Áp lực khi Fed tăng lãi suất ở mức cao
Theo báo cáo mới nhất, Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) đã chỉ ra những tác động của tình hình kinh tế - xã hội của thế giới và trong nước đến sự phát triển của công nghiệp và thương mại Việt Nam.
Cơ quan này cho biết, việc Fed vẫn duy trì lãi suất ở mức cao sẽ tiếp tục làm gia tăng áp lực và có tác động tiêu cực đến phát triển công nghiệp của Việt Nam.
Cụ thể, dòng vốn đầu tư FDI vào ngành công nghiệp của Việt Nam có thể giảm, gây khó khăn cho các dự án mở rộng và phát triển công nghiệp. Khi lãi suất tại Hoa Kỳ tăng, chi phí vay nợ của các doanh nghiệp Việt Nam có thể tăng lên, đặc biệt đối với những doanh nghiệp vay vốn bằng USD.
Đồng thời, điều này cũng có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng hóa công nghiệp của Việt Nam.
Tăng lãi suất là một biện pháp kiểm soát lạm phát, chi phí nguyên liệu và sản xuất cũng có thể giảm theo, giúp các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam duy trì lợi nhuận. Tuy nhiên, lãi suất cao cũng có thể làm chậm lại tốc độ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ảnh hưởng đến nhu cầu đối với hàng hóa công nghiệp của Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) duy trì mức lãi suất thấp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và kiểm soát lạm phát trong khu vực đồng Euro khiến các nhà đầu tư tìm kiếm lợi suất cao hơn ở các thị trường mới nổi như Việt Nam.
Điều này có thể dẫn đến tăng dòng vốn FDI vào các ngành công nghiệp và dịch vụ của Việt Nam, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là các ngành mà Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu sang EU như: nông sản, sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, sắt thép, sản phẩm điện tử,...
Ngoài ra, cuộc xung đột Nga - Ukraine có nhiều diễn biến mới có thể làm cho giá các loại năng lượng đầu vào tăng cao, đồng thời có tác động tiêu cực đến lạm phát và có thể dẫn đến sự sụt giảm dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam.
Cuộc xung đột đã dẫn đến tình trạng gián đoạn nguồn cung năng lượng, đẩy giá dầu và khí đốt lên cao. Điều này làm tăng chi phí sản xuất và vận chuyển tại Việt Nam, ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp và giá cả hàng hóa.
Giá năng lượng cao có thể gây áp lực lạm phát, ảnh hưởng đến sức mua của người tiêu dùng và chi phí sinh hoạt, từ đó làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Hơn nữa, Ukraine là nhà xuất khẩu lớn các sản phẩm nông nghiệp như ngũ cốc và dầu ăn nên cuộc xung đột đã làm gián đoạn nguồn cung, đẩy giá các sản phẩm này lên cao. Việt Nam có thể phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguyên liệu hoặc giá thành tăng cao, ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến thực phẩm.
Những tác động đến ngành thương mại
Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương cũng chỉ ra rằng, chính sách duy trì lãi suất ở mức cao của Fed có thể làm thay đổi tỉ giá hối đoái USD/VND.
"USD sẽ có xu hướng mạnh hơn so với đồng VND, làm cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt đỏ hơn và hàng hóa nhập khẩu rẻ hơn. Điều này có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế", cơ quan này nhận định.
Bên cạnh đó, chính sách lãi suất thấp của EU có thể kích thích tiêu dùng và đầu tư, dẫn đến tăng nhu cầu nhập khẩu hàng hóa từ Việt Nam, nhất là các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày và nông sản.
Việc giảm 36 khoản phí, lệ phí với mức giảm từ 10% đến 50% áp dụng từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 31/12/2024 có thể khiến giảm thu ngân sách. Tuy nhiên lại giúp doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất, kinh doanh, góp phần phục hồi và tăng trưởng kinh tế.
"Chính sách ưu đãi thuế VAT với mức giảm 2% sẽ giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh; người dân giảm chi phí tiêu dùng", báo cáo nêu rõ.
Cũng theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, việc 73 quốc gia công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường có thể mang lại nhiều tác động tích cực.
"Khi được công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam có thể dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế hơn và ngược lại.
Sự công nhận này có thể tạo ra môi trường đầu tư hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam.
Ngoài ra, sự gia tăng hoạt động kinh tế cũng có thể thúc đẩy chuyển giao công nghệ và giúp nâng cao tay nghề lao động", cơ quan này nhấn mạnh.
Doanh nghiệp cần tăng cường năng lực sản xuất trong nước
Theo Viện Nghiên cứu Chiến lược, Chính sách Công Thương, để thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp và thương mại, cần có sự kết hợp các nhóm giải pháp tổng thể từ Nhà nước và doanh nghiệp.
Cơ quan này kiến nghị Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách ưu đãi như cắt giảm thuế cho các dự án liên quan nhằm tạo môi trường thuận lợi cho sự đổi mới và phát triển lâu dài, góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.
Đặc biệt là đẩy nhanh tiến độ các dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và thương mại.
Bên cạnh đó, ưu tiên tập trung nguồn lực cho những dự án lớn như đường cao tốc Bắc - Nam, mở rộng cảng Hải Phòng, hiện đại hóa sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất và hoàn thiện dự án đường dây 500 kV mạch 3 nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp và thương mại.
Tiếp tục các nỗ lực ngoại giao kinh tế, đẩy mạnh hội nhập quốc tế và xây dựng quan hệ với các quốc gia lớn như Hoa Kỳ và Hàn Quốc để củng cố vị thế thương mại của Việt Nam, mở rộng thị trường xuất nhập khẩu và giúp tăng trưởng kinh tế bền vững.
Đối với các doanh nghiệp, cơ quan này khuyến nghị cần theo dõi sát sao các quyết định của Fed và chuẩn bị các biện pháp ứng phó phù hợp để tận dụng cơ hội và giảm thiểu rủi ro.
Các biện pháp này có thể bao gồm việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tăng cường năng lực sản xuất trong nước và tìm kiếm các nguồn vốn thay thế để đảm bảo sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp Việt Nam.
Thanh Loan