Cụ thể, Bộ Công Thương yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá kết quả cải tiến quy trình vận hành hệ thống lọc bụi tĩnh điện trong quá trình khởi động lò hơi tại Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2 trên phương diện bảo vệ môi trường xét tới yếu tố an toàn, phòng chống cháy nổ; xây dựng kế hoạch giải quyết triệt để vấn đề ô nhiễm không khí trong quá trình khởi động lò và báo cáo kết quả về Bộ Công Thương trước tháng 6.
EVN cũng phải xây dựng chương trình truyền thông nhằm thông tin đầy đủ về hoạt động của nhà máy nhiệt điện, công tác bảo vệ môi trường tới người dân khu vực xung quanh, chỉ đạo các đơn vị nhiệt điện rà soát chuẩn hóa các biện pháp, giải pháp vận chuyển và đổ thải nhằm bảo đảm lưu giữ tro xỉ an toàn và không phát tán ảnh hưởng tới môi trường xung quanh.
Với các dự án đang xây dựng, EVN cần chỉ đạo các Ban Quản lý Dự án phối hợp chặt chẽ với nhà thầu nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, vận hành thử nghiệm.
Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Vinachem chỉ đạo Công ty Cổ phần DAP 1, 2 gia cố các bãi thải để tránh sạt lở, phát tán bụi, khí, bảo đảm an toàn, môi trường trong mùa mưa bão. Thực hiện giải pháp quản lý, xử lý chất thải theo đúng cam kết về bảo vệ môi trường; chỉ đạo Công ty Cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao xử lý triệt để nước thải phát sinh đảm bảo các yêu cầu bảo vệ môi trường, báo cáo Bộ Công Thương trước tháng 6 năm nay.
Đối với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam PVN, bộ yêu cầu chỉ đạo Công ty Nhiệt điện Vũng Áng 1 hoàn thành việc xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường, triển khai các biện pháp quản lý tro xỉ theo đúng quy định.
Các đơn vị khác như Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam, Tổng Công ty Thép Việt Nam, Tập đoàn Dệt may Việt Nam cũng phải có các chỉ đạo nhằm giải quyết những vấn đề liên quan đến môi trường.
Trước đó, Bộ Công Thương công bố danh sách khoảng 30 dự án, nhà máy nhiệt điện, hóa chất, thủy điện khai thác khoáng sản nằm trong danh sách có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm trong diện "giám sát đặc biệt".
Hiện ngành Công Thương có 64 cơ sở đã có Quyết định chứng nhận hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm; 7 cơ sở đã cơ bản hoàn thành yêu cầu xử nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận. Trong đó, có 5 đơn vị đã ngừng hoạt động hoặc ngừng hoạt động bộ phận gây ô nhiễm môi trường, 2 đơn vị đã cơ bản hoàn thành yêu cầu xử lý triệt để ô nhiễm môi trường.
Thanh Hương