EU đóng băng gần 14 tỷ USD tài sản của Nga, "rót" 1 tỷ USD cho Kiev

EU đóng băng gần 14 tỷ USD tài sản của Nga, "rót" 1 tỷ USD cho Kiev

Hà Thị Linh

Hà Thị Linh

Thứ 4, 13/07/2022 10:49

Cao ủy Tư pháp của Liên minh châu Âu (EU), ông Didier Reynders, ngày 12/7 cho biết, EU đã đóng băng 13,8 tỷ USD tài sản của Nga kể từ khi chiến sự Ukraine nổ ra.

EU hỗ trợ thêm 1 tỷ USD cho Ukraine

Ngày 12/7, Bộ trưởng Tài chính các nước Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch giải ngân 1 tỷ USD Hỗ trợ tài chính vĩ mô (MFA) cho Ukraine, coi đây là một vấn đề cấp bách. Đây là một phần trong gói cứu trợ 9 tỷ Euro cho Kiev mà các nhà lãnh đạo EU đã nhất trí tại hội nghị thượng đỉnh tháng Năm vừa qua.

Như vậy, cùng với MFA khẩn cấp trị giá 1,2 tỷ Euro được giải ngân vào đầu năm nay, tổng hỗ trợ tài chính vĩ mô từ EU cho Ukraine kể từ khi bắt đầu nổ ra cuộc xung đột với Nga hiện đạt 2,2 tỷ Euro và dự kiến sẽ còn tăng thêm trong những tháng tới. Hỗ trợ tài chính này bổ sung cho các hỗ trợ khác của EU dành cho Ukraine trong các lĩnh vực nhân đạo, phát triển, hải quan và quốc phòng.

Phát biểu sau quyết định trên, Bộ trưởng Tài chính Séc Zbynek Stanjura nói: "Việc tiếp tục hỗ trợ vật chất và tài chính không phải là một lựa chọn mà là nhiệm vụ của chúng tôi. Do đó, tôi rất vui mừng vì chúng tôi đã nhanh chóng quyết định cung cấp 1 tỷ Euro hỗ trợ tài chính vĩ mô. Điều này sẽ cung cấp cho Ukraine các khoản tiền cần thiết để trang trải các nhu cầu cấp thiết và đảm bảo hoạt động của các cơ sở hạ tầng quan trọng".

Toàn cảnh - EU đóng băng gần 14 tỷ USD tài sản của Nga, 'rót' 1 tỷ USD cho Kiev

Chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang có tác động tiêu cực kinh tế và cuộc sống của người dân Ukraine. (Ảnh minh họa: AP).

MFA được thông qua lần này nhằm mục đích giải quyết các nhu cầu cấp vốn trước mắt và cấp bách nhất của Ukraine, đồng thời đảm bảo cho chính quyền Ukraine có thể tiếp tục thực hiện các chức năng quan trọng nhất của mình. Đây là hình thức cho vay dài hạn có ưu đãi cao. Thông báo của Hội đồng châu Âu nêu rõ, MFA mới này là một phần trong nỗ lực quốc tế đặc biệt của các nhà tài trợ song phương và các tổ chức tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ Ukraine tại thời điểm quan trọng này.

Việc giải ngân sẽ diễn ra sau khi EU thỏa thuận được biên bản ghi nhớ với các nhà chức trách Ukraine. Một số quan chức EU tiết lộ, phần còn lại của gói giải cứu chưa được phê duyệt, khi một số quốc gia thành viên vẫn tranh cãi về việc liệu một quốc gia xung đột có thể đảm bảo được các khoản vay dài hạn hay không. Từ năm 2014 - 2021, EU đã hỗ trợ Ukraine thông qua 5 hoạt động hỗ trợ tài chính vĩ mô (MFA) liên tiếp với tổng số khoản vay là 5 tỷ Euro.

Cùng ngày, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo sẽ chuyển thêm 1,7 tỷ USD viện trợ kinh tế cho Ukraine. Giống với EU, khoản viện trợ của Mỹ cũng nằm trong một gói cứu trợ trị giá 7,3 tỷ USD. "Khoản hỗ trợ này sẽ giúp chính phủ Ukraine cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân", Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết.

