Hôm nay 29/9 là hạn trả lãi 47,5 triệu USD của Công ty Evergrande cho khoản trái phiếu USD lãi suất 9,5% đáo hạn vào tháng 3/2024. Nhưng đến thời điểm hiện tại, Evergrande vẫn chưa đưa ra bất kỳ thông báo hoặc nộp bất kỳ hồ sơ nào lên Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông (Trung Quốc) về việc chi trả. Sự “im hơi lặng tiếng” của Evergrande khiến các nhà đầu tư “vò đầu bứt tóc” không biết chuyện gì sẽ xảy ra kế tiếp.
Trước đó 22/9, Evergrande cũng đã bỏ lỡ thời hạn thanh toán khoản lãi suất trị giá 83,5 triệu USD cho trái phiếu đáo hạn vào tháng 3/2022.
Trên thực tế, Evergrande vẫn có khoảng thời gian trong vòng 30 ngày sau kỳ hạn thanh toán theo lịch trình mà không thể trả được các khoản lãi này, cả hai trái phiếu mới thực sự rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Những ngày qua, mọi diễn biến về hoạt động của Tập đoàn bất động sản China Evergrande đều thu hút sự quan tâm rất lớn, không chỉ đối với giới đầu tư kinh doanh Trung Quốc mà còn cả trên phạm vi thế giới.
Mối nguy nếu Evergrande vỡ nợ
Để dễ dàng hình dung mức độ của khối nợ 305 tỷ USD, bạn có thể đặt so sánh nó tương đương 83% tổng tài sản của tập đoàn mà không có khả năng thanh toán, hay tương đương khoảng 2% tổng GDP năm 2020 của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Evergrande hiện nắm hơn 1.300 dự án bất động sản tại hơn 280 thành phố trên cả nước, có mối liên hệ với vô số ngân hàng, tập đoàn bất động sản khác. Như vậy, Tập đoàn này sở hữu một lượng bất động sản khổng lồ, trong khi ngành địa ốc hiện đã chiếm tới 13% nền kinh tế Trung Quốc.
Nếu chuyện xấu xảy ra, nhiều triệu người Trung Quốc mua nhà của Evergrande cũng sẽ bị ảnh hưởng. Do khoảng 67% khối nợ của Evergrande là nợ tiền mặt mà khách hàng trả trước cho các dự án bất động sản chưa xây xong.
Khủng hoảng Evergrande đã làm chứng khoán khu vực châu Á chao đảo. Do cổ phiếu và trái phiếu Evergrande đã được đưa vào nhiều chỉ số tại các thị trường châu Á. Ngoài ra trong 305 tỷ USD nghĩa vụ nợ của Evergrande gồm nhiều trái phiếu USD nằm thuộc danh mục của nhiều nhà đầu tư từ Hong Kong (Trung Quốc), London tới New York.
Và không chỉ có chứng khoán, đã xuất hiện thông tin cảnh báo rằng các quỹ đầu tư quốc gia cũng sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó có Quỹ Đầu tư Hưu trí Chính phủ Nhật Bản (GPIF), quỹ hưu trí lớn nhất thế giới, được cho là đang sở hữu một lượng khá lớn trái phiếu và cổ phiếu của Evergrande. Theo tờ The Asahi Shimbun, khoản đầu tư vào Evergrande của GPIF trị giá 170 triệu USD. Một khi “bom nợ Evergrande” vỡ, GPIF khó tránh tổn thất.
Theo ông Jimmy Chang, Giám đốc đầu tư Quỹ Rockefeller Global Family Office, nhận định “Nếu tình hình của China Evergrande không được giải quyết, cuộc khủng hoảng có thể lan rộng”.
Động thái của chính quyền Trung Quốc
Theo các chuyên gia nhận định, khả năng chính quyền trung ương can thiệp trực tiếp để giải quyết cuộc khủng hoảng của Evergrande dưới hình thức một gói cứu trợ là rất thấp.
Thay vì cứu trợ, chính quyền đang thúc đẩy các công ty thuộc sở hữu nhà nước và các nhà phát triển bất động sản được nhà nước hậu thuẫn mua một số tài sản của Evergrande. Giải pháp mua bán tài sản sẽ ngăn chặn hoặc ít nhất là giảm thiểu bất ổn có thể xảy ra nếu Evergrande vỡ nợ.
Tập đoàn Đầu tư Xây dựng thành phố Quảng Châu cho biết sắp mua lại sân vận động bóng đá Quảng Châu của Evergrande và các dự án khu dân cư xung quanh. Sân vận động này có chi phí xây dựng khoảng 1,9 tỷ USD.
Tương tự, Công ty bất động sản Vanke - do nhà nước Trung Quốc sở hữu 1/3 cổ phần - cũng được yêu cầu mua tài sản từ Evergrande. Vanke cho biết, vào tháng 8, đã thương lượng với Evergrande về việc hợp tác trong nhiều dự án.
Một số doanh nghiệp khác như Jinmao, China Resources Land, China Jinmao Holdings cũng được chỉ định mua lại tài sản của Evergrande.
Vào thứ Hai 27/9, Ngân hàng trung ương Trung Quốc tuyên bố sẽ bảo vệ người tiêu dùng tham gia thị trường nhà ở và bơm thêm tiền vào hệ thống ngân hàng khi chính quyền Thâm Quyến bắt đầu điều tra đơn vị quản lý tài sản của Evergrande.
Những động thái trên là dấu hiệu cho thấy rằng chính quyền Trung Quốc đang tiến hành những bước thận trọng để ngăn chặn rủi ro vỡ nợ của Evergrande tác động xấu đến nền kinh tế.
Phạm Thu Thanh (theo The Guardian, Reuters)