"Lỗ, thiếu vốn", hai quân bài chủ gây sức ép của EVN
Theo ông Dương Quang Thành, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, hiện các khoản lỗ của EVN rất lớn, ngoài khoản lỗ trên 8 nghìn tỷ đồng năm 2010 bị treo lại, 8 tháng đầu năm 2011 tập đoàn này tiếp tục lỗ trên 2 nghìn tỷ đồng.
Ngoài ra, một vài dự án chậm tiến độ do EVN thiếu vốn và một số dự án điện cấp bách cho khu vực phía Nam chưa ký hợp đồng vay vốn, như dự án đường dây 500 KV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông, Nhiệt điện Duyên Hải 1,3. Đây là thách thức rất lớn trong việc đảm bảo cung cấp điện khu vực phía Nam từ 2013-2015 trong khi sản xuất kinh doanh của EVN đang bị lỗ. Ngoài ra, hơn một năm nay EVN vẫn chưa thu xếp được vốn đối ứng cho Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2 và cảng Vĩnh Tân.
Giá điện luôn ở tư thế không ngừng leo thang. Ảnh minh họa.
Không dừng lại ở đó, EVN hiện vướng vào những khoản nợ kếch sù và liên tục bị các đơn vị này thúc nợ. Tính đến tháng 8, EVN đang nợ Tập đoàn Dầu khí Quốc Gia Việt Nam 7 nghìn tỷ đồng. Nhà máy điện Cẩm Phả hiện còn khoảng 1 nghìn tỷ đồng bán điện chưa được EVN thanh toán.
Trước đề xuất mới đây của EVN, PGS. Ngô Trí Long (nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học giá cả, Bộ Tài chính) bày tỏ: "Việc EVN đề xuất tăng giá điện trong tháng 9 là điều tất yếu. Tất cả các doanh nghiệp sản xuất, lúc nào cũng vậy, họ đều muốn tăng giá sản phẩm để mong đạt được lợi nhuận cao nhất. Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng không nằm ngoài quy luật đó. Chắc chắn họ chỉ đề xuất tăng giá điện chứ chẳng bao giờ chịu giảm. Đặc biệt, trong bối cảnh EVN vẫn nắm thế độc quyền về điện, họ sẽ không chấp nhận giảm giá mà sẽ tiếp tục tát nước theo mưa, lợi dụng những văn bản có lợi để đề nghị được tăng giá”.
"Năm ngoái, EVN than thở lỗ hàng chục nghìn tỷ, 8 tháng đầu năm 2011, EVN lại kêu lỗ trên 2 nghìn tỷ đồng. Theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ cho phép EVN được điều chỉnh tăng giá điện 3 tháng /lần, nếu đầu vào có biến động tăng 5%. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, để tăng giá điện đòi hỏi phải cân nhắc kỹ lưỡng và có lộ trình thích hợp. Đặc biệt, Bộ Tài chính phải tiến hành thanh tra tài chính với Tập đoàn EVN và EVN cần giải trình trước cơ quan chủ quản cũng như công luận về chi phí đầu vào trước khi đề nghị tăng giá điện”.
PGS. Long cũng cho biết, “một vấn đề cũng cần đặt ra, EVN liên tục kêu lỗ, tại sao tiền lương, thưởng, phúc lợi dành cho cán bộ nhân viên vẫn cao chót vót? Nói là lỗ, nhưng ngành điện lực đã thực sự có những đầu vào hợp lý chưa? Chi phí nhân công đã được cơ cấu hợp lý hay chưa? Các dự án đang hoạt động đã thực sự hiệu quả trong việc quản lý chi phí? Đầu tư vào các dự án mới dàn trải và không trọng điểm, đầu tư và sử dụng các thiết bị đã thực sự tiết kiệm và hiệu quả hay chưa? EVN phải trả lời được những câu hỏi đó trước công luận”.
Theo TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, quy định được điều chỉnh giá điện 3 tháng một lần nếu đầu vào có biến động thực sự khá kỳ cục. "Tôi chưa thấy nước nào trên thế giới áp dụng phương pháp này. Nếu như vậy, đơn vị đầu tư vào ngành nghề sản xuất kinh doanh sẽ không thể tính toán được. Theo nguyên lý, dự án đầu tư phải mất khoảng 3 năm, nếu cứ 3 tháng 1 lần, 1 năm 4 lần thay đổi giá điện thì doanh nghiệp sẽ vắt chân lên cổ, thậm chí chẳng biết kinh doanh thế nào. Phải có sự cam kết, những vướng mắc giữa EVN với các đơn vị khác hay trong chính bản thân EVN họ phải tự tìm cách giải quyết. Không thể thấy khổ thì đổ tội lên đầu người dân được", ông Doanh nói.