Hiện, chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine đang có tác động tiêu cực đến sự ổn định kinh tế và tài chính vốn đã bấp bênh của Ukraine. Do ảnh hưởng của chiến dịch quân sự đặc biệt hiện nay, Ukraine cho biết, ngân sách nước này thiếu hụt khoảng 5 tỷ USD mỗi tháng và việc vận hành các dịch vụ công đều dựa vào nguồn cứu trợ khẩn cấp của nước ngoài.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 và nhiều nước khác cam kết viện trợ 29,6 tỷ USD cho Kiev. Trong tuyên bố mới nhất ngày 12/7, Ukraine thông báo đã nhận khoản viện trợ quốc tế 1,7 tỷ USD

EU “đóng băng” khối tài sản trị giá 13,8 tỷ USD của Nga

Trong cuộc họp không chính thức ngày 12/7 tại Prague (Cộng hòa Séc), Ủy viên Tư pháp Liên minh châu Âu Didier Reynders cho biết, EU đã đóng băng số tài sản có tổng giá trị 13,8 tỷ USD của Nga, kể từ khi Moscow bắt đầu "hoạt động đặc biệt" tại Ukraine.

"Gần 14 tỷ USD là con số khá lớn, phần lớn chúng thuộc về các nhà tài phiệt và thực thể khác của Nga. Có khoảng 12 tỷ USD trong số này được đóng băng tại 5 quốc gia EU. Tôi hy vọng, những thành viên còn lại trong liên minh cũng sẽ tăng cường những nỗ lực trừng phạt kinh tế", ông Reynders thông tin. Ủy viên Tư pháp Liên minh châu Âu từ chối nêu tên 5 quốc gia, nhưng nói thêm rằng, ông mong muốn các nước khác trong khối 27 thành viên sẽ sớm tăng cường các nỗ lực của họ.

Kể từ tháng 2, Mỹ và các đồng minh đã áp đặt loạt lệnh trừng phạt kinh tế với Moscow, như việc loại một số ngân hàng Nga khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, ngăn nước này tiếp cận các công nghệ tiên tiến và đưa nhiều tài phiệt, quan chức Nga vào danh sách cấm vận.

Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner thông báo, vào giữa tháng Sáu, nước này đã "đóng băng" khối tài sản trị giá 4,48 tỷ Euro của Nga. Trong khi đó, cuối tháng Sáu, một lực lượng đặc nhiệm trừng phạt quốc tế cho biết, các thành viên của họ, bao gồm một số nước EU, đã phong tỏa khối tài sản trị giá 30 tỷ USD của các nhà tài phiệt và quan chức Nga.

Lực lượng đặc nhiệm đa phương REPO thông tin, các thành viên của tổ chức này, bao gồm Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, Nhật Bản và các đồng minh khác đã phong tỏa khối tài sản trị giá 300 tỷ USD thuộc sở hữu của Ngân hàng Trung ương Nga.

Đến nay, EU đã thông qua 6 vòng trừng phạt đối với Nga, trong đó có lệnh cấm đối với phần lớn dầu nhập khẩu từ Nga đã được thông qua vào đầu tháng Sáu. Thống kê cho thấy, có tổng cộng 98 doanh nghiệp Nga và 1.158 cá nhân Nga đã chứng kiến tài sản của họ bị "đóng băng" và bị cấm nhập cảnh vào EU.

Toàn cảnh - EU đóng băng gần 14 tỷ USD tài sản của Nga, 'rót' 1 tỷ USD cho Kiev (Hình 2).

EU đã đóng băng số tài sản có tổng giá trị 13,8 tỷ USD của Nga, kể từ khi Moscow bắt đầu "hoạt động đặc biệt" tại Ukraine. (Ảnh minh họa: Tomasz Makowski/Shutterstock)

Tổng thống Zelensky ca ngợi vũ khí phương Tây hỗ trợ

Cũng trong ngày 12/7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng ca ngợi sự hiểu quả của các hệ thống tên lửa hiện đại phương Tây, sau khi thành công tiêu diệt một kho đạn dược của Nga. "Phe chiếm đóng đã cảm nhận được sức mạnh của hệ thống tên lửa hiện đại. Họ sẽ không có một khu vực hậu cần nào nằm ngoài tầm bắn của Ukraine nữa", ông Zelensky cho biết. Nhà lãnh đạo Ukraine nói thêm rằng lính Nga "thực sự sợ lực lượng vũ trang của chúng tôi".

