Điều này làm dấy lên câu hỏi về sự xâm phạm niềm tin của người dùng và sự phân biệt đối xử mà Facebook đang làm. Vụ việc nằm trong chuỗi bê bối mà Facebook đang phải đối mặt, khi TechCrunch cho biết rằng các tin nhắn cũ Mark từng gửi cho họ đã biến mất trong khi tin nhắn đã gửi đi của họ thì vẫn còn.
TechCrunch đã kiểm chứng điều này qua một email thông báo về tin nhắn Facebook từ năm 2010 và nhận thấy điều này là đúng. Các nội dung tin nhắn đã biến mất đó không còn xuất hiện trong các tập tin tải về từ công cụ Download Your Information của Facebook và nhật ký chat nữa.
Facebook đã trả lời về thông tin này như sau: "Sau khi các email của Sony Pictures bị hack vào năm 2014, chúng tôi đã thực hiện nhiều thay đổi để bảo vệ quá trình quá trình giao tiếp của các lãnh đạo công ty, bao gồm việc giới hạn thời gian lưu giữ tin nhắn của Mark Zuckerberg trong Messenger. Chúng tôi làm việc này hoàn toàn trong phạm vi nghĩa vụ pháp lý lưu giữ các tin nhắn của mình".
Câu hỏi đặt ra cho Facebook là mạng xã hội này chưa bao giờ thông báo công khai với người dùng rằng tin nhắn của Mark và một số nhà lãnh đạo khác gửi đi có thể bị xóa và những người tham gia cuộc trò chuyện cũng không được thông báo. Trả lời TechCrunch, một người phát ngôn của Facebook cho biết người dùng chỉ có thể xóa tin nhắn họ gửi đi trong chính hộp tin nhắn của họ, không thể xóa trong hộp tin nhắn của người nhận.
Tuy nhiên, trên thực tế, tin nhắn gửi đi của người dùng từ nhiều năm trước vẫn tồn tại trong hộp tin nhắn. Nghĩa là Mark và một số nhà lãnh đạo khác của Facebook được hưởng đặc quyền riêng, bất chấp việc Facebook luôn tỏ ra mình cố gắng đem lại trải nghiệm tốt hơn cho người dùng.
Đặc quyền này được giải thích là để tránh bị hack và làm lộ các bí mật liên quan đến kế hoạch hoạt động của Facebook. Song lẽ ra Facebook nên thông báo, hoặc chỉ nên xóa tin nhắn trong hộp thư riêng của người gửi, thay vì xóa luôn ở cả hai phía. Hành động đó của Facebook chỉ cho thấy hãng đang cố gắng che giấu điều gì đó.