Những nỗ lực của Ukraine nhằm mua các máy bay chiến đấu F-16 của Mỹ đã được thúc đẩy mạnh mẽ trong cuối tuần vừa rồi, sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra lời hậu thuẫn về việc sẽ giúp các phi công của Ukraine được huấn luyện sử dụng loại máy bay này.
Những bình luận của Tổng thống Joe Biden với các lãnh đạo nhóm G7 tại Nhật Bản được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Anh và Hà Lan cho biết, hai nước này đang dựng lên một “liên hiệp quốc tế” giúp Ukraine mua F-16.
Những chiếc F-16 sẽ là cải thiện đáng kể so với các máy bay thời Xô Viết đang được không quân Ukraine sử dụng. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã đón chào quyết định của Tổng thống Joe Biden và trong một bài đăng trên Twitter đã cho biết: “Quyết định này sẽ mang lại cải thiện đáng kể cho không quân của chúng tôi”.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo, những chiếc máy bay chiến đấu này không phải là liều thuốc tiên cho mọi vấn đề, chúng mang những điểm yếu mà chính quyền Moscow biết rõ và có thể sẽ lợi dụng.
Một phi công F-16 tại ngũ chia sẻ với CNN rằng những kỳ vọng xung quanh chiếc máy bay này có thể đang quá cao. “Về câu hỏi rằng liệu chiếc F-16 có thể mang lại thay đổi đáng kể hay không, câu trả lời là không”, người phi công cho biết. Phi công này yêu cầu giữ kín danh tính vì không được phép bình luận.
Máy bay chiến đấu thông dụng nhất thế giới
F-16 là máy bay chiến đấu một động cơ, đa nhiệm vụ, điều này đồng nghĩa với việc chiếc máy bay này có thể được sử dụng trong các nhiệm vụ không-đối-không cũng như tấn công mặt đất.
Không quân Mỹ đánh giá F-16 là “một hệ thống vũ khí hiệu năng cao, có giá thành khá thấp”.
Hàng ngàn chiếc F-16 đã được chế tạo trong nhiều thập kỷ qua và hàng trăm trong số đó đã được xuất khẩu tới các quốc gia trên toàn thế giới.
Theo danh mục Không quân Thế giới của Flight Global, năm nay có tới gần 2.200 chiếc F-16 được sử dụng, khiến nó trở thành mẫu máy bay chiến đấu thông dụng nhất trên toàn thế giới, chiếm 15% tổng số máy bay chiến đấu trên toàn cầu.
Những chiếc F-16 được cung cấp cho Ukraine sẽ là các phiên bản cũ hơn so với những chiếc F-16 được sử dụng bởi các đồng minh của Mỹ, nhất là các quốc gia Tây Âu.
Các nhà phân tích cho biết, những chiếc F-16 được cung cấp cho Ukraine sẽ không phải là những phiên bản cũ nhất mà là những chiếc máy bay đã được trải qua quy trình gọi là “nâng cấp giữa vòng đời”. Đây là những cải thiện được áp dụng đối với hệ thống điện tử và phần mềm của máy bay.
Ukraine cho biết, họ cần 200 chiếc F-16, một con số phù hợp.
Robert Hopkins, một tác giả về hàng không quân sự và một cựu phi công thuộc Không quân Mỹ cho biết: “Hiện tại, có một lượng dư những chiếc F-16 tại các quốc gia phương Tây, mang lại khả năng cung cấp sẵn sàng và một đường dây hậu cần đảm bảo”.
“Hiện tại, có một số mẫu máy bay khác tiên tiến hơn F-16, nhưng chúng có số lượng ít hơn và không sẵn sàng chuyển giao”.
Những chiếc máy bay tiên tiến hơn có lẽ là những chiếc thường được nhiều người biết đến như F-35 và F/A-18 của Mỹ hay Rafale của Pháp.
Bên cạnh đó cũng có các mẫu máy bay ít được biết đến hơn.