Nhận xét của Tổng thống Ukraine được đưa ra sau khi lực lượng vũ trang nước này thành công tiêu diệt một kho đạn ở Nova Kakhovka, cách Kherson gần 60km. Các video được đăng tải trên mạng xã hội cho thấy, kho đạn đã bốc cháy dữ dội sau những tiếng nổ lớn. Một quan chức Ukraine cho biết, cuộc tấn công nhắm vào kho đạn ở gần Kherson sử dụng hệ thống tên lửa HIMARS do Mỹ tài trợ. Cùng với hệ thống này và các loại vũ khí khác do phương Tây sản xuất, Ukraine đã thành công đánh trúng nhiều mục tiêu bên trong phần lãnh thổ mà Nga đang nắm quyền kiểm soát.

Trong một diễn biến liên quan, theo thông tin trên báo Financial Times, một số nước thành viên NATO, trong đó có Mỹ và EU đang thảo luận thiết lập một cơ chế theo dõi vũ khí trước những lo ngại rằng, các khí tài quân sự viện trợ cho Ukraine sẽ bị tuồn ra “chợ đen”. “Tất cả số vũ khí tập kết tại miền Nam Ba Lan, được chuyển tới biên giới rồi chia nhỏ sang các phương tiện như xe tải, xe thùng, kể cả xe riêng, để chuyển vào Ukraine. Và từ đó trở đi, chúng tôi mất dấu vị trí và đích đến của các vũ khí này”, Financial Times dẫn lời một quan chức phương Tây cho hay.

Cùng ngày, Tổng thư ký Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EEAS) Stefano Sannino nói rằng, EU đang xem xét phân bổ một khoản viện trợ quân sự bổ sung trị giá 500 triệu Euro (khoảng 500 triệu USD) cho Ukraine thông qua một quỹ đặc biệt. Quỹ này trước đó đã giúp giải ngân khoản viện trợ 2 tỷ Euro để trang bị vũ khí cho Kiev.

Từ khi Nga bắt đầu chiến dịch đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2, phương Tây đã chuyển giao hoặc cam kết viện trợ cho Kiev trên 10 tỷ USD giá trị vũ khí cũng như phương tiện quân sự, bao gồm tên lửa vác vai và xe bọc thép cho đến các loại súng trường và đạn dược.

Toàn cảnh - EU đóng băng gần 14 tỷ USD tài sản của Nga, 'rót' 1 tỷ USD cho Kiev (Hình 3).

Pháo phản lực HIMARS. (Ảnh: Getty Images).

Nga xác nhận vòng đàm phán mới về "hành lang ngũ cốc" của Ukraine

Theo thông tin từ Bộ Ngoại giao Nga, vòng đàm phán mới Nga, Ukraine, Thổ Nhĩ Kỳ và Liên Hợp Quốc về tháo gỡ xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine sẽ diễn ra tại Thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào hôm nay (13/7).

Nga và Ukraine là những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu thế giới. Cuộc xung đột tại Ukraine và các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga đang làm gián đoạn nguồn cung ngũ cốc, gia tăng nguy cơ xảy ra cuộc khủng hoảng lương thực ở nhiều nước trên thế giới. Liên Hợp Quốc đã kêu gọi Ukraine và Nga cùng Thổ Nhĩ Kỳ thảo luận về việc thiết lập một hành lang trên biển giúp nối lại hoạt động xuất khẩu ngũ cốc an toàn.

Ngày 8/7 vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố, nước này sẵn sàng đàm phán với Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề ngũ cốc tồn đọng của Kiev. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh "về vấn đề ngũ cốc của Ukraine, Kiev phải gỡ mìn quanh các cảng của nước này hoặc đảm bảo hành lang an toàn qua những khu vực có mìn và Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng đảm bảo an toàn cho các tàu."

Trước đó, ngày 21/6, tại Moscow diễn ra các cuộc đàm phán giữa phái đoàn quân sự Nga và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề xuất khẩu ngũ cốc Ukraine. Quan chức Bộ Ngoại giao và Quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá đàm phán tích cực, mang tính xây dựng và hai bên nhất trí tiếp tục thảo luận về một hành lang an toàn trên Biển Đen để phục vụ xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine.

TÚ ANH (T/h)

 

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến nội dung trên. Hãy tặng sao để tiếp thêm động lực cho tác giả có những bài viết hay hơn nữa.
Đã tặng: 0 star
Tặng sao cho tác giả
Hữu ích
5 star
Hấp dẫn
10 star
Đặc sắc
15 star
Tuyệt vời
20 star

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bình luận không đăng nhập

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.