Theo Politico, đây là vụ mới nhất trong một loạt các vụ việc liên quan đến vấn đề pháp lý của trang mạng xã hội khổng lồ này trong những năm gần đây.
Cùng với các công ty công nghệ khác như Google và Twitter, Facebook thường xuyên bị kéo vào các cuộc tranh luận về cách nó sử dụng thông tin trực tuyến được thu thập từ khoảng 2 tỷ người dùng hàng tháng trên toàn thế giới.
Tuy nhiên, khối dữ liệu khổng lồ ấy đã trở thành huyết mạch của các công ty trực tuyến ngày càng lớn mạnh và nhiều lợi nhuận này, dù việc thu thập thông tin cũng đã làm dấy lên những lo ngại về sự riêng tư của người dùng trên mạng.
Cụ thể, theo một phần của phán quyết, cơ quan bảo vệ dữ liệu của Tây Ban Nha cho biết, họ tìm thấy ba trường hợp mà Facebook thu thập dữ liệu cá nhân của hàng triệu người dùng ở các nước châu Âu mà không thông báo cho họ biết những thông tin đó sẽ được sử dụng như thế nào.
Bên cạnh đó, cơ quan này cũng đang tiến hành một cuộc điều tra dài hạn trên Facebook cùng với các đối tác ở Pháp, Đức, Bỉ và Hà Lan. Những nước này cũng cho rằng gã khổng lồ công nghệ Facebook đã không thông báo đầy đủ cho người dùng về cách công ty sẽ sử dụng dữ liệu được thu thập từ trang web bên thứ ba.
“Chính sách bảo mật của Facebook có những điều khoản chung chung và không rõ ràng. Facebook cũng không thu thập đầy đủ sự đồng ý của người sử dụng hoặc người không sử dụng, điều này cấu thành một vi phạm nghiêm trọng”, cơ quan chức năng cho biết trong một tuyên bố.
Cơ quan này còn tiết lộ rằng, Facebook cũng lưu giữ dữ liệu của người dùng trong 17 tháng, thậm chí sau khi mọi người xóa tài khoản của họ và xóa thông tin cá nhân khỏi mạng xã hội.
Đáp lại luồng thông tin này, gã khổng lồ Facebook nói rằng, họ không đồng ý với đánh giá của giám sát viên và sẽ kháng cáo quyết định. Trước đó, hồi năm ngoái, Facebook đã thắng được một vụ kiện tương tự khi kháng cáo chống lại cơ quan bảo vệ dữ liệu của Bỉ.
Sally Aldous, người phát ngôn của Facebook, nói: “Người dùng chọn những thông tin họ muốn thêm vào hồ sơ của họ và chia sẻ với những người khác. Chúng tôi không sử dụng thông tin này để nhằm mục tiêu quảng cáo tới mọi người”.
Trong khi cơ quan tại Tây Ban Nha là một trong số ít các cơ quan giám sát về quyền riêng tư trên toàn thế giới có thể đưa ra hình phạt về tài chính đối với Facebook thì khoản tiền phạt này chỉ là một khoản cực nhỏ so với hàng chục tỷ USD doanh thu hàng năm của công ty, tờ Politico nhận định.
Trước đó, hồi tháng 5, cơ quan bảo vệ dữ liệu của Pháp cũng đã phạt Facebook 150.000 Euro. Đây là mức phạt tối đa đối với các vi phạm tương tự như những gì được phát hiện bởi đối tác Tây Ban Nha. Facebook vẫn phủ nhận cáo buộc này.
Vừa qua, Facebook cũng trở thành “cột thu lôi” trong cuộc tranh luận về cách thức thu thập và sử dụng thông tin trực tuyến của người dân, cũng như vai trò của họ trong việc phổ biến tin tức giả mạo và những lời nói dối đối với người dùng trên toàn cầu.
Về phương diện này, Facebook cho biết, họ đã cố gắng kiềm chế các hoạt động như vậy, bao gồm việc thuê hàng ngàn người hướng dẫn mới để kiểm soát nội dung và xóa hàng trăm nghìn tài khoản người dùng đã chia sẻ tài liệu bất hợp pháp.
Tuy nhiên, dấu hiệu gần đây cho thấy Facebook sẽ phải đối mặt với các khoản phạt tài chính tiếp theo trong tương lai gần. Cụ thể, Đức sẽ đưa ra một số luật về ngôn từ hóc búa trực tuyến nghiêm ngặt nhất trên thế giới vào ngày 1/10, cho phép các nhà lập pháp xử phạt các công ty truyền thông xã hội như Facebook lên đến 50 triệu Euro nếu họ không loại bỏ những ngôn từ không phù hợp trong các trang cá nhân trên mạng Facebook trong một khoảng thời gian nhất định.
Theo Dân Trí