép Brussels yêu cầu các công ty cung cấp thông tin về năng lực sản xuất và hàng tồn kho của họ.
Đề xuất vẫn cần được Nghị viện châu Âu và các quốc gia thành viên thương lượng và sửa đổi. Do đó, nó khó có thể trở thành luật trong vài tháng, nhưng có thể được đưa ra trước khi Ủy ban hiện tại kết thúc nhiệm kỳ của mình vào năm 2024.
Minh Đức (Theo Euronews, Politico.eu)