Các thành viên Liên minh châu Âu (EU) vừa thông qua gói trừng phạt thứ 13 nhắm vào Moscow nhằm phản ứng với chiến dịch quân sự của Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Ukraine.
“Các Đại sứ EU vừa đồng ý về nguyên tắc về gói trừng phạt thứ 13 trong khuôn khổ hành động gây hấn của Nga đối với Ukraine”, Bỉ, quốc gia đang giữ vị trí Chủ tịch luân phiên EU, cho biết hôm 21/2, và gọi đây là “một trong những biện pháp được EU chấp thuận rộng rãi nhất”.
Các biện pháp mới nhất được đưa ra sau khi ngành công nghiệp vũ khí Nga được cho là có khả năng tiếp cận các bộ phận để sản xuất máy bay không người lái dùng cho mục đích quân sự, các nhà ngoại giao nói với Hãng thông tấn Đức DPA.
Gói trừng phạt mới nhất sẽ được khối 27 quốc gia chính thức phê chuẩn vào ngày 24/2, đúng kỷ niệm 2 năm ngày Quân đội Nga bắt đầu tiến vào Ukraine.
Cũ mà mới
Gói trừng phạt thứ 13 của EU cũng giống các gói trước đó ở chỗ nhằm hạn chế khả năng kiếm tiền của Nga để tài trợ cho cuộc chiến đang diễn ra ở Ukraine, nhưng gói mới nhất này lần đầu tiên nhắm vào các công ty ở Trung Quốc đại lục bị nghi ngờ “tiếp tay” cho Nga “né” hạn chế để tiếp cận “hàng cấm”.
Các biện pháp tập trung chủ yếu vào việc chống gian lận và nhắm vào các công ty trên khắp thế giới bị cáo buộc cung cấp cho Nga công nghệ tiên tiến và hàng hóa quân sự được sản xuất tại EU, đặc biệt là các linh kiện máy bay không người lái.
Các công ty từ Thổ Nhĩ Kỳ và Triều Tiên, cùng các quốc gia khác, cũng bị nhắm mục tiêu. Gần 200 cá nhân và tổ chức, chủ yếu đến từ Nga, đã được thêm vào danh sách đen, hiện chứa hơn 2.000 cái tên.
Tuy nhiên, gói này không bao gồm bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào được cho là có liên quan đến cái chết của nhân vật đối lập Alexei Navalny. Những hạn chế chặt chẽ hơn đối với nhôm Nga cũng không được đưa vào vì chủ đề này vẫn còn gây chia rẽ.
Thông tin chi tiết chính xác về các biện pháp trừng phạt mới nhất sẽ có sau khi nội dung gói trừng phạt mới nhất được công bố trên tạp chí chính thức của EU, dự kiến sẽ diễn ra vào cuối tuần này.
“Tôi hoan nghênh thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 13 của chúng ta chống lại Nga. Chúng ta phải tiếp tục làm suy yếu cỗ máy chiến tranh của ông Putin”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen viết trên mạng xã hội.
EU trước đây đã cố gắng trừng phạt một số công ty có trụ sở tại Trung Quốc đại lục, nhưng những lời phàn nàn từ các quan chức Bắc Kinh và sự dè dặt từ một số quốc gia thành viên đã ngăn cản động thái này. Mối quan hệ ngày càng chặt chẽ hơn giữa Nga và Trung Quốc cuối cùng đã thúc đẩy các nhà ngoại giao ở Brussels lần thứ hai đưa ý tưởng này ra bàn đàm phán.
Theo số liệu hải quan của Chính phủ Trung Quốc, thương mại Nga-Trung Quốc đạt mức cao kỷ lục hơn 240 tỷ USD (213 tỷ Euro) vào năm 2023. Con số này đã vượt xa mục tiêu 200 tỷ USD mà Moscow và Bắc Kinh đặt ra.
Đối với Trung Quốc, việc cuối cùng 3 công ty của nước này bị trừng phạt đánh dấu sự kết thúc của một nỗ lực lâu dài nhằm ngăn chặn các công ty của họ bị đưa vào danh sách đen vì cuộc chiến ở Ukraine.
