Liên tục dính vào các bê bối xâm phạm quyền riêng tư của người dùng, Facebook đang lọt vào “danh sách đen” của rất nhiều quốc gia.
Tại Mỹ, Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) đã thực hiện một cuộc điều tra về vụ bê bối Cambridge Analytica. Trong sự cố vừa rồi, công ty này đã khai thác trái phép thông tin cá nhân của hơn 87 triệu người dùng Facebook, ảnh hưởng đến kết quả cuộc bầu cử Mỹ năm 2016. Đến cuối tháng 4/2019, cuộc điều tra đang dần khép lại.
Ngày 24/4, phía Facebook tiết lộ đã chuẩn bị 3 tỷ USD để dàn xếp vụ việc. Trang Politico và báo New York Times đưa tin để giải quyết bê bối bên ngoài tòa án, Facebook sẽ phải chấp nhận điều kiện FTC đưa ra, thành một ủy ban giám sát quyền riêng tư mới.
Ủy ban này có thể các thành viên hội đồng quản trị và sẽ họp hàng quý và xem xét các quy tắc thực hành quyền riêng tư của Facebook. CEO Mark Zuckerberg cũng có thể đảm nhận vai trò mới với tư cách là người chịu trách nhiệm cá nhân chính về cách Facebook duy trì quyền riêng tư dữ liệu của người dùng.
Bên cạnh đó, Facebook sẽ phải bổ nhiệm một chuyên viên giám sát quyền riêng tư, được FTC thông qua. Chuyên viên này sẽ giám sát các hoạt động của Facebook và xác định xem mạng xã hội này có tuân thủ các yêu cầu của FTC hay không.
Business Insider nhận định với việc Facebook phải chấp nhận các điều kiện này, quyền lực của Zuckerberg sẽ bị thu hẹp nghiêm trọng. Sẽ có các chuyên viên độc lập giám sát mọi hành động của Zuckerberg và buộc anh ta phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra sai sót.
Trước đây, Zuckerberg từng nhiều lần phản đối việc bị giám sát. Một nhóm cổ đông từng ép Facebook bổ nhiệm một chủ tịch độc lập, nhưng Zuckerberg kịch liệt phản đối. Các cổ đông chỉ ra việc Zuckerberg đảm đương cả vai trò CEO lẫn chủ tịch Hội đồng quản trị là nguyên nhân dẫn đến những bê bối của mạng xã hội này.
Dự kiến trong cuộc họp cổ đông ngày 30/5 tới, các nhà đầu tư sẽ lại tìm cách thay đổi cấu trúc quản trị của Facebook và đẩy Zuckerberg ra khỏi chiếc ghế chủ tịch Hội đồng quản trị.
Bá Di (Tổng hợp)