Trong bối cảnh giá năng lượng leo thang, ngày 7/11, các Bộ trưởng tài chính Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) sẽ thảo luận về cách phối hợp hỗ trợ tốt hơn cho các nền kinh tế nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực tới ngân sách năm 2023, cũng như chuẩn bị tốt hơn cho nguy cơ suy thoái.
Trước đó, tháng 9, Đức đã công bố kế hoạch hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp trị giá 200 tỷ euro (198,7 tỷ USD), quy mô ít quốc gia có thể theo kịp và gây lo ngại sẽ ảnh hưởng đến sự cạnh tranh công bằng trong thị trường chung Liên minh châu Âu (EU). Các nước EU khác cũng đã công bố kế hoạch hỗ trợ, nhưng với số tiền nhỏ hơn.
Những kế hoạch đóng vai trò như biện pháp kích thích tài chính như vậy không chỉ làm tăng nợ công vốn đã lớn ở 19 quốc gia của Eurozone, mà còn gây khó khăn cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong việc chống lạm phát, vốn đã lên tới 10,7% vào tháng 10.
Do đó, tháng 9 và tháng 10 vừa qua, các Bộ trưởng Eurozone đã nhất trí rằng sự giúp đỡ của chính phủ nên tập trung vào một nhóm đối tượng và chỉ mang tính tạm thời. Tuy nhiên, theo một quan chức cấp cao trong Eurozone, trên thực tế, những biện pháp như vậy sẽ không duy trì được lâu dài.
Một trong những phương án đang được thảo luận là để các chính phủ cung cấp hạn mức năng lượng cố định cho người tiêu dùng với mức giá trợ cấp. Nếu tiêu thụ vượt qua giới hạn, họ sẽ phải thanh toán theo mức giá cao của thị trường. Giới chức EU thừa nhận, đây không phải giải pháp tối ưu nhưng bền vững về mặt chính trị và kinh tế.
Nếu đạt được đồng thuận, Ủy ban châu Âu (EC) sẽ lên kế hoạch chi tiết và thiết lập các nguyên tắc mà Chính phủ EU có thể áp dụng trong chính sách quốc gia. Những nguyên tắc chung như vậy sẽ cho phép EU duy trì cạnh tranh bình đẳng giữa các nền kinh tế và cũng giúp các bộ trưởng lập kế hoạch chi tiêu ngân sách vào năm 2023.
Tháng trước, tất cả các nước trong Eurozone đã đệ trình dự thảo ngân sách cho năm tới lên EC để kiểm tra nhằm đảm bảo các nước này tuân thủ các quy định của EU và lập trường chính sách tài khóa chung là chuyển từ "hỗ trợ" trong năm nay sang "trung lập" vào năm 2023.
Tuy nhiên, những dự thảo này chỉ bao gồm các khoản chi tiêu đã được thông qua mà không tính đến các nhu cầu có thể phát sinh vào năm 2023 khi một số chương trình hỗ trợ năng lượng hiện tại có thể cần được gia hạn.
Eurozone đang ngày càng lún sâu vào suy thoái do lạm phát cao và lo ngại khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng ảnh hưởng nhu cầu.
Một cuộc khảo sát mới đây của Reuters cho thấy, hoạt động kinh doanh của khu vực Euro đang giảm nhanh nhất kể từ cuối năm 2020. Các đơn đặt hàng công nghiệp của Đức cũng sụt giảm nhiều hơn so với dự đoán trong tháng 9 do nhu cầu ở nước ngoài suy yếu, đẩy nền kinh tế lớn nhất châu Âu rơi vào suy thoái.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của S&P Global tổng hợp cho khu vực đồng Euro trong tháng 10 đã giảm xuống 47,3 - mức thấp nhất trong 23 tháng và thấp hơn so với mức 48,1 trong tháng 9, song vẫn cao hơn so với ước tính sơ bộ 47,1. Chỉ số PMI về dưới 50 chứng tỏ nền kinh tế đang suy giảm.
Ông Jack Allen-Reynolds tại Capital Economics cho rằng chỉ số PMI khu vực đồng Euro tháng 10 đã khắc họa rõ ràng hoạt động kinh tế đang lao dốc trong khi lạm phát cao ngất ngưởng.
"Mặc dù chúng tôi ước tính quý IV chỉ giảm 0,5% so với quý trước, nhưng các đơn đặt hàng mới và chỉ số PMI thời gian tới cho thấy điều tồi tệ hơn sẽ xảy ra", ông nói.
Lạm phát ở 19 quốc gia sử dụng đồng tiền chung châu Âu trong tháng trước đã tăng nhanh hơn dự báo, đạt mức 10,7% và cao hơn 5 lần mục tiêu của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Do đó, ECB có thể sẽ phải tăng lãi suất nhiều hơn, làm tăng gánh nặng nợ cho người tiêu dùng đang mắc nợ. Đến cuối năm nay, lãi suất huy động và tái cấp vốn của khu vực đồng Euro được dự báo lần lượt ở mức 2% và 2,5%.
Tại khu vực đồng Euro, chi phí hoạt động cao do chi phí năng lượng, tiền lương và vận chuyển tăng cao, khiến các công ty cung cấp dịch vụ phải tăng giá lần nữa.
Với việc cuộc chiến Nga - Ukraine chưa có hồi kết, gần 65% trong số 34 người được hỏi trong cuộc thăm dò của Reuters cho rằng chi phí sinh hoạt ở khu vực này sẽ ngày càng tồi tệ hơn. "Châu Âu có thể sẽ phải trải qua một mùa đông khắc nghiệt với hoạt động kinh doanh suy yếu và lạm phát mạnh", Allen-Reynolds nhận định.
Minh Hoa (t/h theo TTXVN, Dân Trí)