Peter Layton, một thành viên tại Viện Châu Á Griffith và cựu sĩ quan Không quân Hoàng gia Australia cho biết: “Mẫu máy bay tốt nhất về mặt kỹ thuật có lẽ là chiếc Grippen của Thụy Điển vì khả năng chiến đấu, khả năng hoạt động tại các môi trường căn cứ khắc nghiệt cũng như tính dễ bảo trì. Tuy nhiên, số lượng sản xuất mẫu máy bay này hàng năm rất thấp và hiện tại không có sẵn nguồn cung”.
Giữ F-16 hoạt động trên không
Các nhà phân tích cho rằng số lượng F-16 được sử dụng trên toàn thế giới đã góp phần xây dựng nên một đường dây hậu cần đảm bảo và một số lượng bộ phận dự phòng lớn - những thành phần quan trọng để giúp cho máy bay sẵn sàng chiến đấu.
Nhưng, họ cũng cho biết rằng đối với những chiếc máy bay hiện đại như F-16, việc huấn luyện nhân viên bảo trì có thể mất nhiều thời gian hơn cả huấn luyện phi công.
Ông Layton cho biết: “Tôi nghĩ hoàn toàn có thể huấn luyện một phi công Ukraine điều khiển chiếc F-16 trong vòng ba tháng”.
Nhưng, theo một báo cáo vào tháng ba vừa rồi về khả năng cung cấp F-16 của Vụ Khảo cứu Quốc hội Mỹ CRS thì “quy trình huấn luyện nhân viên bảo trì có thể mất nhiều tháng hoặc nhiều năm, tùy vào mức độ thành thạo mong muốn”.
Theo báo cáo này của CRS, ngay cả sau khi trải qua 133 ngày huấn luyện, các nhân viên bảo trì của Không quân Mỹ vẫn phải học hỏi thêm khi làm việc trong vòng một năm trước khi được chứng nhận đầy đủ.
Báo cáo này cũng đề ra rằng có thể sẽ có một số vấn đề về số lượng. Những chiếc F-16 yêu cầu rất nhiều thời gian bảo trì: khoảng 16 giờ bảo trì cho mỗi giờ hoạt động.
Về việc huấn luyện phi công, ông Layton và phi công giấu tên đều chia sẻ với CNN rằng ba tháng huấn luyện chỉ đủ cho những điểm cơ bản, bao gồm cất cánh, giữ cho chúng hoạt động trên không và hạ cánh an toàn. Những nhiệm vụ chiến đấu trở nên phức tạp hơn rất nhiều.
Theo phi công này, F-16 là máy bay rất dễ làm quen nhưng để sử dụng chúng hiệu quả trong “môi trường mục tiêu động” có thể mất nhiều năm.
“Học cách điều khiển F-16 chỉ là một phần của cuộc chiến. Các phi công Mỹ được huấn luyện đầu tiên để bay, sau đó họ được huấn luyện chỉ huy hai chiếc F-16, rồi bốn chiếc F-16. Đây là một quy trình dài nhiều năm, và đây chỉ là phần dành cho đơn vị chiến đấu chiến thuật cơ bản”.
Ông Layton cho biết, những phi công hiện tại của Ukraine đã thể hiện khả năng cao, và có thể “vừa học vừa làm” với chiếc F-16 trong trường hợp chỉ phòng thủ đường không, bắn hạ máy bay và tên lửa của Nga trong tương lai gần.
Ông cho biết thêm: “Những logic này sẽ vô nghĩa trong trường hợp họ cần được huấn luyện tấn công mặt đất trong mọi điều kiện thời tiết hoặc ban đêm ở độ cao thấp, sử dụng các hệ thống hồng ngoại và các hệ thống bom dẫn đường. Bởi, quy trình đó sẽ mất rất nhiều thời gian”.
Cất F-16 ở đâu?
Có nhiều câu hỏi về việc những chiếc F-16 của Ukraine sẽ được triển khai ở đâu.
