Ngày 30/3, Ban thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã ban hành nghị quyết về một số giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội, ứng phó dịch COVID-19 theo yêu cầu của chỉ thị 11 của Thủ tướng.
Việc miễn, giảm giá điện sẽ áp dụng cho một số đối tượng khách hàng trong giai đoạn dịch COVID-19. Trọng tâm là các khu vực cách ly tập trung, các viện xét nghiệm, các bệnh viện đang thực hiện nhiệm vụ chữa trị bệnh nhân COVID-19. Vậy còn hàng loạt những đối tượng yếu thế khác thì sao?
Dịch bệnh Covid-19 đang bước vào những ngày cực kỳ căng thẳng. Tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội gần như “đóng băng” hoàn toàn. Tình trạng cắt giảm lương, thu nhập, cho thôi việc diễn ra trên diện rộng.
Đã có hàng vạn, hàng triệu người trên cả nước, từ người làm công ăn lương, tiểu thương, buôn bán hộ gia đình, kinh doanh vỉa hè cho tới người bán vé số... đều khó khăn.
Người nhẹ thì giảm thu nhập, người nặng thì mất việc. Nhiều người đã phải dùng đến trợ cấp thất nghiệp.
Theo Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, trong quý I năm 2020, số người được chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp (TCTN) ước thực hiện là 378.178 người, tăng khoảng 9,11% so với cùng kỳ năm 2019 (346.582 người) với số tiền được chi trả ước thực hiện là 2.119 tỷ đồng (nguồn số liệu: Hệ thống Tổng hợp và phân tích dữ liệu tập trung ngành BHXH - DWH).
Từ sau tết nguyên đán đến nay, gần như gia đình nào cũng có người ở nhà, điều này đồng nghĩa với việc họ thường xuyên phải tiêu hao điện – nước… Nếu tình hình dịch kéo dài thì các loại hóa đơn sinh hoạt điện, nước… là một vấn đề đáng lo.
Theo Tổng cục Thống kê, chỉ số tiêu dùng (CPI) quý 1 năm nay tăng 5,56% so với quý 1/2019. Trong đó, ngoài giá thực phẩm và giá thịt heo tăng mạnh, các chỉ số giá điện sinh hoạt và nước sinh hoạt trong quý 1 cũng tăng cao, đẩy CPI toàn quý tăng. Cụ thể, so với quý 1/2019, chỉ số giá điện sinh hoạt quý 1/2020 tăng gần 9,9%, chỉ số giá nước sinh hoạt tăng đến 4,75%.
Nhìn thị trường dịch chuyển với những gói, chương trình kích cầu, hỗ trợ người dân mà không thấy ngành điện có động thái gì, nhiều người đâm lo.
Thực ra, không ai có thể “bắt” hay “ép” ngành điện phải giảm giá bán điện cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhìn mặt bằng chung về tình hình sản xuất, kinh doanh ở tất cả các thành phần kinh tế thời gian qua có thể thấy chưa bao giờ các cá nhân, tổ chức lại gặp khó khăn như bây giờ.
Nhiều nơi, chủ nhà trọ giảm giá cho người thuê; chủ cửa hàng hỗ trợ tiền nhà cho khách kinh doanh… để cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Vì thế, câu chuyện đặt ra ở đây là sự san sẻ gánh nặng trong lúc khó khăn với các khách hàng của ngành điện trong đại dịch COVID-19. Bởi nếu giá điện có không giảm thì người dân vẫn phải mua điện để dùng vì họ không có lựa chọn nào khác.
Nhiều người chua chát nói rằng, lúc bị cấm đi lại thì giá xăng giảm, còn ở nhà nhiều thì tiền điện lại chẳng giảm cho. Rồi có người tặc lưỡi bảo “giá điện chỉ có tăng chứ làm gì có chuyện giảm bao giờ”?
Chia sẻ trên báo Thanh niên, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho hay, hai chỉ số giá điện và nước tăng mạnh theo công bố của Tổng cục Thống kê cho thấy người dân đang nghỉ việc tại nhà, thu nhập giảm sút, nhưng lại nặng gánh chi phí sinh hoạt hằng ngày. Điện và nước là hai sản phẩm thiết yếu. Học sinh, sinh viên đều nghỉ ở nhà, nhu cầu sử dụng điện, nước trong mỗi gia đình tăng gấp rưỡi, gấp đôi là đương nhiên. Đây là điều không ai mong muốn, nhất là lúc thu nhập giảm, kinh tế khó khăn như thế này. Điện, nước là những mặt hàng có tác động rất mạnh đến đời sống của người dân nên các ngành này cần lên phương án giảm giá, dù trong ngắn hạn để phần nào chia sẻ, đồng cảm với người dân, doanh nghiệp.
“Bộ Công thương và EVN theo chỉ đạo của Chính phủ là không tăng giá điện và cũng đã lâu giá điện không tăng. Khi giá dầu, giá than tăng, khiến giá điện sản xuất tăng, điện phải bù lỗ, ngành này đã từng kêu gọi người dân đồng hành với họ thì đây là dịp để điện đồng hành với người dân…”, PGS-TS Đinh Trọng Thịnh bày tỏ quan điểm và dẫn chứng: Chính phủ Malaysia cũng đã đưa ra quyết định giảm giá điện cho toàn dân trong 6 tháng, kể từ tháng 4/2020.
Theo AP, giữa tháng 3 năm nay, sau khi ghi nhận ca nhiễm Covid-19 tăng đột biến, Thủ tướng Malaysia đã công bố hỗ trợ tài chính bổ sung để giúp đỡ người nghèo, bao gồm cả việc trao tiền mặt cho khoảng 33.000 công nhân nghỉ phép không lương, giảm giá hóa đơn tiền điện trong 6 tháng và trả tiền trợ cấp tiền mặt sớm cho các gia đình có thu nhập thấp.
PGS-TS Nguyễn Lê Ninh, chuyên gia năng lượng - Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp Các hội khoa học - kỹ thuật TP.HCM (thuộc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM), cho rằng giá dầu đang giảm mạnh, từ 50 - 60 USD/thùng, xuống 20 - 25 USD/thùng, nên giá thành điện ở mảng sản xuất dùng dầu chắc chắn có giảm.
Hoàng Mai (tổng hợp)