Trong suốt thập kỷ vừa qua và hơn thế nữa, Rafael Nadal và Roger Federer tạo thành đôi đệ nhất kỳ phùng địch thủ trên sân quần, thậm chí vô tiền khoáng hậu trong lịch sử làng banh nỉ. Bất cứ thử thách, chông gai nào, lần này sang lần khác, cả hai đều mạnh mẽ vượt qua, để rồi gặp nhau trong những trận chung kết danh giá và cống hiến màn thư hùng tuyệt đỉnh. Nadal và Federer, với sự ganh đua khốc liệt tới mức kinh hoàng, cộng thêm đẳng cấp và danh tiếng lừng lẫy năm châu bốn bể, đã góp công lớn cho sự phát triển mạnh mẽ của môn quần vợt trong thời gian qua.
Hôm nay, họ ngồi bên nhau, sát cánh với nhau, để nói lời chia tay, trong trận đấu giã từ sự nghiệp của Federer. Sau 40 màn so tài căng thẳng tột độ, những trận đấu mà là kỷ niệm đẹp của người này sẽ là nỗi buồn của người kia, cả hai cùng chung chiến tiến và “được thua” trước Jack Sock và Frances Tiafoe. Nadal và Federer đã thắng cả sự nghiệp, hôm nay họ “được thua” có lẽ là cái kết đẹp hơn. Một cái kết mở cho sự tiếp nối của những thế hệ sau. Tre già măng mọc có gì lạ đâu.
Cho dù biết trước, cảm xúc là không thể kìm nén. Federer khóc. Nadal cũng khóc. Hàng ngàn CĐV trong số hơn 17 ngàn người đến sân theo dõi trận đấu cuối cùng của tay vợt Thụy Sỹ khóc. Hàng vạn người hâm mộ xem trận đấu qua ti-vi cũng rưng rưng. Những cú trái tay đẹp như cánh thiên nga của Tchaikovsky từ nay thôi ngừng bay. Và rồi sẽ một ngày, sớm thôi, những bước chạy cuồn cuộn của chú bò tót Nadal cũng sẽ dừng lại. Một thập kỷ tàn phai.
Không chỉ làng banh nỉ, làng túc cầu cũng đang chuẩn bị tâm lý cho cuộc chia ly với hai cầu thủ có thể ví là những ngôi sao Bắc Đẩu trên bầu trời bóng đá trong thập kỷ vừa qua và hơn thế nữa. Đó là Lionel Messi và Cristiano Ronaldo. Khá trùng hợp, cuộc ganh đua giữa Ronaldo và Messi, Federer và Nadal đều hình thành trong thập kỷ đầu tiên của thế kỷ 21 (2000s) và vươn tới đỉnh cao thống trị trong thập kỷ thứ hai (2010s).
Nếu có một cuộc hạnh ngộ giữa các thế hệ người hâm mộ bóng đá qua các thời kỳ, hãy thử hình dung về hoạt cảnh thú vị hiện ra trước mắt. Một chàng thanh niên người Ý si tình miên man kể về Grande Torino tài hoa đoản mệnh của thập niên 1940. Một madridista kiêu hãnh và ngạo nghễ phô trương chiến công hiển hách 5 lần vô địch C1 liên tiếp của Real Madrid thế hệ Di Stefano, Pukas trong thập niên 1950. Không chịu thua, một vũ công samba lí lắc khoe khoang về sự thống trị của bóng đá Brazil và nhà vua Pele tại World Cup với 3 chức vô địch vào các năm 1958, 1962 và 1970.
Phía đằng xa, hai anh chàng láng giềng Đức và Hà Lan đang cãi nhau ỏm tỏi về đội bóng số một của bóng đá thế giới trong thập niên 1970. Chàng trai mặc áo da cam liến thoắng nói về Thánh Johan Cruyff, về Total-Football, về cách người Hà Lan khai thác không gian và thay đổi cả thế giới bóng đá. Thâm trầm và lạnh lùng hơn, anh chàng người Đức thản nhiên đáp về Hoàng đế Franz Beckenbauer, về những chức vô địch của Tây Đức.
Ở góc khác, chú nhóc thấp bé với mái tóc xoăn và khuôn mặt tinh ranh tự đắc nhắc đến Diego Maradona, người đã phủ bóng lên cả kỳ World Cup 1986 và khiến cả thành Naples tôn thờ. Còn chúng ta, những người lớn lên trong hai thập niên đầu của thế kỷ 21 thì có thể mỉm cười khiêm tốn và hành diện để nói về kỷ nguyên Messi và Ronaldo. Hơn trăm năm lịch sử, bóng đá sản sinh vô vàn tài nghệ tuyệt luân, nhưng để chứng kiến hai ngôi sao kiệt xuất song hành và đẩy cường độ tranh đua lên đến tột bậc như hai siêu sao của những năm đầu thế kỷ 21 là chưa từng có.
Chúng ta không chỉ nói về một đội bóng kiệt xuất như thập niên 1940 nhớ về Grande Torino trong tiếc nuối và hoài niệm xa xăm. Chúng ta không chỉ nói về sự thống trị như thập niên 1950 nhắc đến Real Madrid và Di Stefano bằng sự kính ngưỡng. Chúng ta không chỉ ca tụng quyền uy tột bậc như thập niên 1960 kể đến Brazil và Pele. Chúng ta không chỉ nói về một hai thế lực tiếp nối như thập niên 1970 tiếc cho Cruyff hay Hà Lan hay nể phục bản lĩnh Đức và Beckhenbauer. Và chúng ta cũng không chỉ tôn sùng một biểu tượng như thập niên 1980 nghĩ tới Maradona.
