Chi Cục thuế Thành phố Quy Nhơn vừa ra các quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (trụ sở Thành phố Hà Nội, UpCOM: FLC) do nợ thuế quá 90 ngày.
Cụ thể, tổng số tiền FLC bị cưỡng chế thuế là hơn 133 tỷ đồng. Trong đó bao gồm 115 tỷ đồng là tiền thuê đất và 18 tỷ đồng là lãi phát sinh do chậm nộp.
Theo đó, Chi cục Thuế Thành phố Quy Nhơn ra quyết định cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản và yêu cầu phong tỏa tài khoản đối với Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC (trụ sở tại tầng 5, tòa nhà FLC Landmark Tower, đường Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội).
Kể từ sau khi ông Trịnh Văn Quyết và hàng loạt lãnh đạo cấp cao của FLC bị dính vòng lao lý, tập đoàn này cũng gặp khó khăn về tài chính và liên tục nhận được "trát" truy thu thuế, cưỡng chế thuế từ các cục thuế địa phương do nợ thuế.
Chia sẻ tại Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 được tổ chức vào hồi tháng 3/2024, lãnh đao FLC cho biết Tập đoàn bị cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngừng sử dụng hóa đơn xuất phát từ viềc chậm nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ với nhà nước. Tháng 7/2022 là thời điểm đầu tiên Tập đoàn bị cưỡng chế thuế bằng biện pháp ngùng sử dụng hóa đơn.
Tuy nhiên tính đến ngày tổ chức đại hội bất thường, Tập đoàn FLC đã thực hiện nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác cho nhà nước là hơn 800 tỷ đồng, nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ khác cho nhà nước của Tập đoàn FLC còn khoảng 600 tỷ đồng.
Ban điều hành Tập đoàn FLC đang tiếp tục xây dựng các phương án M&A, hợp tác đầu tư tập trung vào các dự án trọng điểm để đủ điều kiện bán hàng theo quy định pháp luật, còn dư nguồn lực để thanh toán khoản nợ đó trong năm 2024.
Chia sẻ thêm, ban lãnh đạo FLC nhấn mạnh Tập đoàn đang tái khởi động các Dự án của Tập đoàn FLC trên toàn quốc, đồng thời tái cơ cấu toàn diện Tập doàn nhằm đáp ứng yêu cầu hoạt động kinh doanh, tiết giảm tối da chi phí vận hành để tập trung nguồn lực cho các hoạt động đầu tư kinh doanh.