Kể từ khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2 năm ngoái, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt các lệnh trừng phạt rộng lớn và chưa từng có tiền lệ lên Nga, bao gồm các biện pháp hạn chế có chủ đích (các biện pháp trừng phạt cá nhân), trừng phạt kinh tế và các biện pháp thị thực.
Đến nay 11 gói trừng phạt chống Nga đã được ban hành và thực thi, với gần 1.800 cá nhân và tổ chức nằm trong “danh sách đen”, trong khi gói trừng phạt thứ 12 vừa được Ủy ban châu Âu (EC) công bố hôm 15/11.
Mục đích của EU khi áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế là khiến cho Nga phải trả giá cao cho cuộc chiến ở Ukraine, đồng thời hạn chế nguồn tài chính rót vào “hòm chiến tranh” của Điện Kremlin.
Theo trang web chính thức của Hội đồng châu Âu, tính đến ngày 12/10/2023, 21,5 tỷ Euro tài sản của Nga bị đóng băng ở EU, 300 tỷ Euro tài sản từ Ngân hàng Trung ương Nga (CBR) bị phong tỏa ở EU và các nước G7, xuất khẩu giá trị 43,9 tỷ Euro sang Nga bị trừng phạt, và 91,2 tỷ Euro hàng nhập khẩu từ Nga bị chặn đường sang EU.
EU đã bắt tay với Liên minh Giá trần, bao gồm G7 và Australia, để giới hạn giá đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển, các sản phẩm dầu mỏ và các loại dầu thu được từ khoáng chất bitum có nguồn gốc từ hoặc được xuất khẩu từ Nga.
Thêm một gói trừng phạt
Trọng tâm chính của vòng hạn chế mới mà EC đề xuất tuần trước là nhằm trấn áp hơn nữa khả năng của Điện Kremlin trong việc lách các lệnh trừng phạt, đặc biệt nhắm vào “hạm đội bóng tối” chở dầu Nga không tuân theo trần giá.
Đề xuất, đang được thảo luận ở cấp Bộ trưởng EU, bao gồm cấm bán tàu chở dầu cho Nga và yêu cầu nước thứ 3 mua tàu phải có điều khoản tàu không được bán lại cho Nga hoặc được sử dụng để vận chuyển dầu có nguồn gốc từ Nga có giá bán trên mức trần.
Các quan chức EU đã lảng tránh lý do trì hoãn gói trừng phạt mới nhất của EU đối với Nga, bất chấp thông báo công khai của Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen tại Kiev 2 tuần trước đó.
Ngoài ra, gói trừng phạt thứ 12 cũng bao gồm kim cương Nga, sau khi EU vượt qua được sự phản đối của Bỉ, nơi có thủ đô kim cương Antwerp. Lệnh cấm nhắm vào nhập khẩu kim cương tự nhiên và tổng hợp phi công nghiệp của Nga cũng như đồ trang sức bằng kim cương có nguồn gốc từ Nga kể từ đầu năm 2024.
Các hoạt động nhập khẩu, mua bán và chuyển giao kim cương quá cảnh qua Nga và kim cương Nga được cắt và đánh bóng ở các nước thứ ba, chẳng hạn như Ấn Độ, cũng sẽ bị cấm, nhưng sẽ được thực hiện theo từng giai đoạn.
“Việc áp dụng dần các lệnh cấm nhập khẩu gián tiếp này là nhằm triển khai một cơ chế truy xuất nguồn gốc phù hợp cho phép các biện pháp thực thi hiệu quả và giảm thiểu sự gián đoạn cho những người tham gia thị trường”, văn bản đề xuất mà Euractiv tiếp cận được cho biết.
Gói trừng phạt mới cũng nhắm mục tiêu vào xuất khẩu máy công cụ và phụ tùng máy móc mà Nga sử dụng để sản xuất vũ khí, đạn dược.
Ngoài ra, EU còn lên kế hoạch trừng phạt kinh tế các nước thứ 3 nếu họ không tuân thủ các biện pháp trừng phạt của phương Tây hoặc không thể giải thích được sự gia tăng đột ngột trong hoạt động buôn bán “hàng cấm”.
Chuyển từ thực thi sang tuân thủ
Nhưng đằng sau gói trừng phạt mới này, một câu hỏi quan trọng được đặt ra: Trừng phạt bao nhiêu cho đủ khi vẫn còn lại những thứ liên quan đến Nga mà EU chưa thể sờ tới?
Hành trình vất vả để ra được đề xuất cho gói trừng phạt mới, bắt đầu được các Đại sứ EU thảo luận hôm 17/11, cho thấy tác dụng của các biện pháp trừng phạt ở Brussels đang chậm lại.
Bất chấp áp lực từ các nước thành viên có quan điểm “diều hâu” – như Litva và Ba Lan – về trừng phạt Nga, ngày càng khó có khả năng các quốc gia thành viên khác sẽ bỏ phiếu cho các đề xuất trừng phạt theo chủ nghĩa tối đa, bao gồm lĩnh vực hạt nhân của Nga, khí dầu mỏ hóa lỏng (LPG), khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) và thép.
Hôm 18/11, Ngoại trưởng Slovakia Juraj Blanar cho biết điều kiện để quốc gia có chung đường biên giới phía Đông với Ukraine không phủ quyết gói trừng phạt mới nhất là gói đó phải không bao gồm các hạn chế nhập khẩu nhiên liệu hạt nhân từ Nga, gọi đó là “lằn ranh đỏ” với Bratislava.
Ngoài ra các quan chức và nhà ngoại giao EU cũng đặt câu hỏi liệu việc dán nhãn các biện pháp trong tương lai là “gói trừng phạt” có còn hợp lý về lâu dài hay không. Nhưng cuối cùng, điều “đau đầu” nhất vẫn là hiệu quả của các biện pháp hạn chế đó.
Quả thực ông Blanar hôm 18/11 cũng đặt ra nghi ngờ về tính hiệu quả của toàn bộ chính sách trừng phạt mà EU theo đuổi kể từ khi bắt đầu xung đột giữa Moscow và Kiev. Nhà ngoại giao hàng đầu Slovakia nói: “11 gói trừng phạt không ngăn cản được Nga, trong khi nền kinh tế EU đang tiến tới suy thoái”.
Việc các quốc gia và doanh nghiệp lách các biện pháp trừng phạt của phương Tây chống lại Nga cũng đang diễn ra ngày càng phổ biến.
Đặc phái viên của EU David O’Sullivan đã được bổ nhiệm để đảm bảo các lệnh trừng phạt của châu Âu được thực thi, nhưng mặc dù vị quan chức này đã đi vòng quanh các nước thứ ba, ông vẫn thiếu đòn bẩy để thuyết phục các nước này tuân thủ các chính sách của khối.
Các chuyên gia trừng phạt của EU đang chỉ ra sự cần thiết phải chuyển từ thực thi sang tuân thủ các biện pháp trừng phạt.
Minh Đức (Theo Euractiv, RT, European Council website)