Điện tăng, lạm phát sẽ quay đầu tăng trở lại
Theo PGS. Ngô Trí Long, hiện chúng ta chưa thể tính toán cụ thể trong tháng 9, giá điện tăng thì chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sẽ tăng bao nhiêu. Tuy nhiên, điện là nguyên liệu đầu vào, giá điện tăng chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng, chi phí sản xuất cũng sẽ tăng theo.
Trong bối cảnh hiện nay, mục tiêu số 1 của Chính phủ là kiềm chế lạm phát. Trong khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vừa giảm được một tháng dưới 1%, nếu tăng vào thời điểm này, cùng với quy luật cuối năm mặt bằng CPI thường tăng thì rất dễ khiến lạm phát quay đầu tăng trở lại. Điện tăng giá kéo theo giá cả các mặt hàng tăng cao, chắc chắn cũng sẽ gây tâm lý bất an đối với người dân. Vì vậy, mọi bước đi phải rất cẩn trọng, xem xét tăng giá điện phải đặt trong bối cảnh chung, kiềm chế lạm phát.
Điện tăng giá kéo theo giá cả các mặt hàng tăng cao, chắc chắn cũng sẽ gây tâm lý bất an đối với người dân
Đồng quan điểm, TS Lê Đăng Doanh nhận định: "Đây mới chỉ là đề xuất của EVN, Bộ Công Thương đang chờ tính toán đầu vào để đưa ra quyết định cuối cùng. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải tính toán, nếu giá điện tăng chắc chắn sẽ đóng góp phần đáng kể kéo chỉ số tiêu dùng tăng lên và lạm phát sẽ trở lại. Điện là mặt hàng thiết yếu, độc quyền tuyệt đối cho sinh hoạt của người dân cũng như sản xuất công nghiệp. Nay kêu lỗ, mai kêu tăng giá, nếu cứ để tình trạng như vậy bài toán chống lạm phát sẽ rất khó giải quyết”.
Cũng theo TS Lê Đăng Doanh, việc điều chỉnh giá điện phải theo lộ trình, có phương pháp rõ ràng. “Ngành điện không thể lấy lý do lỗ, thiếu vốn hay bị các đơn vị khác thúc nợ mà bổ vào đầu người dân. Một nền kinh tế thiếu minh bạch như thế sẽ không thể nào điều hành được. Tại sao lại lỗ, lỗ vì lý do gì, đã thực hiện công khai minh bạch chưa? Đó là những câu hỏi có lẽ chỉ EVN mới trả lời được. Mặt khác, đầu tư ra ngoài ngành của EVN là rất lớn, tuy nhiên lượng đầu tư đó đã thực sự hiệu quả và được bóc tách chưa. Đầu tư dàn trải, thua lỗ người dân lại phải gánh chịu. Đã bao giờ EVN được kiểm toán một cách công khai? Thực sự tôi không hiểu nổi”, TS Doanh nói.
Một chuyên gia (đề nghị được giấu tên) cho biết: "Lý do EVN đưa ra để tăng giá điện là do thiếu vốn, kinh doanh thua lỗ chưa thực sự thuyết phục. Ngành điện, cũng như ngành xăng dầu, là ngành cung cấp năng lượng cho hoạt động của gần như tất cả các ngành kinh tế. Giá điện, giá xăng tăng sẽ làm tăng giá tất cả các loại hàng hóa. Khi giá hàng hóa đã tăng rồi thì ít khi giảm về chỗ cũ.
Vị chuyên gia cũng cho biết thêm, “bối cảnh lạm phát cao, giá tăng chóng mặt như hiện nay thì tăng giá điện chẳng khác nào đổ dầu vào lửa, khiến cộng đồng doanh nghiệp thêm khó khăn, người dân vốn đã cực càng thêm khổ. Trên cơ sở đó, mọi động thái liên quan đến giá cả của những mặt hàng này cần hết sức thận trọng. Không thể đơn giản lấy lý do đảm bảo cân bằng về tài chính, không để lỗ và bù lỗ cho EVN mà tăng giá tùy tiện được".
Cũng theo chuyên gia này, việc làm ăn thua lỗ, EVN hay bất cứ doanh nghiệp sản xuất nào họ phải tự chịu trách nhiệm. Không nên lấy lý do bị các tập đoàn khác thúc nợ hay làm ăn thua lỗ mà đòi hỏi tăng giá điện. Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, việc thanh tra tài chính Tập đoàn Điện lực Việt Nam vẫn chưa được tiến hành. Giá điện cơ cấu thế nào, việc sử dụng vốn có minh bạch hay không vẫn chưa được làm rõ.
EVN cũng cần phải xem xét lại chất lượng sử dụng các nguồn vốn, chất lượng đầu tư, thi công các công trình điện đã thực sự hiệu quả. Hao hụt trong truyền tải, phân phối, quản lý để tránh thất thoát đã thực hiện tốt chưa? Rõ ràng, sự độc quyền đã tiếp tay cho những yêu cầu, đòi hỏi quá mức của EVN.
Anh Đức