Cái bệnh cuồng sao Hàn, những tưởng đã được nhiều chuyên gia tâm lý và thần kinh học - thông qua báo chí, chữa trị phần nào cho một bộ phận không nhỏ những nam thanh nữ tú Việt. Ấy nhưng sự kiện diễn ra vào tối ngày 17/2 vừa qua đã thẳng thừng bác bỏ tất cả những cố gắng và những ảo tưởng của chúng ta khi cho rằng, một bộ phận giới trẻ Việt đã tỉnh ngộ.
Nhìn cảnh lực lượng chức năng phải làm việc cật lực để giải tỏa đám đông và giữ trật tự trước khu vực quán bar ở phố Bà Triệu (Hà Nội) - nơi Seungri, thành viên nhóm Big Bang (Hàn Quốc) dự kiến có mặt - nhiều người chắc cảm thấy bi phẫn lắm.
Không bi phẫn sao được khi chúng ta phải chứng kiến hình ảnh hàng trăm các bạn trẻ đứng chật kín hai bên đường, từ tối cho tới đêm để chờ đợi. Mỗi khi có một chiếc ô tô tấp vào quán bar là đám đông hỗn loạn lại ùa theo, giống như những con thiêu thân lao mình vào đống lửa một cách ngây thơ và cuồng dại.
Nhưng hỡi các bạn trẻ, sau tất cả, các bạn có biết tôi nhìn thấy những gì không? Tôi thấy trên tay các bạn lăm lăm chiếc điện thoại sẵn sàng giơ lên để chụp ảnh, để kịp bắt lấy những khoảng khắc của thần tượng (dù điều đó là bất khả thi). Nhưng để làm gì vậy? Chắc là để kịp post một tấm hình, một status lên facebook kiếm vài like dạo để khẳng định tôi đã ở đây, thức trắng đêm chờ thần tượng.
Vậy đấy, việc trực chờ cả đêm rình thần tượng không đơn thuần chỉ là thỏa mãn sự cuồng tín cá nhân trong con người các bạn. Nó còn thỏa mãn một khát vọng lớn hơn nhiều: Khát vọng muốn hơn người khác. Tôi tin sau buổi tối đó, ngày mai các bạn sẽ oang oang kể cho các bạn mình nghe tối qua mình đã làm gì? Đứng ở vị trí nào? Dùng thủ thuật ra sao... để chộp được một bức hình của thần tượng.
Và nói trắng ra thì thần tượng chỉ là cái cớ để các bạn lợi dụng khoe tài, khoe đẳng cấp, khoe sự sành điệu, khoe giỏi giang... trước mặt mọi người. Lúc ấy chắc hẳn các bạn sẽ thỏa mãn vô cùng vì cảm giác chiến thắng? Các bạn đã làm được những điều nhiều bạn trẻ khác không làm được.
Chính vì thế mà tôi không trách các bạn, càng không dám lên án nặng lời. Các cụ xưa vẫn dạy, không nên vì sai lầm của người trẻ mà bảo chúng là đáng vứt đi. Tại sao ư? Vì lỗi đâu chỉ nằm ở các bạn? Trong thời đại mà không ít người lớn đua chen nhau để kiếm tiền; giành giật, giẫm đạp lên nhau để cầu danh cầu lợi, cầu tài cầu lộc thì thử hỏi, việc chen nhau chụp một tấm ảnh thần tượng có xá gì?
Con người giờ đây chỉ chăm chăm hướng tới ngoại vật (là tiền bạc, danh tiếng ...) mà rất ít tu dưỡng đời sống nội tâm (là tri thức, đạo đức ...). Điều này "đẻ" ra tệ sùng bái cá nhân ngày càng trầm trọng trong xã hội mà biểu hiện của nó trong những năm gần đây cũng vô cùng nhức nhối. Tiêu biểu nhất chính là văn hóa đi lễ hội với cảnh cướp ấn, cướp lộc ...
Nếu nhìn rộng ra như vậy thì chính người lớn còn mắc bệnh sùng bái cá nhân trầm trọng hơn nhiều các bạn trẻ. Họ suy cho cùng cũng chỉ vì mấy anh đẹp trai, mấy cô xinh gái mà thôi.
Nói như vậy không có nghĩa người viết đi bênh vực những hành động chướng tai gai mắt của các bạn trẻ nêu trên. Nhưng như đã phân tích, người trẻ hiện nay muốn thể hiện mình, chẳng qua họ sai cách mà thôi. Thay vì tu dưỡng đời sống bên trong để nâng cao giá trị bản thân, họ lại hành động theo kiểu “mì ăn liền” để nhanh chóng đạt được sự nổi tiếng.
Thế nên, nếu trách các bạn trẻ một, người lớn chúng ta phải trách bản thân gấp đôi. Bởi nhân cách một đứa trẻ là thành quả giáo dục của một gia đình. Nhân cách một thế hệ là thành quả giáo dục của một xã hội. Tại sao chúng ta không thẳng thắn nhìn vào thực tế đó để cùng thay đổi?
Xem thêm:>>Bi hài “fan cuồng” hay là thói a dua?
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Phạm Văn