FBI "bỏ qua" khủng bố vi khuẩn bệnh than
Năm 2001, một năm đầy biến động của Mỹ cũng là một năm bắt đầu cho những sai sót của Cục điều tra liên bang Mỹ FBI. "Mở màn" là vụ Amerithrax - khủng bố vi khuẩn bệnh than. Vụ việc này kéo dài tới tận 6 năm và gần như là thất bại lớn nhất của FBI còn dai dẳng đến tận ngày nay.
Vụ việc bắt đầu bằng cuộc điều tra hình sự lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ, với hàng trăm điều tra viên được tung đi khắp nơi để tìm ra manh mối tên khủng bố giấu mặt đã bỏ những lá thư chứa vi khuẩn bệnh than vào các thùng thư ở Princeton (New Jersey) làm 5 người chết, 17 người nhiễm bệnh và 17 văn phòng công sở, tòa báo lớn tại các bang New Jersey, Florida, New York, kể cả các tòa nhà Quốc hội và Trụ sở Tòa án tối cao phải sơ tán.
Thiệt hại vật chất ước tính hơn 1 tỉ USD. Hơn 8.000 cuộc điều tra xét hỏi cùng hàng trăm vụ khám xét nhà ở, chỗ làm việc của nhiều đối tượng tình nghi được thực hiện. Thậm chí, hàng trăm người bị đưa vào diện nghi vấn, hầu như là các bác sĩ, các nhà nghiên cứu y sinh học làm việc tại các cơ quan nghiên cứu. Tất cả họ đều bị FBI theo dõi 24/24h. FBI còn tiêu tốn đến 18 triệu USD cho các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu cách những tên khủng bố bào chế vi khuẩn bệnh than.
Tòa tháp đôi bốc cháy trong vụ khủng bố 11/9/2001.
Trong khi đó, các nhân viên điều tra FBI còn nghe ngóng các thông tin chỉ điểm và lập tức theo các thông tin đó đi tìm nơi khởi nguồn của vi khuẩn bệnh than. Họ bay sang tận Lithuania, Afghanistan, Malaysia và cả Zimbabwe khi nhận được nguồn tin về bào tử vi khuẩn bệnh than. Tuy nhiên, kết quả vẫn là con số không.
Quá thất vọng và chán nản, số lượng điều tra viên từ con số hàng trăm đã rút xuống chỉ còn 21 người trong công cuộc tìm kiếm vô vọng. Không chỉ thất bại trong điều tra, FBI còn phải đối mặt với vụ kiện kéo dài hai năm của tiến sĩ Steven Hatfill, người đã bị cuộc điều tra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống và thanh danh bị xúc phạm.
Tiến sĩ Hatfill vốn làm việc tại Tập đoàn nghiên cứu khoa học khổng lồ Science Applications International Corp. (SAIC), chuyên hợp đồng với chính phủ. Tại SAIC, Hatfill chuyên thiết kế và huấn luyện phòng chống khủng bố sinh học, hợp tác với Bộ chỉ huy Các chiến dịch đặc biệt liên quân (JSOC) huấn luyện cho các nhóm biệt kích chống khủng bố sinh học ở Fort Bragg, bang North Carolina.
Thực tế, ban đầu, FBI nghi ngờ Al - Qaeda là thủ phạm gây ra vụ khủng bố này nhưng sau khi xác định được bào tử vi khuẩn bệnh than là một trong 86 dòng vi khuẩn bệnh than xuất phát từ các dự án nghiên cứu sinh học Quốc phòng Mỹ, các nhân viên điều tra FBI mới bắt đầu đặt ra nghi vấn cho người bên trong ngành nghiên cứu vũ khí sinh học.
Và Hatfill là đối tượng nghi vấn hàng đầu bởi trong hồ sơ xin việc, ông khai mình có kiến thức rất sâu rộng về vũ khí sinh học của Mỹ, kể cả các loại vi trùng khô và ướt. Hơn nữa, nhiều lần Hatfill còn "khoe" với các học viên lớp huấn luyện chống khủng bố rằng ông nắm rất rõ cách bọn khủng bố sinh học thực hiện, đặc biệt là khủng bố bằng vi khuẩn bệnh than.
Ngoài ra, một việc khiến các điều tra viên tin vào phán đoán của mình hơn cả là hồ sơ cá nhân của Hatfill có nhắc đến địa danh Greendale trùng tên với một trong những trường học có mẫu vi khuẩn bệnh than trong các lá thư khủng bố.
Do đó, FBI dồn mọi quan tâm đến Hatfill, từ lục soát nơi ở và làm việc, nghe lén điện thoại cho đến việc bám sát suốt 24/24h theo dõi nhất cử nhất động của Hatfill, với hy vọng tìm được một bằng chứng nào đó buộc tội ông.
Có lần, chỉ vì nghe lén được câu chuyện "khoe khoang cho sướng miệng" của Hatfill với học trò mình mà FBI đã huy động hàng trăm người, xe cộ phương tiện và tiêu tốn hết 250.000 USD để bơm hút hết nước một cái hồ gần nơi ông ở, nạo bùn lên để tìm chứng cứ nhưng không thấy gì. Các hoạt động điều tra của FBI đã khiến Hatfill bị SAIC sa thải, mất luôn các hợp đồng huấn luyện với DIA và cả việc thỉnh giảng tại một trường đại học ở New York...
