Các nhà lãnh đạo EU hôm 6/4 cho biết, khối này sẽ sớm phải trừng phạt tất cả các mặt hàng xuất khẩu chứa hydrocarbon của Nga theo sau sự kiện được gọi là “thảm sát ở Bucha”, một thị trấn gần thủ đô Kiev của Ukraine.
Các tuyên bố được đưa ra trước Nghị viện châu Âu ở thành phố Strasbourg của Pháp, khi Liên minh châu Âu đang sẵn sàng thực hiện vòng trừng phạt thứ năm nhắm vào than đá của Nga, trong khi các Ngoại trưởng NATO và G7 tập trung tại Brussels để bàn về các bước hành động phối hợp tiếp theo.
EU "sớm hay muộn" cũng phải áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với dầu và khí đốt của Nga, người đứng đầu Hội đồng châu Âu Charles Michel nói với các thành viên Nghị viện châu Âu (MEP).
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU dự định tiếp tục tăng cường các biện pháp trừng phạt "thông minh" – những biện pháp sẽ gây tổn hại cho Nga nhiều hơn cho Liên minh châu Âu.
Theo bà, gói biện pháp mới nhất “sẽ không phải là gói biện pháp trừng phạt cuối cùng” của EU.
“Chúng tôi đã cấm than. Bây giờ chúng tôi phải xem xét đến dầu mỏ. Và chúng tôi sẽ phải xem xét doanh thu mà Nga thu được từ các loại nhiên liệu hóa thạch”, bà von der Leyen tuyên bố.
Xuất khẩu dầu, khí đốt và than đá của Nga là nguồn thu nhập nước ngoài chính của Nga, với khách hàng chính là EU, theo AFP.
Một số nước EU, đặc biệt là Đức, đã miễn cưỡng đánh vào xuất khẩu năng lượng của Nga vì những thiệt hại mà nó sẽ gây ra cho chính nền kinh tế của họ.
Tuy nhiên, áp lực đã ngày càng gia tăng theo sau các cáo buộc từ Ukraine về lạm sát dân thường ở các thị trấn xung quanh thủ đô Kiev khi các vùng này nằm dưới sự kiểm soát của quân Nga. Phía Nga đã liên tục bác bỏ các cáo buộc này.
Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU, Josep Borrell, nhấn mạnh với Nghị viện châu Âu rằng các khoản thanh toán của khối cho nhiên liệu hóa thạch của Nga là nguồn tài trợ cho chiến dịch quân sự của Tổng thống Vladimir Putin ở Ukraine.
"Với 1 tỷ Euro (1,1 tỷ USD) chúng ta trả cho ông Putin mỗi ngày cho năng lượng mà ông ấy cung cấp cho chúng ta kể từ đầu cuộc xung đột, đến nay chúng ta đã đưa cho ông ấy 35 tỷ Euro", ông Borrell cho biết.
"Hãy so sánh con số đó với 1 tỷ Euro mà chúng ta đã viện trợ cho Ukraine về vũ khí và khí tài”.
"Sự khác biệt to lớn này đã làm nổi bật tầm quan trọng và sự cần thiết của việc thực hiện những gì mà Hội đồng (Châu Âu) yêu cầu: Chúng ta phải giảm phụ thuộc về năng lượng".
Minh Đức (Theo NDTV)