Gói trừng phạt thứ 15 của EU áp đặt lên Nga, vừa được thông qua, đã lần đầu tiên nhắm vào khả năng vận chuyển hàng hóa từ dự án Yamal LNG ở Bắc Cực bằng cách đưa một tàu phá băng chở LNG vào "danh sách đen".
Tàu chở LNG có khả năng phá băng Christophe de Margerie, một trong 15 tàu Arc7 được chế tạo cho dự án Yamal LNG, đã bị đưa vào gói trừng phạt được thông qua tại Brussels hôm 16/12.
Con tàu, được đặt theo tên cựu CEO của Tập đoàn TotalEnergies (Pháp), vẫn có liên kết với hãng Sovcomflot của Nga mặc dù quyền sở hữu trực tiếp hiện được thực hiện thông qua công ty Zelitiko Shipping có trụ sở tại UAE.
Các vòng trừng phạt trước đây của cả Mỹ và EU nhắm vào lĩnh vực LNG của Nga đều nhằm mục đích ngăn chặn việc mở rộng năng lực sản xuất trong tương lai của các dự án, nhưng vẫn tránh đưa bất kỳ tàu chở LNG nào hoạt động cho dự án Yamal của Novatek vào "danh sách đen". Kể từ cuối năm 2017, dự án đã cung cấp khoảng 100 triệu tấn LNG cho châu Âu.
Động thái trừng phạt tàu phá băng Christophe de Margerie chứng tỏ nỗ lực tiếp tục của EU nhằm dần loại bỏ LNG Nga ra khỏi cơ cấu năng lượng của khối. Các biện pháp bổ sung dự kiến sẽ có trong gói trừng phạt thứ 16, sớm nhất là vào tháng 1/2025.
Tác động của việc tàu Christophe de Margerie bị trừng phạt đối với dự án của Novatek sẽ được cảm nhận rõ rệt nhất từ cuối tháng 3 năm sau khi lệnh cấm vận chuyển LNG Nga mà EU áp đặt trước đó bắt đầu có hiệu lực.
Vào thời điểm đó, các cảng EU, chủ yếu là Zeebrugge của Bỉ và Montoir của Pháp, sẽ không còn được phép hoạt động như là địa điểm cho LNG Nga được chuyển từ tàu phá băng sang tàu chở hàng thông thường, do đó làm tăng khoảng cách di chuyển của đội tàu phá băng hoặc chứng kiến sự gia tăng nhu cầu đối với hoạt động chuyển hàng từ tàu sang tàu (STS).
Tàu Christophe de Margerie vốn đã phải đối mặt với những thách thức về bảo dưỡng khi các nhà cung cấp và xưởng đóng tàu phương Tây là Damen Shiprepair ở Pháp và Fayard A/S ở Đan Mạch, nơi phần lớn đội tàu Arc7 nhận được dịch vụ ụ tàu khô thường xuyên, không còn chào đón con tàu này nữa.
Nhưng những người trong ngành dự kiến con tàu phá băng này sẽ tiếp tục có thể tham gia vào các hoạt động vận chuyển hàng hóa theo hình thức STS vào mùa đông năm nay.
Với việc con tàu hiện đã chính thức bị trừng phạt, có khả năng nó sẽ không còn có thể vận chuyển bất kỳ mẻ LNG nào từ dự án Yamal LNG nữa vì ngay cả những khách hàng bên ngoài EU cũng sẽ ngần ngại khi "sờ" vào hàng hóa do nó vận chuyển vì sợ bị trừng phạt thứ cấp.
Một tình huống tương tự đã phát triển xung quanh "hạm đội bóng tối" chở LNG Nga đang vận chuyển sản phẩm từ Dự án Arctic LNG 2 cũng của gã khổng lồ năng lượng tư nhân Novatek.
Không có tàu nào có thể tìm được khách mua cho lượng khí đốt siêu lạnh mà chúng đang vận chuyển, và đội tàu này vẫn đang nằm "co cụm" ở Biển Barents và Biển Nhật Bản.
Minh Đức (Theo gCaptain)