Ngày 26/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã bắt đầu cuộc họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC), dự kiến kéo dài 2 ngày. Cuộc họp thảo luận các vấn đề chính sách, trong đó đặt trọng tâm tìm giải pháp ứng phó cho tình trạng lạm phát leo thang.
Đa phần giới quan sát nhận định, cuộc họp sẽ quyết định về một đợt tăng lãi suất lớn, được cho là 0,75 điểm phần trăm, trong lần tăng lãi suất thứ tư ở năm nay của Fed nhằm hạ nhiệt nhu cầu mua bán và giảm bớt áp lực giá cả đối với các hộ gia đình cũng như doanh nghiệp Mỹ.
Bài toán đối với các nhà hoạch định chính sách hiện nay là kiềm chế lạm phát trước khi quá muộn, song phải tránh đẩy nền kinh tế lớn nhất thế giới vào một cuộc suy thoái gây ảnh hưởng xấu trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Chủ tịch Fed Jerome Powell và một số nhà hoạch định chính sách khác từng khẳng định quan điểm ưu tiên kiềm chế lạm phát, bất chấp rủi ro suy thoái cao.
Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ công bố ngày 13/7 cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tăng 9,1% trong tháng 6 so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 11/1981. Trong khi đó, so với tháng 5, CPI trong tháng 6 đã tăng 1,3% do giá xăng dầu, chi phí nhà ở và thực phẩm tăng cao.
Theo Hãng tin Bloomberg, các số liệu lạm phát nói trên một lần nữa cho thấy áp lực giá cả đang lan rộng trong toàn bộ nền kinh tế Mỹ. "Chỉ số CPI đã gây ra một cú sốc khác. Mặc dù CPI tăng đột biến chủ yếu do giá năng lượng và thực phẩm - vốn là những vấn đề toàn cầu, nhưng giá cả nhiều hàng hóa và dịch vụ nội địa cũng tăng, từ nhà ở cho đến ôtô, quần áo", ông Robert Frick, nhà kinh tế tại tổ chức tín dụng toàn cầu Navy Federal Credit Union, nhận định.
Dữ liệu lạm phát sẽ khiến các quan chức tại Fed phải đưa ra các chính sách mạnh tay. Fed nhiều khả năng sẽ tiếp tục tăng lãi suất cho đến khi chắc chắn rằng chỉ số này về lại mục tiêu 2%.
Tuy nhiên, dù giá cả chung tiếp tục tăng, trong đó giá khí đốt, thực phẩm đều tăng cao và giá nhà đất chạm mức kỷ lục mới nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy tốc độ tăng này đang chậm lại, đồng nghĩa với việc ngân hàng trung ương có thể xem xét lại tốc độ tăng lãi suất.
Fed đã lần lượt tăng lãi suất từ 0% hồi đầu năm lên biên độ 1,5-1,75% tính đến tháng 6/2022, đẩy lãi suất thế chấp tăng cao và khiến doanh số bán nhà giảm trong 5 tháng liên tiếp.
Các nhà hoạch định chính sách muốn vạch ra một chiến lược "hạ cánh mềm," trong đó kiềm chế lạm phát mà tránh gây ra suy thoái.
Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế cảnh báo tính khả thi của chiến lược này không cao, trong khi việc áp dụng các biện pháp quá cứng rắn có thể khiến kết quả không được như mong muốn.
Bà Julie Smith, Giáo sư kinh tế thuộc trường Cao đẳng Lafayette, nhận định rằng tăng lãi suất không hẳn là công cụ chính sách lý tưởng nhất trong đối phó với lạm phát tại Mỹ.
Trong khi đó, cựu Phó Chủ tịch Fed Donald Kohn nhấn mạnh, điều quan trọng là ông Powell nên thông báo rõ ràng về những số liệu mà Fed kỳ vọng để làm chậm hoặc tạm dừng chu kỳ tăng lãi suất.
Theo ông Kohn, một cuộc suy thoái nhẹ, với tỉ lệ thất nghiệp cao hơn mức 3,7% mà Fed dự kiến vào tháng trước, sẽ là cần thiết để phá vỡ vòng xoáy lạm phát này. Tuy nhiên, những biến số không chắc chắn xung quanh vấn đề này là rất lớn.
Minh Hoa (t/h theo Vietnam+, Tuổi Trẻ Online)