Hai nhà phân tích của RAND Corp, ông John Hoehn và ông William Courtney đã viết trong một bài viết vào đầu tháng này: “Những chiếc F-16 hoạt động tốt nhất trên những đường băng dài chất lượng cao. Chúng có thể gặp trở ngại với những đường băng thô sơ thời Xô Viết trên khắp Ukraine”.
“Để mang về máy bay của các quốc gia phương Tây, họ sẽ phải lát lại và có thể sẽ phải mở rộng một số đường băng, một quy trình mà Nga rất có thể sẽ phát hiện. Nếu chỉ có một số sân bay phù hợp nằm tại những vị trí được biết rõ, những cuộc tấn công tập trung của Nga có thể sẽ ngăn cản khả năng hoạt động của những chiếc F-16 của Ukraine”.
Theo các nhà phân tích, giả sử Ukraine có thể khắc phục những vấn đề về hậu cần và bảo trì và tìm được đường băng an toàn cho những chiếc F-16 thì họ vẫn cần trang bị vũ khí phù hợp để chúng có thể hiệu quả trước những máy bay chiến đấu mà Nga sử dụng như Su-25 và MiG-31.
Theo báo cáo của CRS, “lợi thế đến từ việc chuyển giao máy bay chiến đấu tiên tiến từ phương Tây nhằm đạt được ưu thế trên không chỉ có thể thành hiện thực nếu chúng đi kèm với lượng lớn các loại đạn dược mà phương Tây sản xuất”.
Những vũ khí hiện đại từ phương Tây cho F-16 sẽ rất đắt đỏ.
Ví dụ, theo CRS, một tên lửa không-đối-không tầm trung tiên tiến (AMRAAM) có giá khoảng 1.2 triệu USD và mất 2 năm để sản xuất một tên lửa này.
Cũng theo CRS, chính phủ Mỹ có thể cung cấp AMRAAM và những vũ khí khác từ kho vũ khí của họ. Nhưng với thời gian sản xuất dài như vậy, họ sẽ đối mặt với rủi ro cạn kiệt kho vũ khí của mình nếu chúng cần được sử dụng trong một cuộc xung đột liên quan trực tiếp tới các lực lượng quân sự của Mỹ.
Cuộc chiến chính trị và tương lai
Mặc cho những hạn chế của F-16, ông Hopkins cho biết, một cuộc chiến chính trị đang diễn ra, và chiến thắng cần phải được hiện thực hóa trên chiến trường.
Ông cho biết, việc cung cấp F-16 cho Ukraine thể hiện “sự hợp tác chính trị và ngoại giao mạnh mẽ giữa nhiều quốc gia phương Tây và đặc biệt là các quốc gia thuộc nhóm NATO”.
Ông Layton cũng cho biết, Ukraine cũng cần phải cân nhắc kỹ.
Theo ông, chính quyền Kyiv sẽ không thể thay thế được những chiếc máy bay từ thời Xô Viết của họ trong trường hợp chúng trì trệ hay bị bắn hạ.
“Sau một thời gian, Không quân Ukraine sẽ không còn chiến đấu hiệu quả nữa. Họ cần những chiếc máy bay mới cho những nhiệm vụ phòng không trong tương lai”.
Ông cho biết, việc chuyển sang sử dụng máy bay của phương Tây vào lúc này là có lý.
Tuy nhiên, cuộc chiến tại Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc sớm, và những phi công đang sử dụng F-16 không nghĩ rằng loại máy bay này sẽ đẩy nhanh tiến độ đó.
Phi công giấu tên cho biết: “Cung cấp F-16 cho Ukraine sẽ là một bước thúc đẩy tinh thần và thêm phần nhỏ vào khả năng chiến đấu của họ, chỉ có vậy thôi”.
“Chúng có thể sẽ được sử dụng vài lần trong năm tới và mang về một số thành công, nhưng không có một chiếc máy bay nào có thể thay đổi tình hình của cuộc chiến này”.
Nguyễn Quang Minh (Theo CNN)