Liên minh châu Âu (EU) đặt mục tiêu tận dụng các tài sản bị phong tỏa của Nga để gửi 3 tỷ Euro mỗi năm tới Ukraine, Ủy ban châu Âu (EC) – cơ quan điều hành của EU – cho biết hôm 20/3, với việc khoản tiền đầu tiên có thể được thanh toán ngay sau tháng 7.
Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) có khoảng 210 tỷ Euro ngoại hối ở EU – chủ yếu tại kho lưu ký Euroclear ở Bỉ – vốn đã bị đóng băng kể từ khi chiến sự nổ ra vào đầu năm 2022.
Giờ đây, các quan chức EU đang đề xuất sử dụng lợi nhuận từ những tài sản đó để hỗ trợ Ukraine, từ đó thực hiện lời hứa lâu nay vẫn bị trì hoãn do lo ngại về những tác động kinh tế và chính trị rộng hơn từ động thái chưa từng có này.
Biến tiền thành vũ khí
Theo kế hoạch của EU, 90% khoản tiền lãi sẽ được chuyển đến một quỹ của EU để cung cấp vũ khí cho Ukraine. 10% còn lại sẽ được chuyển vào ngân sách EU, nơi nó sẽ được sử dụng để giúp nâng cao năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng Ukraine.
“Hôm nay chúng tôi tiếp tục gây áp lực lên Nga và buộc họ phải chịu trách nhiệm về hành động cũng như những thiệt hại và đau khổ to lớn mà họ đã gây ra”, Phó Chủ tịch EC kiêm Ủy viên thương mại EU Valdis Dombrovskis cho biết trong một tuyên bố hôm 20/3.
Động thái này được phối hợp với các đối tác trong nhóm 7 nền dân chủ lớn nhất thế giới (G7), bao gồm cả Anh và Mỹ, ông Dombrovskis nói thêm.
Hồi tháng 10 năm ngoái, các nhà lãnh đạo EU đã yêu cầu Brussels xem xét cách sử dụng khoản lãi sinh ra từ tài sản của CBR để hỗ trợ Ukraine mà không vi phạm luật pháp EU hoặc quốc tế.
Các quan chức tin rằng, tùy thuộc vào lãi suất, mỗi năm, khối tài sản của Nga có thể tạo ra 2,5-3 tỷ Euro lợi nhuận sau thuế, trong đó Euroclear được phép giữ một tỷ lệ nhỏ, khoảng 13%, cho chi phí hành chính và trách nhiệm pháp lý.
Quyết định sử dụng khoản lãi trên được đưa ra sau khi khối 27 quốc gia đã nhất trí “bơm” 5 tỷ Euro vào quỹ Cơ sở Hòa bình châu Âu (EPF) nhằm mục đích tăng cường cung cấp đạn dược cho Ukraine, và đồng thời với việc EC thực hiện giải ngân 4,5 tỷ Euro đầu tiên từ cơ chế mới là Cơ sở Ukraine để giúp quốc gia Đông Âu duy trì hoạt động của bộ máy nhà nước.
Nhưng nó cũng đến khi điều kiện chiến trường ở Ukraine ngày càng trở nên khốc liệt và khi nguồn tài trợ quan trọng từ Mỹ bị cản trở bởi những tranh cãi tại Quốc hội “xứ cờ hoa”.
Phát biểu tại Brussels ngày 20/3, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal hoan nghênh đề xuất mới của EU nhưng cho biết việc sử dụng tiền lãi chỉ là bước đầu tiên, vì yêu cầu của Kiev là “tịch thu toàn bộ hoặc sử dụng theo cách khác tất cả tài sản bị phong tỏa (của Nga)”.
Mặc dù các kế hoạch vẫn cần có sự nhất trí của cả 27 thành viên trong khối khi lãnh đạo các nước thành viên nhóm họp tại Hội nghị Thượng đỉnh vào ngày 21-22/3, nhưng đại diện cấp cao về đối ngoại của EU Josep Borrell đã nói với Thủ tướng Shmyhal: “Hy vọng rằng chúng tôi có thể sớm đồng ý và đổi tiền thành vũ khí, vì binh sĩ Ukraine không thể chiến đấu bằng các tờ tiền giấy”.
Thiệt hại là không thể tránh khỏi
Cho đến bước này thì các quan chức dường như không quan tâm đến lo ngại của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) rằng động thái này có thể có tác động rộng hơn đến uy tín của đồng Euro với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu.
Phản ứng với tuyên bố mới nhất của EU, Điện Kremlin hôm 20/3 cho biết những kế hoạch như vậy – nếu được thực hiện – sẽ hủy hoại danh tiếng của châu Âu và dẫn đến nhiều năm kiện tụng.
“Người châu Âu nhận thức rõ về thiệt hại mà những quyết định như vậy có thể gây ra cho nền kinh tế, hình ảnh và danh tiếng của họ”, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.
“Thiệt hại sẽ là không thể tránh khỏi. Những người liên quan đến việc đưa ra quyết định như vậy, những nước ra quyết định này, tất nhiên, họ sẽ trở thành đối tượng bị truy tố trong nhiều thập kỷ”.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova hôm 20/3 cũng cho biết rằng Moscow chắc chắn sẽ đáp trả lại cái mà nhà ngoại giao này gọi là hành vi “cướp bóc và trộm cắp”.
Minh Đức (Theo Euronews, Reuters, Moscow Times)