Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành của Liên minh châu Âu (EU) – hôm 21/11 đã đưa ra một kế hoạch hành động gồm 20 điểm để giải quyết vấn đề dòng người di cư bất thường ngày càng tăng qua tuyến Trung Địa Trung Hải.
Kế hoạch được tiết lộ ngay trước thềm cuộc họp khẩn cấp của các Bộ trưởng Nội vụ EU về vấn đề này vào ngày 25/11 tới.
Hơn 90.000 người di cư và người tị nạn đã đến EU trong năm nay thông qua tuyến đường Trung Địa Trung Hải, chẳng hạn như băng qua biển từ Bắc Phi đến Italy hoặc Malta, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021.
“Những sự kiện mới nhất cho thấy tình trạng này không bền vững”, Ủy viên Nội vụ Châu Âu Ylva Johansson cho biết. “Tuyến đường này tiếp tục là tuyến đường có số lượng người di cư đến bất thường cao nhất, nhưng cũng là một trong những tuyến đường nguy hiểm nhất”.
Phát biểu tại một cuộc họp báo hôm 21/11, bà Johansson tiết lộ một trọng tâm trong kế hoạch của EU là tăng cường hợp tác với các nước thứ ba, bao gồm cả các hành động ngăn chặn tình trạng di cư khỏi Bắc Phi.
EC cho biết, phần lớn người di cư khởi hành từ Libya và Tunisia và chủ yếu đến từ Ai Cập, Tunisia và Bangladesh.
EU đã đặt mục tiêu chi 580 triệu Euro từ năm 2021 đến năm 2023 để hỗ trợ các nước Bắc Phi và giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cũng như việc làm trong khu vực.
Vấn đề lên đến đỉnh điểm vào đầu tháng này khi Paris và Rome xung đột về việc Pháp chấp nhận một chiếc thuyền chở 234 người di cư được cứu trên biển mà trước đó đã bị Italy từ chối.
Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Piantedosi gọi kế hoạch của EU là “khởi đầu vững chắc”, hoan nghênh việc tập trung vào hợp tác nhiều hơn với các quốc gia xuất xứ và quá cảnh cũng như phối hợp nhiều hơn trong các hoạt động cứu hộ trên biển.
Bà Johansson cho biết, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn của EU trong công tác tìm kiếm và cứu nạn, bao gồm cả giữa các quốc gia ven biển và các quốc gia nơi các con tàu biển được đăng ký, đồng thời nhấn mạnh rằng việc hỗ trợ những người gặp nạn trên biển là nghĩa vụ pháp lý.
Bà cũng nhấn mạnh một thỏa thuận của EU đã đạt được vào tháng 6 về cơ chế tự nguyện tiếp nhận người di cư và đóng góp tài chính từ các nước EU không ở tuyến đầu của vấn đề người di cư.
Về kế hoạch hành động trên, bà Johansson cho biết nó nên được tất cả các nước EU thông qua và áp dụng. Tuy nhiên, vị quan chức EU cũng làm rõ rằng nó không thay thế cho Hiệp ước Mới về Di cư và Tị nạn mà EC đưa ra vào tháng 9/2020.
“Chúng ta có thể thực hiện nhiều kế hoạch hành động và chúng ta sẽ tiếp tục làm điều đó, và điều đó rất quan trọng. Nhưng nếu không thông qua toàn bộ hiệp ước, chúng ta sẽ phản ứng yếu hơn nhiều so với khi có một khuôn khổ toàn diện về di cư và tị nạn của châu Âu”, bà Johansson cho biết.
Minh Đức (Theo Reuters, Euronews, Anadolu Agency)