Ngân hàng First Citizens đã đạt được thỏa thuận mua lại phần lớn Ngân hàng Thung lũng Silicon (SVB), Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang Mỹ (FDIC) cho biết hôm 27/3.
First Citizens sẽ mua khoảng 72 tỷ USD tài sản của SVB với mức chiết khấu 16,5 tỷ USD. Khoảng 90 tỷ USD chứng khoán và các tài sản khác của SVB vẫn thuộc quyền kiểm soát của FDIC.
Ngoài ra, FDIC cũng nhận được quyền tăng giá cổ phiếu phổ thông của ngân hàng First Citizens với giá trị tiềm năng lên tới 500 triệu USD, FDIC cho biết.
17 chi nhánh trước đây của SVB sẽ mở cửa với tên gọi tên gọi First-Citizens Bank & Trust Company vào ngày 27/3, theo tuyên bố của FDIC.
Tính đến ngày 10/3, SVB có tổng tài sản khoảng 167 tỷ USD và tổng số tiền gửi là 119 tỷ USD, FDIC cho biết. Tất cả khoản tiền gửi này, cùng với các khoản vay của SVB, sẽ do First Citizens tiếp quản.
Thương vụ này sẽ làm tăng đáng kể quy mô của First Citizens. Tính đến ngày 24/3, ngân hàng này có giá trị thị trường khoảng 8,4 tỷ USD, tài sản khoảng 109 tỷ USD và tổng số tiền gửi 89,4 tỷ USD.
Bình yên trước cơn bão
Thỏa thuận giữa First Citizens và SVB khiến thị trường nhẹ nhõm hơn một chút sau mấy tuần liên tục chìm ngập trong tin tức về sự sụp đổ của các ngân hàng, các thỏa thuận giải cứu hay sự trợ giúp của chính quyền nhằm củng cố niềm tin.
Lịch sử SVB đã bước sang trang mới, nhưng một vấn đề lớn vẫn đang tồn tại, đó là làm thế nào để đảm bảo an toàn cho tiền gửi tại tất cả các ngân hàng khác trong khu vực.
Sự sụp đổ của SVB, sau đó là ngân hàng Signature, cách đây hơn hai tuần đã làm chấn động cả thế giới, khiến những người gửi tiền ở Mỹ đua nhau rút tiền khỏi các ngân hàng nhỏ để chuyển sang các ngân hàng lớn hơn.
Sự khủng hoảng niềm tin sau khi ngân hàng này sụp đổ chính là một trong những nguyên nhân làm ngân hàng Thụy Sĩ Credit Suisse lao đao và bị thâu tóm bởi ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ UBS.
Cuối tuần trước, thị trường tài chính tiếp tục rung lắc khi cổ phiếu của ngân hàng lớn nhất của Đức Deutsche Bank giảm 8,6% vào ngày 24/3.
Vào tháng 3, chỉ số Stoxx của cổ phiếu ngân hàng châu Âu giảm hơn 18% và chỉ số ngân hàng khu vực KBW của Mỹ giảm 21%, khiến các nhà đầu tư lo lắng không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo.
Tình trạng hỗn loạn mới nhất trong hệ thống ngân hàng toàn cầu có khả năng gây ra một cuộc khủng hoảng tài chính, mặc dù còn quá sớm để dự đoán liệu kịch bản năm 2008 có lặp lại hay không, Giám đốc Tập đoàn Ngân hàng Australia và New Zealand Shayne Elliott cho biết.
“Đừng bao giờ nghĩ rằng sau SVB và Credit Suisse, cuộc sống sẽ trở lại bình thường. Những điều này có xu hướng diễn ra trong một thời gian dài”, ông Elliott khẳng định.
Câu hỏi còn bỏ ngỏ
Sự căng thẳng bất ngờ gia tăng tại các ngân hàng đã đặt ra câu hỏi liệu các ngân hàng trung ương lớn có tiếp tục tăng mạnh lãi suất để giảm lạm phát hay không, và liệu việc thắt chặt cho vay có gây tổn hại cho nền kinh tế toàn cầu hay không.
Ở châu Âu, trái phiếu ngân hàng đang chịu áp lực lớn, trong khi các hợp đồng hoán đổi rủi ro tín dụng (chi phí bảo hiểm đối với các trường hợp vỡ nợ) cũng tăng cao.
Chỉ số CDS (thước đo rủi ro vỡ nợ) 5 năm của Deutsche Bank tăng lên mức 200 điểm, mức cao nhất kể từ cuối năm 2018 vào ngày 24/3, theo dữ liệu từ S&P Global Market Intelligence.
Tại Mỹ, dòng vốn chảy vào các quỹ thị trường tiền tệ đã tăng từ hơn 300 tỷ USD lên mức kỷ lục 5,1 nghìn tỷ USD trong tháng qua do người gửi tiền mất niềm tin vào các ngân hàng.
Đứng trước nguy cơ khủng hoảng ngày càng lan rộng, các cơ quan quản lý ngân hàng trên khắp thế giới đã nhanh chóng hành động để củng cố niềm tin vào hệ thống.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ và các ngân hàng trung ương châu Âu, Thụy Sĩ, Anh, Canada, và Nhật Bản cho biết họ sẽ nỗ lực để cung cấp tài chính bằng USD dễ dàng hơn. Fed cũng đã thiết lập một chương trình cho vay khẩn cấp để hỗ trợ thêm cho các ngân hàng.
Các nhà giao dịch trái phiếu toàn cầu cho rằng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất trong cuộc họp chính sách diễn ra vào tháng 5 tới, và sẽ bắt đầu hạ lãi suất sớm nhất vào tháng 6 vì kinh tế Mỹ đang tiến gần nguy cơ suy thoái.
Nguyễn Tuyết (Theo CNBC, Reuters, Bloomberg)