Gói trừng phạt mới của EU, gói thứ 13 kể từ tháng 2/2022, cũng nhắm vào các cơ sở do Nga điều hành bị cáo buộc liên quan tới trẻ em bị bắt cóc từ Ukraine. Các cáo buộc đưa trái phép trẻ em khỏi Ukraine đã dẫn đến việc Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) ban hành lệnh bắt giữ Tổng thống Putin hồi tháng 3 năm ngoái.
Moscow đã bác bỏ lệnh bắt giữ ông Putin của ICC là vô hiệu, và cho biết họ không công nhận quyền tài phán của tòa án này vì Nga không phải là một bên của Quy chế Rome thành lập ICC.
Cột mốc 2 năm
Việc phê duyệt gói trừng phạt mới nhất được cố tình ấn định trùng với dấu mốc kỷ niệm 2 năm ngày bắt đầu cuộc chiến ở Ukraine (24/2/2022 - 24/2/2024).
Quá trình này đã bị chậm lại vì Hungary đã cố gắng ngăn chặn bất kỳ hạn chế nào liên quan đến Rosatom, công ty độc quyền về hạt nhân của Nga. Rosatom là nhà thầu chính trong việc mở rộng nhà máy điện hạt nhân Paks, nơi cung cấp hơn 50% điện năng của Hungary.
Bất chấp trục trặc nhỏ, gói trừng phạt cuối cùng đã được thông qua vào ngày 21/2, 3 ngày trước dấu mốc mang tính biểu tượng đánh dấu 2 năm ngày Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Năm ngoái, EU gần như đã bỏ lỡ cột mốc quan trọng này.
Một thủ tục bằng văn bản chính thức sẽ biến thỏa thuận về gói trừng phạt thứ 13 thành luật vào ngày 24/2, theo Bỉ – quốc gia thành viên đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU.
Gói mới nhất gần như hoàn toàn tập trung vào việc trấn áp hành vi trốn tránh lệnh trừng phạt, một hiện tượng phổ biến được so sánh với trò “Đập chuột” (Whac-A-Mole): ngay khi một lỗ hổng được bịt lại, một lỗ hổng khác sẽ xuất hiện.
Trung Quốc, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Thổ Nhĩ Kỳ, Kyrgyzstan, Kazakhstan, Uzbekistan, Serbia và Armenia đã nằm trong tầm ngắm của EU trong nhiều tháng, với việc Đặc phái viên EU về thực thi các lệnh trừng phạt David O’Sullivan đi từ nước này sang nước khác nhằm thuyết phục chính phủ các nước này hành động nhiều hơn.
“Tôi nghĩ chúng ta phải thực tế”, ông O’Sullivan nói với Euronews hồi tháng 12 năm ngoái. “Sẽ luôn có một mức độ gian lận nhất định. Sẽ vẫn có những bên có thể tiếp tục kiếm được tiền”.
Năm ngoái, EU đã giới thiệu một công cụ chống lẩn tránh trừng phạt, cho phép khối này hạn chế một số luồng thương mại nhất định với toàn bộ các quốc gia, thay vì với các công ty cụ thể.
Công cụ này được coi là biện pháp cuối cùng, nhưng việc kích hoạt nó phụ thuộc vào sự đồng thuận nhất trí của các quốc gia thành viên. Trong khi đó, có vẻ “sự đồng thuận nhất trí” là một cái gì đó ngày càng khó đạt được.
Một nhà ngoại giao giấu tên cho biết đã “khá rõ ràng” rằng các biện pháp trừng phạt đối với Nga không hiệu quả như EU đã hy vọng ban đầu vì xã hội Nga vẫn đang đạt được “những gì họ muốn”.
Dự báo gần đây của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã nâng triển vọng của nền kinh tế Nga lên do chi tiêu quân sự cao và tiêu dùng mạnh.
Minh Đức (Theo Euronews, Al Jazeera, Politico EU)