Ủy ban châu Âu (EC) đang dự tính áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) của Nga, trang Politico đưa tin hôm 26/4, dẫn lời 2 nhà ngoại giao EU.
Theo Politico, hành động này sẽ là lần đầu tiên cơ quan điều hành khối 27 quốc gia “dám” tấn công lĩnh vực khí đốt Nga. EC hiện đang chuẩn bị gói trừng phạt thứ 14 chống lại Moscow, hơn 2 năm kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.
Theo các nhà ngoại giao, gói biện pháp mới có thể liên quan đến những hạn chế đối với 3 dự án LNG của Nga, cũng như việc tái xuất LNG của Nga từ các cảng của EU.
Cho đến nay, Brussels đã áp đặt lệnh cấm toàn diện đối với việc xuất khẩu than và dầu thô bằng đường biển của Nga sang EU, nhưng không thể tìm được sự đồng thuận về các hạn chế khí đốt trong bối cảnh có sự phản đối từ các nước như Hungary, quốc gia vẫn phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu loại nhiên liệu này từ Moscow.
Kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu hơn 2 năm trước, cho đến nay EU đã giảm khoảng 2/3 sự phụ thuộc vào Nga về nhập khẩu khí đốt và đảm bảo hàng thay thế từ các nhà cung cấp khác, nổi bật là Na Uy và Mỹ.
Trong khi LNG của Nga chỉ chiếm 5% mức tiêu thụ năng lượng của EU vào năm ngoái, khối này vẫn trả cho Điện Kremlin khoảng 8 tỷ Euro tiền hàng, chủ yếu đến các cảng ở Pháp, Tây Ban Nha và Bỉ.
Đáng chú ý, các đề xuất mới sẽ không cấm các quốc gia thành viên mua LNG của Nga để sử dụng, mà thay vào đó sẽ nhắm vào các chuyến hàng quá cảnh các cảng của EU để tới các phần khác của thế giới.
EC cũng tính áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với 3 dự án LNG của Nga là Arctic LNG 2, Ust Luga và Murmansk, vốn vẫn chưa đi vào hoạt động, Reuters cho biết.
Theo Bloomberg, mục tiêu sẽ là tiếp tục tấn công chuỗi cung ứng LNG của Nga và doanh thu trong tương lai tại các dự án kể trên. Mỹ trước đây đã trừng phạt một vài trong số các dự án này.
Số liệu thống kê của EU và tính toán của Reuters cho thấy việc LNG vào khối tăng đã đẩy tỉ trọng của khí đốt Nga trong cơ cấu nguồn cung của EU tăng trở lại khoảng 15% sau khi nhập khẩu khí đốt qua đường ống từ Gazprom giảm xuống còn 8,7% từ mức 37% trước xung đột.
Các nhà phân tích cho biết, các lệnh trừng phạt hiện tại và những khó khăn trong việc đảm bảo tàu chở hàng có nghĩa là Nga khó có thể đạt được mục tiêu mà chính phủ nước này đề ra là cung cấp cho thị trường 100 triệu tấn LNG vào năm 2030. Công suất thực tế vào năm 2030 dự kiến sẽ thiếu tới 60 triệu tấn so với mục tiêu đó, Rystad Energy cho biết.
Các Đại sứ EU dự kiến sẽ thảo luận về các đề xuất trừng phạt mới nhất của EC vào đầu tháng tới.
Minh Đức (Theo Politico, Reuters, Bloomberg)