Quyết định của sếp Tổng to hơn Thông tư?!
Ngày 3/3/2016, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực miền Bắc (NPC) Thiều Kim Quỳnh ký Quyết định số 527 phê duyệt hồ sơ mời thầu (HSMT) gói thầu số 2 với số lượng 128.000 công tơ 1 pha 1 giá công nghệ RF và 500 DCU (Data Collection Unit - bộ thu gom số liệu từ các công tơ cùng một trạm và truyền về trung tâm khai thác dữ liệu).
Ba tháng sau, ngày 2/6/2016, ông Quỳnh tiếp tục ký Quyết định số 1536 lựa chọn liên danh nhà thầu là Công ty CP Tư vấn Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viễn thông (IFC), Công ty TNHH Cung ứng Vật tư Khoa học Kỹ thuật và Chuyển giao công nghệ (TSI), và Công ty CP Đầu tư Phát triển Công nghệ Điện tử Viễn thông (ELCOM) cho dự án trên với tổng giá trị gói thầu là 117,2 tỷ đồng.
Đối với gói thầu nói trên, Thông tư số 05/2015 của Bộ Kế hoạch Đầu tư quy định chi tiết lập hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa quy định nhà thầu phải có kinh nghiệm thực hiện các hợp đồng tương tự và có giá trị hợp đồng lớn hơn hoặc bằng 70% gói thầu đang xét. Điều này đồng nghĩa với việc với gói thầu mà NPC đưa ra, tiêu chuẩn cho nhà thầu đủ năng lực phải có hợp đồng cung cấp hàng hóa là công tơ điện tự 1 pha có tính năng thu thập dữ liệu từ xa công nghệ RF, và đặc biệt, tổng giá trị hợp đồng của nhà thầu tối thiểu phải đạt 82 tỷ đồng (70% của 117,2 tỷ đồng).
Tuy nhiên, trong hồ sơ mời thầu gói thầu số 2 của NPC, phần tiêu chuẩn đánh giá năng lực và kinh nghiệm nhà thầu lại có quy định dễ dàng hơn rất nhiều so với quy định tại Thông tư 05 vì NPC chỉ yêu cầu nhà thầu đã có hợp đồng với hàng hóa là công tơ điện tử, hoặc hệ thống tự động thu thập số liệu công tơ.
Nói cách khác, công tơ điện tử 1 pha có tính năng thu thập dữ liệu từ xa công nghệ RF mà ngành điện đang hướng đến áp dụng đại trà đã bị NPC “hạ tiêu chuẩn”, đánh đồng với các công tơ điện tử thông thường. Công tơ điện tử có nhiều loại với mức độ phức tạp từ thấp đến cao. Việc đưa ra tiêu chuẩn một cách mập mờ có thể dẫn tới lựa chọn nhà thầu không đủ năng lực, hàng hóa kém chất lượng vẫn được chấp nhận.
Kỳ lạ hơn nữa, trong liên danh trúng thầu, hợp đồng nói rõ chỉ có IFC chịu trách nhiệm cung cấp 500 DCU và hình thành hệ thống, còn mặt hàng chính là 128.000 công tơ điện công nghệ RF lại được giao cho PSMART. Được biết, PSMART mới được thành lập ngày 1/10/2014.
Trong khi yêu cầu tại hồ sơ mời thầu gói thầu số 2 là phải cung cấp danh sách hợp đồng trong 5 năm gần nhất thì tính đến thời điểm liên danh IFC – TSI – ELCOM nộp hồ sơ dự thầu, PSMART chỉ mới cung ứng tổng giá trị hàng hóa chưa đầy 10 tỷ đồng; trong đó hơn 7 tỷ đồng (bao gồm 4 hợp đồng) lại được ký kết với chính hai đơn vị TSI và IFC cấp tập trong 2 tháng cuối năm 2015. PSMART chỉ có 2 hợp đồng cung cấp công tơ điện tử 1 pha có tính năng đo xa công nghệ RF với Tổng công ty Điện lực Miền Nam (967,4 triệu đồng) và TSI (821,9 triệu đồng) - chỉ bằng 2% so với quy định.
Trong hồ sơ dự thầu, IFC cho biết đang thực hiện 2 hợp đồng với Tổng công ty Điện lực Miền Trung (116,4 tỷ đồng) và Tổng công ty Điện lực Miền Nam (97 tỷ đồng), ngoài ra còn cùng TSI liên danh thực hiện hợp đồng với Tổng công ty Điện lực Miền Nam (145,4 tỷ đồng). Tuy nhiên so với yêu cầu thực tế của gói thầu mà NPC đưa ra thì cả 3 hợp đồng trên đều có phần bị “lệch pha”. IFC và TSI chỉ cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu công tơ điện tử 3 pha chứ không phải là công tơ điện tử công nghệ RF thu thập dữ liệu từ xa như NPC ghi rõ trong hồ sơ mời thầu.
Do đó, các hợp đồng này có được xác định là “hàng hóa tương tự” hay không cũng là vấn đề cần phải xem xét.
Thử nghiệm không đạt, vẫn được giao thầu
Theo tài liệu phóng viên Người đưa tin có được, trước khi mở thầu, vào ngày 15/10/2015, NPC có văn bản số 4244 giao Công ty Điện lực Hòa Bình lắp đặt thử nghiệm 750 công tơ điện tử 1 pha đo xa công nghệ RF và PLC, 3 bộ DCU của nhà sản xuất PSMART với tổng giá trị hợp đồng là 857.357.500 đồng. Cuối tháng 3/2016, Công ty Điện lực Hòa Bình báo cáo chỉ số công tơ thu thập tại DCU của PSMART chưa tự động cập nhật vào hệ thống, mà vẫn phải kết nối với máy tính bảng rồi mới đồng bộ dữ liệu vào hệ thống!.
Khi những dấu hiệu “mờ ám” của liên doanh trên chưa sáng tỏ, thì mới đây nhất, ngày 26/9, Tổng giám đốc NPC Thiều Kim Quỳnh tiếp tục có Quyết định số 2994 phê duyệt Liên danh IFC – TSI – ELCOM cho Gói thầu số 4: 70.000 công tơ 1 pha 1 giá công nghệ RF và 250 DCU với tổng giá trị 63,7 tỷ đồng.
Một báo cáo gần đây cho biết, Công ty Điện lực Thái Nguyên được phân bổ 15.000 công tơ và đã lắp đặt hơn 14.000 công tơ cùng 44 DCU. Tuy nhiên, báo cáo của Điện lực Thái Nguyên cho thấy một số thiết bị chưa tự đọc được dữ liệu, mà phải nhờ nhà cung cấp đọc và xuất dữ liệu hộ; 9/44 DCU vừa mới hoạt động đã phải thay thế do tín hiệu chập chờn. Phần mềm hệ thống đo xa chỉ đọc được 80-85% số công tơ có trong trạm; cá biệt có những trạm đọc chỉ đạt 60% số lượng công tơ. Dữ liệu đọc không ổn định, có ngày đọc nhiều, ngày đọc ít.
Đông Phương