Dễ nhận thấy, mỗi thập niên, bóng đá chứng kiến sự thống trị của một tập thể hoặc một tài năng xuất chúng. Duy chỉ có chúng ta, những người đại diện cho thập niên 2000 và 2010 được chứng kiến hai tài năng xuất chúng ganh đua suốt hơn 10 năm, qua từng mùa giải, trong từng trận đấu và mỗi khi đôi bên chạm trán.
Đặc biệt hơn nữa khi cả hai rất khác nhau trên sân cỏ nhưng đều là “mỗi người một vẻ mười phân vẹn mười. Messi biểu trưng cho cái gọi là thiên chất. Anh xoay sở trong mọi tình huống trông thật thuận tự nhiên. Những cú chạm bóng chuẩn mực theo phương pháp đào tạo của La Masia nhưng vẫn phảng phất chất bụi bặm của phố phường Argentina. Những pha rê bóng của La Pulga tuy không khoa trương nhưng dậm chân quãng ngắn khơi gợi cảm xúc cho người xem như đang được chứng kiến một điệu tango trữ tình.
Trong khi đó, Ronaldo cuồn cuộn từ khát vọng đến cơ bắp. Không ai thèm khát chiến thắng và vinh quang như CR7. Kể từ khi rời mảnh đất quê hương Funchal đến Lisbon, cậu bé thiếu niên Ronaldo đã luôn nói rằng mục tiêu của cậu là trở thành số một. Không ai miệt mài chăm chỉ như siêu sao người Bồ Đào Nha. Đổi lại là hình thể và kỹ năng xứng đáng được tôn vinh là biểu tượng mọi thời đại không chỉ cho bóng đá mà cả thể thao, với slogan: Nhanh hơn, cao hơn và mạnh hơn.
Kết quả là Ronaldo cùng kỳ phùng địch thủ Messi mang đến trên sân cỏ hàng chục Quả bóng vàng, hàng trăm danh hiệu, hàng ngàn bàn thắng và pha kiến tạo, hàng vạn khoảnh khắc diệu vợi và hàng triệu con tim thổn thức theo từng pha bóng của cả hai. Diễm phúc ấy chỉ có chúng ta được hưởng thụ trong suốt những năm tháng sôi nổi của tuổi trẻ.
Không ai tránh được quy luật của thời gian. Sau hơn một thập niên tung hoành ngang dọc, Federer đã dừng lại, Nadal sắp dừng lại, và Messi-Ronaldo cũng vậy. Ronaldo hơn Nadal 1 tuổi, đã 37, và tuổi tác đã in hằn trong sự nghiệp khi không còn giữ được suất đá chính tại MU. Messi, cũng đã 35, không còn đủ sung mãn để tả xung hữu đột dẫn dắt toàn đội. Anh chấp nhận lùi xuống một chút theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng để đồng đội tỏa sáng.
World Cup 2022 sắp tới tại Qatar gần như chắc chắn là giải đấu lớn cuối cùng cả hai sẽ góp mặt tranh tài. Nếu quần vợt là môn thể thao cá nhân, thế nên Nadal hay Federer có thể tự thân định đoạt thành bại thì bóng đá là môn thể thao đồng đội, Messi hay Ronaldo dù cho xuất chúng tới cỡ nào vẫn phụ thuộc vào cộng sự. Thế nên, dù cùng nhau thống trị bóng đá thế giới, sự nghiệp của hai siêu sao này có chung một điểm dang dở là chưa từng vô địch World Cup.
Thế nên càng thú vị hơn khi giao điểm cuối cho sự ganh đua của Messi và Ronaldo lại là ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh. Thắng bại dĩ nhiên vẫn quan trọng, tối quan trọng, nhưng ngoài khía cạnh ấy còn là sự chiêm nghiệm cho tất cả chúng ta.
Ganh đua và tôn trọng là hai yếu tố quan trọng nhất trong thể thao. Ngày Federer giải nghệ, không chỉ Federer khóc mà Nadal cũng khóc. Đó là hình ảnh biểu trưng cho cái gọi là “anh hùng trọng anh hùng”. Họ ganh đua và khát khao giành chiến thắng nhưng không phải chiến thắng bằng mọi giá, bằng thủ đoạn. Họ chinh phục vinh quang còn bằng cả sự cao thượng. Có như vậy tên tuổi mới mãi trường tồn.
Messi và Ronaldo cũng vậy. Trong bộ phim dài tập mang tên kỷ nguyên Si-Rô, không ai là chính diện, không ai là phản diện. Cả hai đều là những tấm gương mực thước cho thế hệ sau noi theo. Từ tài năng cho đến sự cống hiến, từ nỗ lực cho đến nhân cách. Tất nhiên, không thể hình tượng hóa họ thành những vĩ nhân. Họ suy cho cùng là con người, là cầu thủ. Vẫn có lúc họ mắc sai lầm nhưng cốt yếu, trong công việc của mình, họ không chỉ xuất sắc mà còn chuyên nghiệp và bền bỉ nhất.
Chẳng riêng gì thể thao, ngành nghề nào cũng vẫn, luôn cần sự khát khao chinh phục đỉnh cao, thái độ làm việc chuyên nghiệp và sự chăm chỉ cũng như loại trừ các chiêu trò thủ đoạn hay mưu hèn kế bẩn. Có như vậy mới trường tồn và đến khi dừng lại vẫn hiên ngang ngẩng cao đầu để đón nhận sự kính phục của mọi người.