“Dự báo GDP toàn cầu năm 2023 được điều chỉnh giảm một lần nữa khi các ngân hàng trung ương đẩy mạnh cuộc chiến chống lạm phát và triển vọng thị trường bất động sản Trung Quốc xấu đi”, báo cáo Triển vọng Kinh tế Toàn cầu (GEO) của Fitch Rating nêu.
Fitch cũng giảm dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ năm 2023 từ mức 0,5% xuống còn 0,2% “bởi vì tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ gia tăng.”
Dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc năm 2023 cũng giảm từ 4,5% xuống còn 4,1% do “triển vọng phục hồi xây dựng nhà ở suy yếu”. Dự báo tăng trưởng của Trung Quốc năm 2022 vẫn ở mức 2,8% “do các ca nhiễm Covid-19 gia tăng gây áp lực lên hoạt động trong ngắn hạn.”
Trong khi đó, dự báo tăng trưởng của Eurozone năm 2023 được điều chỉnh tăng từ mức 0,1% lên 0,2% do cuộc khủng hoảng khí đốt ở châu Âu giảm nhẹ, nhưng việc Ngân hàng Trung ương ECB tăng lãi suất mạnh hơn sẽ gây áp lực lên nhu cầu.
Fitch Ratings cho rằng nguy cơ thiếu hụt khí đốt tự nhiên ở châu Âu trong mùa Đông này đã giảm xuống do nhập khẩu khí hoá lỏng LNG tăng và tiêu thụ khí đốt giảm.
Ngoài ra, lạm phát thời gian gần đây ở khu vực đồng euro và Anh đã đạt 11%, và lạm phát cơ bản đã đang tăng lên. Fitch Ratings ước tính lạm phát chung sẽ giảm đáng kể vào năm 2023 khi giá lương thực và năng lượng ổn định.
Trước đó, ngày 16/11, các nhà kinh tế của công ty dịch vụ tài chính Barclays (Anh) cũng đã cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu cho năm 2023 với lý do tình trạng lạm phát cao trên diện rộng khó có thể giảm nhanh, buộc nhiều nước phải tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Barclays dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 ở mức 1,7%, thấp hơn so với dự báo được đưa ra hồi tháng 9 là 2,2%. Trong năm nay, Barclays dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu ở mức 3,2%.
Barclays cho biết: “Ngoại trừ lĩnh vực nhà ở, vốn bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là ở Mỹ, việc thắt chặt chính sách tiền tệ hiện vẫn chưa thể tác động đến phần lớn nền kinh tế. Tuy nhiên, điều đó sẽ thay đổi vào năm tới."
Các nhà đầu tư lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế khi các ngân hàng trung ương trên toàn cầu nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ để kiểm soát lạm phát tăng vọt, nguy cơ sẽ còn trầm trọng hơn do cuộc xung đột Nga-Ukraine.
Cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng căng thẳng ở châu Âu và tình trạng phong tỏa xã hội nghiêm ngặt do đại dịch Covid-19 ở Trung Quốc cũng góp phần gây thêm khó khăn cho kinh tế toàn cầu.
Barclays dự kiến các nền kinh tế phát triển sẽ suy giảm trong năm 2023, với suy thoái ở Vương quốc Anh và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) bắt đầu vào quý 3 và quý 4/2022.
Đối với Mỹ, Barclays nhận thấy một cuộc suy thoái kéo dài hơn sẽ khiến GDP nước này giảm 0,1% vào năm 2023. Công ty này dự báo mức tăng trưởng dưới mức 3,8% cho Trung Quốc, do việc gỡ bỏ chính sách “Zero Covid” đang diễn ra chậm chạp, tình trạng lây nhiễm gia tăng và lĩnh vực bất động sản trì trệ.
Minh Hoa (t/h)