FBI "vô tình" bỏ qua kẻ khủng bố Bruce E. Ivins.
Và “dính” kiện
Vì những thiệt hại trên, tiến sĩ Hatfill đã thuê luật sư khởi kiện Bộ Tư pháp, FBI và các cá nhân liên quan đến cuộc điều tra vô căn cứ này. Sau đó, vụ kiện bị trì hoãn gần hai năm vì Bộ Tư pháp kháng nghị lên tòa án yêu cầu bảo mật thông tin cho tiến trình điều tra.
Trong khi đó, ông Hatfill tiếp tục bị FBI điều tra, theo dõi, bị lục soát nhà ở và bị cản trở không tìm được việc làm. Đến năm 2005, Thẩm phán Reggie Walton thuộc Tòa liên bang khu vực Washington đã cho phép các luật sư của Hatfill tiến hành thẩm vấn một số bị đơn và ông Hatfill đã đòi FBI, Bộ Tư pháp và các cá nhân làm hại cuộc đời ông phải bồi thường bằng tiền.
FBI vẫn không từ bỏ vụ việc mà quyết theo nó đến cùng dù bằng chứng trong tay vẫn hết sức mơ hồ. Mãi đến đầu năm 2010, FBI mới kết thúc điều tra vụ việc và có câu trả lời: Tiến sĩ Bruce E. Ivins, một nhà nghiên cứu sinh học quốc phòng, đã một mình thực hiện vụ tấn công này. Trong danh sách các nhà nghiên cứu bị tình nghi cũng có tên tiến sĩ Bruce nhưng FBI lại chỉ tập trung vào Hatfill, để Bruce "lọt" ra khỏi tấm lưới giăng kín của FBI.
Bruce làm việc hơn 30 năm tại phòng thí nghiệm sinh học quốc phòng của Viện Nghiên cứu quân y về các bệnh truyền nhiễm (USAMRIID). Bruce bị phát hiện là khủng bố nhờ một nhân viên tình cờ đọc được hồ sơ của Bruce. Sau khi nghe tin các ủy viên công tố liên bang đang chuẩn bị truy tố mình về tội giết người, tiến sĩ Bruce đã tự sát bằng tylenol và codeine.
Ông chết tại Bệnh viện Frederick trước khi bị Bộ Tư pháp Mỹ chính thức khởi tố vì tội phát tán vi trùng bệnh than bằng đường bưu điện. Các cuộc điều tra cho thấy nhà khoa học này đã có những triệu chứng rối loạn tâm lý do phải chịu áp lực từ việc xuất hiện liên tục các bức thư chứa vi khuẩn gây bệnh than.
Kẻ khủng bố Nawaf al-Hazmi.
Đến những "cái bắt tay lỏng lẻo" của FBI và CIA
Năm 2007, theo ông Robert Baer, cựu nhân viên Cơ quan tình báo trung ương Hoa Kỳ CIA phục trách khu vực Trung Đông, lý do khiến nước Mỹ không tránh được thảm hoạ ngày 11/9/2001 đơn giản là vì "không ai chịu nói với nhau câu nào!". Tháng 1/2000, một nhân viên CIA phụ trách khu vực Đông Á nhận được tin hai nhân vật khủng bố của Al - Qaeda, Khalid al-Midhar và Nawaf al-Hazmi đang trên đường sang Mỹ và nhân viên này biết chắc họ không đến Mỹ để... nghỉ ngơi.
Đến tháng 8/2001, sở chỉ huy CIA mới nhận thấy cần phải báo tin này cho FBI nhưng đã quá muộn để FBI lần ra dấu vết của hai tên khủng bố này. Từ tháng 1/2000 đến tháng 8/2001, có 50 đến 60 nhân viên của CIA biết chuyện al-Hazmi và al-Midhar đang nhởn nhơ "đi du lịch" ở đâu đó trong lòng nước Mỹ.
Vấn đề nằm ở chính cách liên hệ đặc biệt giữa hai cơ quan FBI và CIA: Họ chủ yếu sử dụng điện thoại và máy fax chuyên dụng để truyền tải thông tin. CIA đã báo cho một nhân viên FBI bằng cách gửi một bản fax liên quan đến hai nhân vật khủng bố al-Hazmi và al-Midhar.
Nhưng vì một lý do nào đó, bản fax này đã không bao giờ được chuyển tới FBI. Mặc dù không hề có dấu hiệu nào cho thấy có sự can thiệp từ bên ngoài vào hệ thống truyền dữ liệu, nhưng rõ ràng Cục điều tra liên bang không hề nhận được bản fax nào và họ cũng không tìm hiểu hay hỏi lại thông tin về bản fax bị thất lạc này.
Theo phân tích của một số chuyên gia, sai lầm lần này lại chính là việc truyền tin giữa hai cơ quan và phát hiện đối tượng khủng bố quá muộn. Bởi vậy, sự việc ngày 11/9 đã xảy ra, để lại nỗi đau trong lòng người dân nước Mỹ đến tận sau này.
Hồng Nhung (Theo AP/Dailymail/Time)