Hôm 28/8, Facebook thông báo các fanpage không còn được mua quảng cáo trên nền tảng nếu lặp lại hành vi chia sẻ tin tức bị các bên thứ ba đánh dấu là giả mạo. Dù vậy, lệnh cấm không phải là vĩnh viễn. Chủ các trang vẫn có thể chạy quảng cáo trở lại nếu họ hành động có trách nhiệm.
Động thái này của Facebook sẽ hạn chế một trong yếu tố quan trọng giúp tin giả mạo lan truyền chóng mặt bởi trả tiền để quảng cáo bài viết là cách để đưa tin tức đến với News Feed của nhiều người hơn. Theo Rob Leathern, Giám đốc sản phẩm Facebook, những tin tức giả mạo làm xói mòn lòng tin của người dùng.
Facebook bắt đầu hợp tác với các bên xác thực tin tức vài tháng sau khi CEO Mark Zuckerberg phủ nhận ảnh hưởng của tin giả mạo đối với kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ 2016. Ngay sau cuộc bầu cử, Zuckerberg viết rằng: “… Hơn 99% những gì mọi người nhìn thấy là xác thực. Chỉ có một lượng rất nhỏ là tin giả mạo và lừa đảo”.
Từ đó đến nay, mạng xã hội lớn nhất thế giới đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm hạn chế sự xuất hiện của tin giả mạo trên nền tảng. Các động thái khác bao gồm đóng cửa mạng bot được dùng để gian lận quảng cáo và giảm giá trị các liên kết từ những website có tiền sử xấu.
Facebook chia cuộc chiến chống tin giả mạo thành ba con đường: đánh vào yếu tố kinh tế, phát triển sản phẩm mới và giúp mọi người ra quyết định đúng đắn. Thay đổi mới nhất của mạng xã hội rơi vào nhóm thứ nhất.
Theo ông Leathern, nếu các fanpage chỉ vô tình chia sẻ tin giả mạo và sau này không lặp lại hành động đó nữa, họ có thể tiếp tục mua quảng cáo. Facebook từ chối chia sẻ ước tính về thiệt hại tài chính từ việc này. Công ty kiếm được 9,32 tỷ USD trong quý II/2017, phần lớn đến từ quảng cáo di động.
Theo ictnews