Liên minh châu Âu (EU) đã có một bước tiến quan trọng vào đầu ngày 7/7 khi phê duyệt kế hoạch tăng cường sản xuất đạn dược và tên lửa trong khối 27 quốc gia, để vừa tự vệ vừa nhanh chóng giúp Ukraine đẩy lùi quân Nga.
“Chúng ta đã đạt được một thỏa thuận”, Ủy viên Thị trường Nội địa của EU, Thierry Breton, cho biết trên Twitter vào đầu ngày 7/7.
“Chỉ trong 2 tháng, châu Âu đã nhất trí về một thỏa thuận lịch sử – gọi là ASAP – về tài trợ cho việc tăng cường cơ sở công nghiệp quốc phòng nhằm hỗ trợ Ukraine và an ninh của châu Âu”, ông Breton cho biết thêm.
Đạo luật Hỗ trợ Sản xuất Đạn dược (ASAP), lần đầu tiên được Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất vào đầu tháng 5, đã được thông qua quy trình lập pháp của EU một cách nhanh chóng.
Bà Margarita Robles, Bộ trưởng Quốc phòng của Tây Ban Nha, quốc gia thành viên hiện đang giữ Chức chủ tịch luân phiên Hội đồng EU, cho biết rằng việc đạt được thỏa thuận một cách nhanh chóng là “một bằng chứng khác về cam kết vững chắc của EU trong việc hỗ trợ Ukraine, củng cố cơ sở công nghệ và công nghiệp quốc phòng của EU, và cuối cùng là đảm bảo an ninh và quốc phòng lâu dài cho các công dân EU”.
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen hoan nghênh thỏa thuận này, cho biết rằng nó “sẽ đẩy nhanh việc cung cấp đạn dược cho Ukraine vào giai đoạn quan trọng này của cuộc chiến”.
“Đối mặt với một cuộc chiến ngay trên đất châu Âu, chúng ta không thể lơ là việc phòng thủ như chúng ta đã làm trong 3 thập kỷ qua. Chúng ta cần khẩn cấp điều chỉnh các ưu tiên ngân sách của mình”, thành viên Nghị viện EU Michael Gahler cho biết.
ASAP là một phần trong kế hoạch 3 bước của EU nhằm cung cấp cho Ukraine 1 triệu viên đạn mà nước này cần trong năm tới và để bổ sung kho dự trữ đang cạn kiệt nhanh chóng của các quốc gia thành viên.
Trong bước đầu tiên, các quốc gia thành viên EU cam kết cung cấp đạn dược trị giá 1 tỷ Euro từ kho dự trữ còn lại của họ. Bước thứ hai liên quan đến các đơn đặt hàng chung về đạn dược cũng trị giá 1 tỷ Euro.
ASAP – tức bước thứ 3 của kế hoạch – sẽ nhận được 500 triệu Euro từ các quỹ của EU dành riêng cho việc tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp của khối đối với đạn dược đất đối đất và đạn pháo cũng như tên lửa. Nó cũng mang lại một khuôn khổ pháp lý tạm thời để giải quyết những gì mà Ủy ban đã gọi là “cuộc khủng hoảng cung cấp đạn dược”.
Khoản tiền này sẽ được giải ngân cho các công ty EU đủ điều kiện dưới hình thức tài trợ để họ có thể tăng cường sản xuất và giải quyết các nút thắt, và EU hy vọng rằng quỹ của họ sẽ có thể thu hút đầu tư tư nhân với tổng số tiền lên tới 1 tỷ Euro.
Minh Đức (Theo Euronews, AP)